Phong tỏa bầu trời
Trong những tháng gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai một loạt các hệ thống tên lửa phòng không ở cả Syria và Libya để chống lại các cuộc tấn công bằng máy bay và máy bay không người lái từ đối thủ trong khu vực.
Vào ngày 27/2, các cuộc không kích khiến 34 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng ở tỉnh Idlib phía tây bắc của Syria được coi là tổn thất lớn nhất của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều năm qua.
Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng nhận ra phòng không là lĩnh vực quan trọng như thế nào trong các khu vực đầy biến động. Trong động thái ngay sau đó, Ankara đã yêu cầu Mỹ triển khai tên lửa Patriot ở biên giới phía Nam ngay sau khi tiến hành chiến dịch tiến công vào Syria, nhưng đã không được đáp ứng yêu cầu.
Bên cạnh hệ thống phòng không tiên tiến S-400 được mua từ Nga mà chưa được kích hoạt, hệ thống phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu là tầm ngắn và tầm trung, cũng như tương đối lạc hậu.
Không thể có được sự phòng vệ chắc chắn nhất từ đồng minh, Ankara buộc triển khai tên lửa phòng không MIM-23 của riêng mình tại Idlib. Tuy nhiên, hệ thống này cũ và kém hiệu quả hơn nhiều so với Patriot.
Báo chí Thổ Nhĩ Kỳ cũng dẫn lời một quan chức vào đầu tháng 3 nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ triển khai các tên lửa phòng không tầm thấp Hisar được chế tạo trong nước tới Idlib. Tuy nhiên, không rõ chúng có thực sự được triển khai hay không.
Ngoài ra, cũng có tuyên bố cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí đã triển khai các hệ thống phòng không S-200 cũ của Liên Xô, được mua lại từ Ukraine, đặt ở phía Bắc Idlib. Tuy nhiên, khả năng này vẫn chưa được xác minh và cũng rất khó xảy ra.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang tham gia sâu hơn vào cuộc chiến ở Libya, nơi nước này hỗ trợ Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) chống lại Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của tướng Khalifa Haftar.
Tại Libya, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai một loạt các tên lửa phòng không đáng gờm ở phía Tây đất nước và cũng đã có những bước tiến đáng kể trong việc thiết lập một mạng lưới phòng không xung quanh Tripoli.
Như Viện Chính sách Cận Đông Washington nhận định, sự kết hợp của các hệ thống tên lửa MIM-23 Hawk tầm trung do Mỹ sản xuất, hệ thống tầm ngắn Hisar và pháo phòng không Korkut đã tạo ra một lớp phòng thủ bao phủ cơ sở hạ tầng quan trọng và giảm mối đe dọa đối với GNA.
Điểm yếu phòng không
Mặc dù phô trương rầm rộ nhưng phòng không Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Tây Libya có những hạn chế.
Nhà phân tích quân sự Thổ Nhĩ Kỳ Metin Gurcan, gần đây chỉ ra rằng phòng không tầm trung và tầm cao là rất quan trọng đối với sự thống trị trên không ở trục Sirte-al-Jufra, nhưng đây vẫn là điểm yếu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Nước này chỉ đảm bảo được phòng không tầm thấp thông qua việc triển khai các hệ thống phòng không Hisar ở Libya.
Gurcan tiếp tục lưu ý rằng tổ hợp S-400 tầm cao tiên tiến của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa được kích hoạt. Nếu đi vào hoạt động, các tổ hợp tinh vi này có thể thiết lập khu vực chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) giúp thay đổi cục diện cuộc đấu ở bất cứ đâu, và tất nhiên không loại trừ Libya.
Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai hai hệ thống MIM-23 Hawk tại căn cứ không quân al-Watiyah. Tuy nhiên, chúng dường như đã không ngăn chặn được cuộc không kích hôm 3/7, được thực hiện bởi các máy bay chiến đấu không xác định. Có đánh giá cho rằng các tổ hợp này chưa được thiết lập đầy đủ khi cuộc tấn công xảy ra.
LNA muốn ngăn Thổ Nhĩ Kỳ thành lập căn cứ ở al-Watiya và củng cố thêm sự hiện diện ngày càng tăng của nước này bằng cách tạo ra nhiều mạng lưới phòng không trên khắp vùng không phận phía Tây.
Thổ Nhĩ Kỳ muốn giúp GNA đẩy mạnh cuộc tấn công và đánh chiếm thành phố quan trọng chiến lược Sirte và khu vực al-Jufra, bao gồm căn cứ không quân cùng tên nơi được cho là đang có sự xuất hiện của chiến đấu cơ MiG-29 và Su-24 của Nga.
Tờ Forbes nhận định, Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng duy trì sự hiện diện và tăng số lượng tên lửa phòng không ở Libya, đặc biệt nếu GNA muốn tiến xa hơn để đánh chiếm các lãnh thổ của LNA trong những tuần tới.
Điều này đặt ra câu hỏi, liệu S-400 có được triển khai ở Libya hay không? Hệ thống phòng không tiên tiến của Nga tiếp tục trở thành đề tài thảo luận nóng hổi, khi trong động thái mới nhất, phía Mỹ đã đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ bán lại S-400.
Kể từ khi việc mua được hoàn tất, Mỹ đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ trả lại tên lửa S-400 cho Nga, bán chúng cho một quốc gia khác hoặc cam kết không kích hoạt hệ thống.
Vì có nhiều nguy cơ về kinh tế, trừng phạt hơn là một thỏa thuận mua bán vũ khí thông thường, Ankara muốn duy trì sự cân bằng giữa Moscow và Washington, không muốn mạo hiểm mối quan hệ của cả hai bên bằng việc làm mích lòng một trong hai.
Trong bài viết gần đây, tờ Daily Sabah cho rằng, một trong những kịch bản có lợi nhất có thể được ba bên chấp nhận là Thổ Nhĩ Kỳ triển khai hệ thống S-400 ở Libya, phù hợp với các thỏa thuận an ninh và quân sự giữa Ankara và Tripoli, cũng như làm vừa lòng cả Moscow và Washington.