Thời Covid-19: Giàu ở rừng sâu, nghèo giữa phố…

Covid-19 ảnh hưởng đến bạn như thế nào? Cách đây gần 1 năm, tôi hay hỏi bạn bè, đối tác của mình câu hỏi này. Bây giờ thì không. Trên thực tế, nhiều lúc chúng ta phải chấp nhận sống chung với nỗi ám ảnh sợ hãi, những nguy cơ, để tìm ra cơ hội trong hoàn cảnh khốn cùng.

img

Covid-19 đã làm đảo lộn cả thế giới, biến xã hội hiện đại, một thế giới phẳng, kết nối bằng một cú click, gặp mặt toàn cầu chỉ trong vài giờ đồng hồ, lại có lúc nghìn trùng cách trở như trở về thời đồ đá. Song nhờ Covid-19, người ta nhìn thấy những sự thật…

Sự thật là loài người, dù đã phát triển đến cực đại của khoa học và công nghệ vẫn có lúc thúc thủ trước một đại dịch toàn cầu với những tổn thương còn dai dẳng.

img

Hàng loạt cửa hàng cửa đóng then cài vì vắng khách do Covid-19

Khi Covid -19 mới bùng phát đã có không ít dự báo, cảnh báo. Người lạc quan tỏ ra bình thản và ngỡ như nó sẽ qua nhanh, không ảnh hưởng đến mình, người bi quan tìm đủ dữ liệu cho thấy đây thực sự là một thảm họa. Thế giới lần đầu tiên trong thực tế chứng kiến “sự tổn thương theo cách mới” mà trước đó ít ai hình dung được, trừ những bộ óc giả tưởng trên phim ảnh.

Những con số liên quan Covid-19 chắc chắn là một chương đầy ám ảnh trong biên niên sử loài người. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) của Liên Hiệp Quốc, thế giới trong năm 2020 có thể đã có thêm khoảng 83-132 triệu trẻ suy dinh dưỡng vì đại dịch. Khi Covid-19 bùng phát khủng khiếp với các lệnh phong tỏa khắp nơi toàn cầu, hơn 160 nước yêu cầu thực hiện việc đóng cửa trường học. Điều này khiến khoảng 1,5 tỉ học sinh và sinh viên phải nghỉ học tại trường.

img

Cho đến thời điểm hiện tại, những con số và dự báo chưa phải là cuối cùng, nó sẽ còn nhảy múa trong nỗi bất an.

Mới đây nhất, tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra một đánh giá chua chát: Covid-19 gây đau thương hơn thế chiến thứ II. Vâng, những con số chết chóc, đau thương, bi ai và hệ lụy của thế chiến thứ II khủng khiếp thế nào, chắc hẳn nhiều người không quên.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu: “Sau Chiến tranh thế giới thứ II, thế giới trải qua nhiều đau thương, cuộc chiến đó ảnh hưởng đến rất nhiều sinh mạng. Còn bây giờ, đại dịch Covid-19 có cường độ thậm chí lớn hơn, ảnh hưởng đến nhiều người hơn". "Điều đó đồng nghĩa những đau thương đại dịch gây ra thậm chí lớn hơn những gì thế giới phải trải qua sau Thế chiến II", ông này nói thêm. Những nhận định và so sánh cho thấy bức tranh ảm đạm ở cấp độ toàn cầu.

Một sự thật nữa từ Covid-19 mà các quốc gia, dù hùng cường nhất cũng phải nhận ra rằng, họ có thể không bị hủy diệt bởi một đạo quân tinh nhuệ nhưng lại “điên đảo” và đối mặt khủng hoảng nghiêm trọng chỉ vì một con virus cùng biến chủng của nó.

Các tập đoàn, đế chế kinh doanh tưởng vững như bàn thạch lại có lúc lung lay vì chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, phương án kinh doanh, biện pháp quản lý từng được xem là “ khuôn vàng thước ngọc” bỗng trở nên vô nghĩa.

Tầm vĩ mô là thế, song đứng trước “nỗi đau Covid-19” còn có những sự thật khác về thân phận con người.

Trong mọi cuộc khủng hoảng, ngoài bức tranh toàn cảnh, từng số phận cụ thể, sự việc cụ thể luôn phơi bày ra những góc khuất. Nơi vừa có hào quang hôm qua, hôm nay có thể là bóng tối bao trùm. So sánh này đúng với thực trạng kinh doanh ở nơi được xem là sầm uất nhất của Hà Nội: Khu phố cổ. Nơi cuộc chạy đua về đầu tư và phương án kinh doanh từng một thời thể hiện bản lĩnh, ý chí, nghị lực của bao người, nay đứng trước tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”.

Người có địa điểm đầu tư, buôn bán phố cổ được xem là có “mỏ vàng”, bây giờ hầu như đất vàng bám bụi. Hàng loạt nhà kinh doanh trong bài toán đầu tư và mặt bằng đã tính đến phương án cắt lỗ để bảo toàn “tính mạng của doanh nghiệp”, đặc biệt là các công ty vừa và nhỏ. Nếu ví dòng tiền như những dòng máu, không phải ai cũng “cầm máu” được trên cơ thể một doanh nghiệp đang cạn kiệt vì chỉ “chảy máu không ngừng”.

Những cuộc bán tháo cơ sở kinh doanh ở nơi sầm uất này vẫn đang diễn ra. Tôi có anh bạn, đầu tư kinh doanh phố cổ gần chục năm nay chia sẻ, bây giờ nói kinh doanh phố cổ, nhiều người sẽ hỏi lỗ bao nhiêu tiền và cầm cự được bao lâu chứ không còn “hào quang” quá khứ. Nguy cơ doanh nghiệp “tái nghèo” rất cao nếu không có giải pháp mà giải pháp chống đỡ cũng không khác gì Đôn-ki-hô-tê đánh nhau với cối xay gió. Sự thật luôn phũ phàng. Trước đây, nói đến kinh doanh phố cổ, nhiều đối tác sẽ tìm cơ hội đầu tư chung, hợp tác, nay cơ sở kinh doanh vắng như nhà cô gái hết duyên chẳng ai ngó ngàng.

So sánh luôn khập khiễng song nó cũng giống như câu: “Bần cư trung thị vô nhân vấn. Phú tại sơn lâm khách hữu tầm” (Nghèo sống giữa đô thị không ai hỏi/ Giàu ở rừng sâu khách cũng đến tìm). Ngẫm thật sâu cay!

Song cũng nhờ Covid-19 anh bạn tôi đã tìm ra những sự thật. Những hợp tác cần chấm dứt hoàn toàn, đồng thời nhận ra được cơ hội lấp lánh trong gian khó, nhận ra được đâu là đối tác gắn kết, đâu là đối tác cần loại trừ, những biện pháp không có trên lý thuyết cũng được áp dụng. Quan trọng hơn là những cơ hội cần nắm bắt dù là nhỏ nhất, tạo nền tảng cho bước đi dài.

Có những hành trình chỉ để trả lời cho câu hỏi, đâu là sự thật. Vậy thì ở một góc khác, cần cảm ơn Covid-19! Nhờ Covid-19 cả thế giới thêm một lần nhận ra sự thật, họ vô cùng nhỏ bé, thân phận con người rất mong manh. Nguy cơ không biết đến từ đâu chính là động lực cho khả năng sinh tồn. Nếu nghĩ đến những nạn nhân của Covid-19, có một sự thật hiển nhiên khác, hãy nỗ lực không ngừng, bởi cho đến hôm nay bạn vẫn có thể tự mình hít thở…

Nguyễn Quang Trung Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.

img