Phòng không Nga đã thua UAV Thổ Nhĩ Kỳ?
Các cuộc xung đột cục bộ hiện đại đang ngày càng trở nên bị chi phối bởi sự tham gia của các cường quốc nước ngoài hậu thuẫn cho các bên. Cuộc xung đột ở Libya không phải ngoại lệ.
Cũng giống như các cuộc xung đột khác trong khu vực, cả Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) và Quân đội Quốc gia Libya (LNA) đều đã tìm đến các cường quốc nước ngoài có ảnh hưởng để hỗ trợ về mặt quân sự, kinh tế và ngoại giao.
Trong giai đoạn cao trào của cuộc xung đột, các đơn vị LNA đã phát hiện và khai thác một lỗ hổng lớn trong hệ thống phòng thủ của lực lượng GNA, đó là việc họ không có khả năng che chở trên không.
Khi các chiến binh của LNA giành thế thắng, áp sát Tripoli, GNA đã buộc phải yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ giúp đỡ nếu không muốn thua cuộc. Ankara đã nhanh chóng phản ứng và kịp thời cung cấp cho GNA các phương tiện bay không người lái (UAV) Bayraktar TB2 với sự hỗ trợ của các nhân viên quân sự Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngay sau đó, lực lượng LNA của tướng Khalifa Haftar đã phải đình chỉ cuộc tấn công do những tổn thất gây ra bởi máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ bất chấp việc LNA sở hữu hệ thống phòng không, bao gồm cả Pantsir S1 hiện đại do Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cung cấp.
Các kênh truyền thông ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ và GNA đã sử dụng bước ngoặt trên để tuyên bố "chiến thắng" cho máy bay không người lái Thổ Nhĩ Kỳ trước vũ khí phòng không do Nga sản xuất, với bằng chứng là việc phá hủy một số hệ thống Pantsir tại căn cứ không quân al-Watiya.
Các hoạt động của máy bay không người lái chiến đấu đã được Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá là thành công khi chúng sau đó được triển khai tới Nagorno-Karabakh. Hơn nữa, Chính phủ Ukraine cũng bày tỏ quan tâm đến việc mua thêm Bayraktar TB2 cho quân đội của mình.
Câu hỏi đặt ra là UAV Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ có hiệu quả như truyền thông ca ngợi?
Để trả lời câu hỏi này, tờ Modern Diplomacy đã xem xét các dữ liệu hiện tại. Theo đó, máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ đã thực sự tiêu diệt được một số lượng đáng kể các hệ thống do Nga sản xuất.
Vào tháng 5 năm nay, có tới 9 chiếc Pantsir bị phá hủy chỉ trong 4 ngày. Tuy nhiên, con số này là bằng chứng cho thấy, cường độ khắc nghiệt của các cuộc đụng độ, hơn là phơi bày nhược điểm của hệ thống phòng không Nga.
Ở bối cảnh khác, số lượng máy bay không người lái Bayraktar bị phá hủy trong năm 2020 là 47. Hầu hết các UAV của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị bắn rơi - bởi chính Pantsirs - ở các khu vực Abu Grain, Sirte và Bani Walid, điều mà GNA và các phương tiện truyền thông thân Thổ Nhĩ Kỳ không hề đề cập đến.
Ngoài ra, nhiều hệ thống phòng không bị vô hiệu hóa bởi các UAV Thổ Nhĩ Kỳ đã không được phía nhà khai thác đưa vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Điều này cũng tính đến một số sai lầm khác liên quan đến yếu tố con người như định vị kém và ngụy trang. Đây là các yếu tố cần được lưu ý trong quá trình đánh giá khả năng chiến đấu thực sự của Pantsir.
Tất cả những điều trên cho thấy, hiệu quả của vũ khí được kiểm tra tốt nhất trong chiến đấu. Nếu trong trường hợp cuộc xung đột ở Libya chứng kiến một sự leo thang lớn khác, điều quan trọng nhất vẫn là liệu các bên có rút ra được bài học từ những khiếm khuyết của mình hay không, hay sẽ để những sai lầm tương tự tái diễn.
Bài học cho phương Tây
Không chỉ tạo nên bước ngoặt ở Libya, máy bay không người lái Thổ Nhĩ Kỳ cũng đóng vai trò vô cùng lớn trong cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan.
Xung đột ở Nagorno-Karabakh giữa hai quốc gia này được coi là đã đóng băng và không thu hút được nhiều sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Nhưng 26 năm sau, khi cuộc chiến đầu tiên kết thúc, khu vực đã chứng kiến một mức độ chiến tranh hoàn toàn khác và thu hút sự chú ý của các chuyên gia, tờ Le Monde của Pháp viết.
Trước khi giao tranh xảy ra, mọi người đều tin rằng quân đội Armenia hiệu quả hơn quân Azerbaijan. Tuy nhiên, Azerbaijan đã cho thấy sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng và tích lũy được một kho vũ khí quân sự ấn tượng. Đáng chú ý trong đó là máy bay không người lái được mua từ Thổ Nhĩ Kỳ và Israel, bên cạnh sự chia sẻ kinh nghiệm trong vai trò đồng minh của Ankara.
Chỉ trong 44 ngày, Azerbaijan đã buộc đội quân Armenia dày dạn kinh nghiệm rút lui. Máy bay không người lái của Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đã gieo rắc nỗi sợ hãi ở Nagorno-Karabakh. Người Armenia thua vì đã không chuẩn bị trước cho một cuộc chiến như vậy.
Gustav Gressel từ Hội đồng Châu Âu về Quan hệ Đối ngoại thừa nhận, xung đột giữa Armenia và Azerbaijan là trường hợp đáng xem xét. “Châu Âu nên nghiên cứu kỹ lưỡng các bài học quân sự của cuộc xung đột này, và không coi đây là cuộc chiến nhỏ của các nước nghèo”, Gressel nói.
Ông cho rằng trong trường hợp xảy ra xung đột, hầu hết các nước châu Âu sẽ thấy mình trong trường hợp của người Armenia, khi họ sẽ bị bắn từ trên không mà không có gì để cản trở.
“Chưa từng ai làm như vậy trong một chiến dịch”, chuyên gia Michel Goya nêu rõ, đồng thời cho biết thêm rằng đã đến lúc quân đội phương Tây ngừng khinh thường “công nghệ bay kỳ lạ” - ám chỉ UAV - nói trên.