Thời chủ nhà cạnh tranh việc với... osin

Thời chủ nhà cạnh tranh việc với... osin

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
Do thị trường người giúp việc (thường gọi là osin) không còn tình trạng "căng thẳng" như trước nữa nên nhiều gia đình chọn osin khắt khe hơn, thậm chí sẵn sàng cho nghỉ việc để cắt giảm chi phí.

Kinh tế ngày càng khó khăn, mọi chi phí đều tăng chóng mặt khiến nhiều gia đình quyết định kế sách "mỗi người cố một tí" thay vì thuê người giúp việc. Cầu giảm nên cung cũng có xu hướng thừa nhân lực dẫn đến "vị thế" osin thời nay rớt giá thê thảm.

Chủ nhà tranh việc osin

Chị Minh Hoa (Đội Cấn - Ba Đình - Hà Nội) cho biết: Trước đây, thuê osin (nuôi ăn ở tại nhà) chi phí trung bình 4,5 - 5 triệu đồng/tháng và may thì tìm được người tạm vừa ý mình. Hiện nay, bé nhà chị đã gần hai tuổi, chỉ cần giúp việc ban ngày, vì buổi tối vợ chồng có thể tự lo được, nên chị quyết định cho osin nghỉ làm và chuyển sang thuê người giúp việc "bán thời gian". Người giúp việc này chủ yếu dọn dẹp nhà cửa và nấu hai bữa ăn. Như thế, osin phục vụ cho gia đình chị chỉ làm 7 - 8h/ngày mà chi phí cắt giảm gần một nửa, bởi "osin không ở tại nhà mình nên giảm được những chi phí "giời ơi" như điện, nước...".

Xã hội - Thời chủ nhà cạnh tranh việc với... osin

Nhiều người chọn cách tự phục vụ thay vì thuê người giúp việc.

Chị Minh Hoa cho biết thêm, nếu bé nhà chị lớn hơn chút nữa thì chị sẽ cho đi học ở một trường công lập gần nhà. Osin chỉ lau dọn, nhà cửa nên lúc đó chị tính sẽ tìm người nào sạch sẽ, cẩn thận để thuê làm theo giờ. Một tuần chỉ cần thuê họ 2 - 3h vào ngày cuối tuần để tổng vệ sinh nhà cửa, vừa tiết kiệm chi phí lại có thể giám sát, đôn đốc làm việc họ được nhiều hơn.

Gia đình chị Hà Anh (Bạch Mai - Hà Nội) lại quyết định cho osin nghỉ hẳn việc. Mặc dù đã ở vị trí phó phòng tại một công ty kinh doanh thiết bị máy tính, thu nhập 10 triệu đồng/tháng, cộng thêm mỗi tháng chồng đưa khoảng 7 triệu đồng nhưng tất cả các chi phí như tiền học ngoại khóa của con, thức ăn hàng ngày, khám chữa bệnh... đều tăng chóng mặt, khiến chị trở nên lo lắng.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, tình trạng kinh doanh của công ty bị sụt giảm nghiêm trọng dẫn đến thu nhập của chị cũng bị cắt giảm khoảng 2 triệu/tháng. Suy đi tính lại, vợ chồng chị quyết định chia nhau gánh bớt việc nhà mà không cần đến người giúp việc.

"Từ ngày người giúp việc nghỉ làm, chồng tôi không còn thời gian nhậu nhẹt cùng bạn bè, tôi ít đi shopping hai vợ chồng phải chia nhau đón con, chuẩn bị bữa ăn cho gia đình. Cắt giảm toàn tập như thế tuy mệt nhưng lại hóa hay bởi tiết kiệm được khoản tiền không nhỏ" - chị Hà Anh chia sẻ.

Hầu hết những gia đình từng thuê osin đều công nhận "cuộc sống không người lái" tuy có vất vả hơn nhưng về kinh tế lại được cải thiện đáng kể. Thấy phóng viên thắc mắc về cụm từ "cuộc sống không người lái", chị Hà Anh cười ngất mà cắt nghĩa: "Trước đây, người giúp việc hầu hết đều "làm phách" với chủ.

