Sự thay đổi bất ngờ của Thổ Nhĩ Kỳ
Vào ngày 18/2 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã đánh dấu kỷ niệm 68 năm thành viên NATO của mình bằng những thông điệp cam kết đầy thiện chí với liên minh, đồng thời đưa ra một loạt các lời ca ngợi khác khiến giới quan sát cảm thấy bất ngờ.
Còn nhớ, dịp kỷ niệm 67 năm thành viên NATO của Thổ Nhĩ Kỳ năm ngoái là một cuộc tranh cãi ồn ào. Khi đó, hàng loạt những vấn đề bất đồng với phương Tây đã được truyền thông nước này đăng tải với phản ứng gay gắt, đồng thời nêu bật câu hỏi gây âu lo: Ankara có nên rời khỏi liên minh hay không?
Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đã mô tả NATO là mối đe dọa an ninh hàng đầu. NATO trở thành một đối tượng thù địch, bị cáo buộc là thủ phạm của vô số hành vi sai trái, từ việc là chủ mưu đứng sau cuộc đảo chính năm 2016 cho đến âm mưu chia rẽ Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, vào ngày kỷ niệm năm nay, thái độ của Thổ Nhĩ Kỳ đã khác hẳn. Từ những bài viết nêu cao tình hữu nghị trên truyền thông cho đến các tuyên bố của quan chức chính phủ đều cho thấy: Ankara dường như đang muốn quay trở lại với mối “lương duyên” NATO.
Vậy điều gì đã khơi dậy lòng nhiệt thành của Thổ Nhĩ Kỳ đối với liên minh quân sự phương Tây khi rõ ràng ngày này năm ngoái họ còn coi NATO như kẻ đối địch không đội trời chung?
Theo Al-Monitor, bản thân NATO đã không làm gì đặc biệt để khiến Ankara thay đổi thái độ. Câu trả lời ở đây là việc mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga đã bước vào một chương mới kịch tính hơn khi căng thẳng nổ ra ở tỉnh Idlib và lập trường của Moscow ở Libya dường như đang đối đầu với Ankara.
Ở thời điểm hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã đi đến bờ vực của một cuộc đối đầu quân sự giống như cuộc khủng hoảng tháng 11/2015, khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay Nga ở biên giới với Syria.
Khi nói đến những đối tác thân thiết nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, người ta thường nhắc về hai cái tên chủ chốt: Phương Tây và Nga. Trong vài năm trở lại đây, mối quan hệ tay ba giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, phương Tây đã liên tục thay đổi sự cân bằng.
Khi gặp sóng gió với phương Tây, Ankara tìm đến Moscow. Còn khi trục trặc với Nga, chính quyền Tổng thống Erdogan sẽ làm điều tương tự ở phía ngược lại.
Quá trình nối lại tình cảm với NATO của Thổ Nhĩ Kỳ được cho là bắt đầu kể từ sau cuộc gặp không có kết quả giữa quan chức tình báo Thổ Nhĩ Kỳ và Syria ở Moscow hôm 13/1, thời điểm quan hệ đối tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga bắt đầu rạn nứt.
Tuy nhiên, giới quan sát tin rằng Ankara chỉ đang muốn tiếp cận với NATO để tìm kiếm sự ủng hộ cho cuộc xung đột ở Idlib trong trường hợp phải đối trọng với Nga, hơn là một dấu hiệu cho sự trở lại liên minh phương Tây lâu dài.
Sự thay đổi thái độ của Ankara hoàn toàn được thúc đẩy bởi việc nước này đã đi vào ngõ cụt ở Idlib và Libya. Để giải thoát chính mình khỏi bước đường cùng đó, Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng đối trọng với Nga và chuyển mối quan hệ song phương với Nga - vốn đã mất cân bằng và Ankara luôn bị phụ thuộc một chiều - đến một nền tảng đa phương an toàn hơn.
Ankara rõ ràng đang cố gắng lôi kéo NATO, Mỹ và các đối thủ nặng ký khác ở châu Âu tham gia vào bế tắc Idlib để điều chỉnh cân bằng, nhưng có vẻ như họ sẽ không thành công.
Liệu NATO có khả năng răn đe Nga ở Idlib không?
Trường hợp của Ukraine sẽ là câu trả lời cho câu hỏi này. Với cuộc xung đột ở Idlib, Nga vẫn tiếp tục là một “con mồi” béo bở giống như ở cuộc khủng hoảng Ukraine mà “thợ săn” NATO không thể ra tay.
Hơn tất cả, NATO gần như không có nguy cơ đối đầu vũ trang với Nga ở Idlib, nơi được coi là một cuộc xung đột ngoài khu vực và nằm ngoài phạm vi Điều 5 theo quy định của Hiệp ước NATO về phòng thủ tập thể.
Dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy sự miễn cưỡng của NATO đối với cuộc chiến ở Syria trong nhiều năm qua là việc liên minh này chỉ hạn chế sự tham gia của mình ở một số hoạt động chống khủng bố IS trong giai đoạn 2014-2019, thay vì có các hành động quân sự lớn hơn.
Với việc không thể ra tay giúp sức ở Idlib, thái độ nhiệt tình của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm kết thúc và NATO sẽ nhanh chóng trở lại thành đối tượng thù địch như trước đó.
Ankara luôn cần một kẻ thù – dù là thực tế hoặc tưởng tượng - để có thể lấy được sự ủng hộ của công chúng trong việc tạo ra các bước ngoặt nhanh chóng về chính sách đối ngoại và đạt được những tính toán chính trị và chiến lược.
Trong số những đối tượng được coi là “vật tế thần”, NATO vẫn là cái tên đứng đầu danh sách bởi vì liên minh này vẫn luôn bị coi là “kẻ thù chung” của nhiều phe phái chính trị bên trong Thổ Nhĩ Kỳ, điều mà Tổng thống Erdogan có thể tận dụng để đạt được sự ủng hộ chính trị mạnh mẽ.