Thủ tướng: Xử lý nghiêm việc tung tin giả, phá hoại nền kinh tế

Nguyễn Thu Huyền

Nguyễn Thu Huyền

Thứ 7, 29/10/2022 17:27

Từ nay đến cuối năm, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội…

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, các thành viên Chính phủ đã xem xét, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội; tình hình thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; công tác phòng, chống dịch bệnh và một số nội dung quan trọng khác.

Giữ vững 5 cân đối lớn

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tình hình kinh tế xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2022 tiếp tục phục hồi, đạt kết quả tích cực trên tất cả lĩnh vực.

Dịch bệnh Covid-19 tiếp tục được kiểm soát tốt; Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; Thu ngân sách nhà nước 10 tháng ước đạt 103,7% dự toán, tăng 16,2% so với cùng kỳ.

"Có người nói dự toán chưa sát. Nhưng trong bối cảnh xây dựng dự toán hiện nay, tình hình rất khó khăn, mình phải xây dựng dự toán chi thận trọng, chắc chắn, hiệu quả để bảo đảm an ninh tiền tệ, an ninh tài chính và phải bảo đảm giảm bội chi. Còn thu ngân sách tăng là điều đáng quý bởi sản xuất kinh doanh có phát triển thì mới có nguồn thu", Thủ tướng nói.

Tiêu điểm - Thủ tướng: Xử lý nghiêm việc tung tin giả, phá hoại nền kinh tế

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng 29/10 (Ảnh: VGP).

Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 616 tỷ USD, tăng 14,1%, xuất siêu đạt 9,4 tỷ USD. An ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm.

An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người dân tiếp tục được nâng lên (từ tháng 7/2021 đến nay, đã hỗ trợ hơn 87.500 tỷ đồng cho hơn 55,26 triệu lượt người lao động và gần 851.000 người sử dụng lao động). Các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai toàn diện và hiệu quả; quốc phòng, an ninh, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cho rằng, nước ta còn không ít khó khăn, thách thức phải đối mặt, xử lý.

Thủ tướng nêu hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh chưa được xử lý triệt để. Công tác phối hợp của một số bộ, ngành có nơi, có lúc còn chưa được chặt chẽ. Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế cục bộ ở một số bệnh viện, địa phương chưa được xử lý dứt điểm...

Chỉ rõ các nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nhấn mạnh: "Càng khó khăn, càng phức tạp, càng có nhiều thách thức thì chúng ta càng phải đoàn kết, thống nhất, chia sẻ lẫn nhau. Nhà nước chia sẻ với người dân, doanh nghiệp; doanh nghiệp chia sẻ với Nhà  nước cùng nhau vượt qua khó khăn. Chúng ta phải đoàn kết trong ngoài, đoàn kết nội bộ, đoàn kết trên dưới và phối hợp hết sức chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương".

Đặc biệt Thủ tướng chỉ đạo siết chặt kỷ luật kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám hành động, vì lợi ích chung...

Đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho nền kinh tế

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng, chống Covid-19, nhất là cho trẻ em từ 5 - 12 tuổi.

Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ, nhất là các Bộ trưởng thuộc 4 lĩnh vực: Xây dựng, Nội vụ, Thanh tra Chính phủ và Thông tin - Truyền thông và các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực thực hiện tốt công tác chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội XV.

Tiêu điểm - Thủ tướng: Xử lý nghiêm việc tung tin giả, phá hoại nền kinh tế (Hình 2).

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ ngành phối hợp để đảm bảo, giữ vững ổn định nền kinh tế (Ảnh: VGP).

Lưu ý một số vấn đề trong điều hành, Thủ tướng nêu rõ, điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả, kết hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, kịp thời, chính xác.

Tháo gỡ những cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn, hướng nguồn vốn vào các động lực cho tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư và xuất nhập khẩu.

Kiểm soát chặt chẽ giá cả, nhất là mặt hàng thiết yếu như lương thực thực phẩm, xăng dầu.. Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, dạy các ngành đặc thù.

"Rất chia sẻ với ngành ngân hàng trong bối cảnh thế giới hiện nay lạm phát, tỉ giá, lãi suất tăng cao. Ba vấn đề này cùng với suy giảm kinh tế thế giới sẽ tác động, gây ra nhiều khó khăn cho chính sách tiền tệ", Thủ tướng nói và yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ động xây dựng phương án điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm chủ động, linh hoạt hiệu quả.

Bộ Tài chính kiểm soát tốt chi ngân sách, đẩy mạnh tiết kiệm chi. Nghiên cứu sửa đổi Nghị định về trái phiếu doanh nghiệp phù hợp với tình hình.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương sửa đổi, bổ sung Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu.

Bộ GTVT phấn đấu khởi công 12 dự án thành phần của dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2 (2021-2025) vào cuối năm nay cũng như thông xe 4 tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1. Bộ Y tế phải khắc phục bằng được tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế….

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.