Đôi khi không phải chủ chọn họ mà chính họ chọn chủ. Họ chỉ chấp nhận làm nếu đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Nếu chủ đối xử khiến họ không hài lòng một chút là họ sẵn sàng bỏ đi... Nhưng thời gian gần đây, chủ nhà dần được trả về đúng vị trí của mình, bởi lượng osin bị thải hồi ngày càng nhiều nên chủ nhà có quyền "nâng lên đặt xuống" hơn trước kia. Thậm chí, nếu khéo làm giá, nhiều gia chủ còn thuê được người giúp việc tốt mà mức giá lại "mềm" hơn trước từ 500 - 700.000 đồng/người".

Môi giới đau đầu nghĩ kế "chiều" khách

Trong khi, nhiều gia đình đang dần ổn định cuộc sống "không người lái" hoặc tạm hài lòng bởi thoát khỏi cảnh "trên đe dưới búa" do osin "làm mình làm mẩy" hay trung tâm môi giới bắt chẹt để ép giá thì các trung tâm môi giới lại đau đầu nghĩ kế sách "chiều" khách và duy trì hoạt động của trung tâm đang có nguy cơ lao đao trước bão giá.

Xã hội - Thời chủ nhà cạnh tranh việc với... osin (Hình 2).

Không còn tình trạng chen lấn để đăng ký tìm người giúp việc tại các trung tâm như trước.

Lần theo thông tin quảng cáo trên mạng, PV Người Đưa Tin tìm đến địa chỉ của trung tâm chuyên cung cấp người giúp việc tại số nhà 25/12 ngõ 543 - đường Bưởi (Hà Nội). Gọi là trung tâm cho oai, chứ thực chất đó chỉ là một căn phòng nhỏ, rộng khoảng 15m2, vừa đủ kê 2 - 3 cái bàn, vài cái ghế rất sơ sài.

Anh Tuấn Anh - giám đốc trung tâm trần tình: "Trước đây, thời còn thịnh vượng, trung tâm của tôi thuê, văn phòng ở phố Nguyên Hồng, rất rộng rãi, nhưng từ ngày dân tình thắt chặt hầu bao, người tìm đến trung tâm để kiếm người giảm đi trông thấy. Không có tiền để chi phí cho hoạt động của trung tâm nên tôi phải chuyển địa điểm về đây để giảm bớt chi phí thuê nhà".

Cũng theo anh Tuấn Anh, sau Tết vừa rồi, giá thuê người giúp việc vẫn còn ở mức ngất ngưởng, tình trạng "cháy" osin không xảy ra như trước đây nhưng hầu hết các trung tâm vẫn hoạt động bình thường. Năm ngoái, giá thuê một người giúp việc dao động 1,2 - 2 triệu đồng/tháng, còn năm nay giá thuê là 2 triệu - 2,5 triệu đồng/tháng; nếu osin trông trẻ thì giá còn cao hơn nữa.

Tuy nhiên, sau Tết một thời gian, mọi chi phí leo thang theo giá Tết, rồi không chịu giảm, khiến nhiều gia đình rơi vào tình trạng thiếu trước hụt sau. Nhiều gia đình quyết định chuyển chiến lược cắt giảm chi phí cho osin từng bước như chuyển sang thuê theo giờ, thậm chí cho osin nghỉ việc, để dành tiền lấp vào những chi phí sinh hoạt cho gia đình.

Chúng tôi tiếp tục gọi theo số điện thoại 097981... do một người quen giới thiệu. Được biết, người đàn ông dùng số điện thoại trên là Trung (quê ở Thái Bình), môi giới những người trong làng mình sinh sống hoặc các làng lân cận cho những gia đình có nhu cầu thuê người giúp việc.

