Thú chơi chim độc đáo của người Hà Nội

Thú chơi chim độc đáo của người Hà Nội

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:04
0
Không lảnh lót hiếu thắng như họa mi, không kiêu sa như vành khuyên, hay mộc mạc như cu gáy, âm thanh trong trẻo của chào mào nhắc nhớ về không gian yên bình của những khu vườn xanh rợp bóng cây trong vùng nội ô.

Có lẽ cũng vì thế mà xưa nay, người Hà thành dành tình cảm đặc biệt cho loài chim bé nhỏ, đáng yêu và hiền lành này.

Mặt trời vừa ló rạng, căn nhà số 246 phố Lạc Trung đã vẳng âm thanh lảnh lót của đôi chim chào mào lửa. Những tiếng "triu, uýt, triu triu huýt" lúc trầm lúc bổng, ríu ran khắp một khoảnh không gian. Đôi chào mào đẹp tuyệt với sắc lông sặc sỡ ở má, họng; cặp lông mày có những sợi màu vàng xen kẽ màu đỏ, vui vẻ nhảy qua, nhảy lại trên thanh gỗ trong hai chiếc lồng. Miệng chúng liến thoắng ngân nga một hơi dài khúc nhạc thiên nhiên.

Anh Phạm Ngọc Hà (246 phố Lạc Trung) nói: "Thức ăn cho chào mào ngoài cám, cào cào, côn trùng, chúng ăn loại quả có màu đỏ như: Cà chua, ớt, chuối, cam, cà rốt để giữ được sắc đỏ ở... đít. Với tôi, đôi chim vô tư này là những thiên thần nhỏ bé mang lại sự thư thái, vui vẻ, bỏ lại đằng sau những lo toan bộn bề, tạm xa tiếng tàu xe hỗn loạn chốn thị thành. Những giây phút bên chúng, tôi cảm thấy như lạc vào một thế giới khác, không bon chen, không ầm ỹ, lắng đọng, trầm tư".

Anh Hà tập tành chơi chim chào mào độ vài năm gần đây song niềm yêu thích tiếng thiên nhiên thì đã đến với anh từ gần ba thập niên trước, khi còn là một cậu bé ở khu Định Công (trước đây thuộc địa phận huyện Thanh Trì).

Ngày ấy, vùng Định Công đất rộng, người thưa, lắm cây xanh nên là thiên đường cho nhiều loài chim trú ngụ. Trên cây khế trước cửa nhà Phạm Ngọc Hà có đôi chim chào mào rủ nhau đan tổ ấm. Cứ mỗi sáng sớm, tiếng chim ríu ran như gọi bình minh về đem lại cho anh cảm giác ngọt ngào, bình yên của một ngày mới bắt đầu.

Năm 1994, gia đình anh Hà chuyển về phố Lạc Trung. Tiếng chim mê hoặc từng len lỏi vào ngóc ngách tâm hồn anh tạm phải rời xa từ đó. "Nhiều lúc thấy nhớ, định đi kiếm chú chào mào về nuôi nhưng rồi cuộc sống vội vã quá nên lại thôi.

Năm 2004, người anh vợ tặng tôi đôi chim chào mào này. Lúc đầu chỉ định chăm nom cho vui cuộc sống, thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng, hoài niệm tiếng chim của những ngày thơ bé. Song, nuôi rồi mê mẩn lắm. Chỉ cần bỏ bê không cho chim tắm hay thiếu thức ăn, con chim mất sự sung sức, ủ rũ, hót không căng là mình buồn như chính người thân bị ốm vậy" - Anh Hà cười hiền tâm sự.

Cũng với sự không "kháng cự" nổi tiếng hót kỳ diệu của chào mào mà anh Lưu Tôn Thắng, một người mộ điệu chim chào mào, ở 327 Trần Khát Chân ngày nào cũng xách lồng ra "phố chim" Tăng Bạt Hổ để ngồi nhâm nhi tách cà phê, chuyện vãn với những người cùng sở thích. Thắng đang sở hữu cả chục chú chim chào mào, trong đó anh quý nhất là chú chim "Hoàng Điểu".

Chú chào mào 8 tuổi này được giới chơi chim ở Hà Nội thích mê bởi diện mạo lý tưởng: ức có hai viền lông đen; mũ to đều, hơi cong từ gốc tới đỉnh; cặp chân to dài; thân hình thuôn thuôn; miệng mỏng ngắn, và đặc biệt, sở hữu giọng hót như chuông reo vang - thứ hiếm trong loài chim chào mào.

Anh Thắng bảo, anh yêu thích tiếng hót của loài chim này bởi nhiều lý do, nhưng lý do lớn nhất là: Người ta có thể nhái được tiếng của nhiều loại chim như mi, gáy, chích chòe..., riêng chào mào thì không ai bắt chước được. "Giọng hót của nó lạ lắm, nhiều cung bậc khác nhau, khi bổng khi trầm, tiếng trong tiếng đục. Buồn mấy mà nghe tiếng chào mào hót thì lòng cũng nhẹ nhõm" - Anh thanh niên 28 tuổi giải thích.

Anh Thắng chia sẻ: "Hiện nay ở Hà Nội, do môi trường được bảo vệ nên loài chào mào đã kéo về sinh sống rất đông. Đặc biệt, ở một số nơi như Vườn Bách thú, hồ Trúc Bạch có loài hoa có màu sắc khá lạ, tôi không rõ tên, hoa của chúng màu phớt hồng và nở dọc theo cả đoạn cành dài. Mỗi khi hoa nở, hàng đàn chào mào bay về đây. Trông cảnh chúng vừa chao lượn, phô diễn kỹ năng bay, vừa kiếm mồi vừa cất tiếng hót thích mê mẩn".

Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Hà Nội Mai Xuân Mấm cho biết: "Ở Hà Nội hiện nay, người chơi chim có tới hàng ngàn người, trong đó Hội Chim chào mào thu hút xấp xỉ 100 người. Vui một điều là quan niệm chỉ có những người đứng tuổi, khá giả, có cơ ngơi bề thế ở các biệt thự mới yêu tiếng hát của thiên nhiên đã thay đổi khi ngày càng nhiều người trẻ tuổi ở phố, ở các khu nhà chung cư, nhà tập thể tìm đến thú chơi tao nhã này".

"Nhiều người trong số đó cùng với Hội Sinh vật cảnh Hà Nội tích cực tham gia các hoạt động kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, mà vừa qua là Hội thi Tiếng hót chim Chào mào Sinh vật cảnh Hà Nội mở rộng lần thứ nhất diễn ra vào đầu năm 2010 thu hút hơn 50 tổ chức, cá nhân nuôi chim quý ở Hà Nội và các tỉnh lân cận".

Anh Tùng