Tranh cãi giữa hai thành viên chủ chốt của NATO, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ, về quan điểm đối lập ở Libya có thể là khởi đầu cho sự kết thúc của liên minh quân sự đã tồn tại hàng thập kỷ.
Nếu đối đầu leo thang, Libya sẽ là chướng ngại ngăn cản sự đoàn kết của NATO, đặc biệt khi ngày càng có nhiều câu hỏi về việc sự tồn tại của một tổ chức quân sự ở thời đại mới liệu có cần thiết?
NATO đụng độ
70 năm trước, Hastings Lionel Ismay, Tổng thư ký đầu tiên của NATO, nói rằng liên minh được thành lập để “hạ bệ Liên Xô, giúp Mỹ lên ngôi và khiến người Đức chuốc thất bại”. Tuy nhiên, vào thời điểm 30 năm sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, tuyên bố của Ismay không còn phù hợp với thời cuộc.
Các thành viên NATO giờ đây không còn cùng chung chí hướng. Lợi ích quốc gia giờ mới là ưu tiên, và kẻ thù ngày hôm qua lại là đồng minh của ngày hôm nay. Điều này đang thể hiện rõ ở hai điểm nóng Libya và Syria.
Nga là quốc gia quan tâm đến cả hai khu vực nói trên và đang nhận được những tác động thuận lợi, cả vô tình lẫn hữu ý từ một số quốc gia thành viên NATO.
Ở đấu trường Syria, Mỹ đã nhắm mắt làm ngơ trước sự can thiệp của Nga trong thời gian qua. Cho đến lúc này, Washington thậm chí đã chấp thuận mục tiêu của Moscow trong việc bảo vệ chính quyền Tổng thống Bashar Al-Assad, điều được coi là mối đe dọa đối với an ninh của Israel.
Còn ở Libya - Pháp, Italy, Đức và các nước NATO khác đang ủng hộ Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do tướng Khalifa Haftar lãnh đạo. Mặc dù Nga đã lên tiếng bác bỏ sự tham gia ở Libya, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn liên tục cáo buộc Moscow cũng có quan điểm ủng hộ LNA.
Ở hướng ngược lại, Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) được Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ để giữ vững quyền kiểm soát thủ đô Tripoli và bờ biển phía Tây. Các lực lượng GNA đã giáng một đòn mạnh vào lực lượng tướng Haftar, khiến Pháp phẫn nộ.
Đứng ở hai bên bờ chiến tuyến, cuộc đụng độ giữa Paris và Ankara đang trở thành tâm điểm đáng chú ý nhất trong nội bộ phương Tây. Pháp cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc đối với Libya, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ chỉ ra sự không nhất quán của Pháp trong việc nhắm mắt làm ngơ trước những vi phạm của Ai Cập và UAE vì lợi ích của tướng Haftar.
Chính phủ ở Paris cũng cáo buộc Ankara gây hấn với một tàu chiến Pháp ở Địa Trung Hải, một lời buộc tội mà Thổ Nhĩ Kỳ phủ nhận. Trong khi đó, tàu chở vật tư y tế Thổ Nhĩ Kỳ đến Libya đã bị tàu đồng minh dừng lại xét hỏi ba lần trong một ngày, đầu tiên là tàu Hy Lạp, sau đó là tàu Italy và cuối cùng là tàu Pháp.
Một sự cố như vậy chưa từng xảy ra trước đây, vì nó không hề đi theo các giao thức thân thiện của NATO. Điều này mang đến những tín hiệu xấu, đi kèm với các cuộc diễn tập của hải quân Pháp ở biển Địa Trung Hải được cho là gây nguy hiểm cho tàu Thổ Nhĩ Kỳ.
Phát ngôn viên của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã ám chỉ về khả năng Thổ Nhĩ Kỳ rời khỏi NATO, khởi đầu cho sự kết thúc của liên minh quân sự quan trọng nhất và mạnh nhất trong kỷ nguyên hiện đại. Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ có quân đội lớn thứ hai trong liên minh, sau Mỹ, mà còn có vị trí rất chiến lược là liên kết giữa Đông và Tây.
Thời khắc quyết định
Trong bài phân tích của viện Chính sách Cận Đông Washington, liên minh Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ cần phải được bảo vệ, bởi việc để Thổ Nhĩ Kỳ rời khỏi NATO sẽ tạo thành một vết thương làm tổn hại đến lợi ích của Mỹ trong khu vực.
Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ có nền quân sự hùng mạnh mà còn là quốc gia có vị trí địa lý và kinh tế khu vực đắc địa, là vùng đệm giữa châu Âu với Trung Đông và giữa Trung Đông với Nga.
Mất Thổ Nhĩ Kỳ ở tư cách đồng minh, phương Tây sẽ mất vùng đệm giữa Trung Đông và châu Âu, khiến lục địa già bị xâm lấn bởi ảnh hưởng của Nga, vốn đã gây dựng mạnh ở Trung Đông thời gian qua.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng là quốc gia có vị trí tốt nhất để cân bằng với Iran, nước có tham vọng và ảnh hưởng đang gia tăng trong mối quan hệ đối tác với Nga. Hơn nữa, Thổ-Mỹ đang có quan hệ phụ thuộc lẫn nhau; nếu không có Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị Tehran và Moscow bỏ lại phía sau.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nhận thức rõ tính độc đáo của đất nước mình khi cách xa về khoảng cách địa lý với đồng minh NATO nhưng lại gần gũi về chính trị và quân sự, còn với Nga thì ngược lại.
Hệ thống phòng không S400 mà Thổ Nhĩ Kỳ mua từ Nga là một chỉ báo về mối quan hệ hiện tại với phương Tây, khi bị cả Mỹ và NATO phản đối. NATO cũng phản đối chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria chống lại người Kurd, lực lượng được Mỹ hỗ trợ về quân sự và tài chính.
Khoảng cách giữa NATO và Thổ Nhĩ Kỳ đã được nới rộng, đến mức các ngoại trưởng EU kêu gọi chấm dứt xuất khẩu vũ khí cho thành viên này. Các cuộc thăm dò ý kiến trong một số quốc gia NATO cũng cho thấy mong muốn phổ biến là trục xuất Thổ Nhĩ Kỳ khỏi liên minh.
Trong Chiến tranh Lạnh, Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh mạnh nhất của Mỹ, đóng vai trò nổi bật dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô và tạo nên một chiến thắng cho phương Tây.
Nhưng, các quy tắc của trò chơi hiện tại đã thay đổi.
Đấu trường đó là Libya, nơi công chúng sẽ được thấy thời khắc xác định cho tương lai của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.