Sau khi trò chuyện, anh Trung thật thà chia sẻ: Sau Tết một thời gian, số người giúp việc anh "xuất đi" ồ ạt quay trở về nhờ anh tìm việc mới. Khi được hỏi, hầu hết họ đều cho biết, các gia chủ thắt chặt chi tiêu bằng cách quyết định “tự thân vận động” hoặc nhờ sự hỗ trợ của hai bên nội ngoại nên họ bị mất việc. Người đi làm osin lâu năm và chăm chỉ, được gia chủ giữ lại, những người mới đi làm, chưa có nhiều kinh nghiệm nhiều chủ cho thử vài ngày, thấy "lơ mơ" đã trả về yêu cầu đổi người khác.

Anh Trung cho biết thêm, thời gian gần đây, thu nhập từ việc môi giới cũng không được nhiều như trước bởi không còn tình trạng vơ bèo vạt tép osin. Giờ đây, các gia đình có thể thoải mái lựa chọn bởi nguồn osin bị thất nghiệp ngày càng nhiều. Theo đó, những tiêu chí tuyển chọn cũng khắt khe hơn trước.

Trước đây, nhiều osin thường "kén cá chọn canh", bởi tâm lý ngại trông trẻ nhỏ hay phục vụ người già vì vất vả hơn rất nhiều những công việc khác. Bây giờ, cứ có người thuê là lớp osin thất nghiệp này đổ xô vào nhận, thậm chí thu nhập cũng không được cao như trước, họ cũng buộc phải đồng ý bởi: "Đi làm dù ít hay nhiều còn có đồng ra đồng vào, chứ ở nhà trông vào mấy mảnh ruộng thì không ăn thua".

Tình trạng thị trường người giúp việc bị rớt giá, buộc phải "xuống nước" còn khiến những người trực tiếp môi giới cũng lao đao theo. Anh Tuấn Anh - cho biết, trước đây, trung tâm quy định gia chủ chỉ được phép thử 3 người, nếu đồng ý sẽ trả 100% phí môi giới, còn nếu người giúp việc không đạt yêu cầu vẫn phải trả 50% tiền lệ phí đó.

Trước tình trạng trên, các trung tâm phải đưa ra những kế hoạch hoạt động mềm dẻo hơn như cho gia chủ thử kiểm tra trình độ osin thoải mái cho đến khi nào ưng ý trung tâm mới thu lệ phí; ngày nào gia chủ trả tiền công lao động trực tiếp cho người giúp ngày đó chưa phải vội đóng lệ phí môi giới ngay. "Mặc dù hết lòng "chiều" khách nhưng không ít chủ nhà đã chọn được người rồi vẫn còn kì kèo, thêm bớt phí môi giới của trung tâm" - anh Tuấn Anh lắc đầu ngao ngán.

Còn đối với những người môi giới trực tiếp như anh Trung cũng thừa nhận, từ ngày thị trường giúp việc trở nên ảm đạm, chi phí môi giới cũng theo đó sụt giảm đi. Anh bật mí, trước đây, phí môi giới thành công một người giúp việc không dưới 800 ngàn đồng thì giờ chỉ còn 500 - 600 ngàn đồng/người. "Chưa kể, nhiều gia đình có kinh tế còn thưởng thêm vì giới thiệu được người làm tốt nhưng đến nay những khoản thưởng đó hầu hết đều bị "lờ" đi khi mình cố tình hỏi tới" - anh Trung than thở.

Ngày càng nhiều người giúp việc "hồi hương"

Theo thông tin của anh Trung, nhiều người giúp việc thất nghiệp trở về làng đành sinh sống bằng những công việc buôn bán lặt vặt với mớ rau, con cá... nhưng thu nhập không đáng là bao, lại vất vả cả ngày. Người giúp việc thất nghiệp hầu hết có nguyện vọng muốn tiếp tục đi giúp việc, bởi nếu gặp được gia chủ tốt thì cuộc sống cũng đỡ bấp bênh hơn, lại "mưa không đến mặt, nắng chẳng đến đầu".

Linh Nhi