Thú vị về kho đĩa than cổ giữa lòng Hà thành

Thú vị về kho đĩa than cổ giữa lòng Hà thành

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Giữa lòng Hà Nội, một nghệ sỹ guitar đã sưu tập hơn 6.000 đĩa than cổ, làm kinh ngạc nhiều người.

Nghệ sỹ guitar Phan Quang Minh được biết đến như một hiện tượng âm nhạc Việt Nam cách đây gần 10 năm, khi anh là một trong số 50 nghệ sĩ guitar trên toàn thế giới làm khách mời chính thức của World Guitar Congress (WGC) lần đầu tiên tổ chức ở bang Maryland - Mỹ, tháng 6/2004. Nhưng ít ai biết rằng, hàng ngày ngọn lửa đam mê âm nhạc ấy của anh được thắp sáng, nuôi dưỡng bằng những bản nhạc kinh điển chạy bằng đĩa than mà anh cất công sưu tập từ những năm tháng sống và hoạt động âm nhạc tại Mỹ...

Xã hội - Thú vị về kho đĩa than cổ giữa lòng Hà thành

Nghệ sỹ Phan Quang Minh

Thư viện 6.000 đĩa than cổ

Không như một số người sưu tập những thứ cổ lỗ sỹ để "làm dáng" hay đánh bóng tên tuổi cho mình, Phan Quang Minh luôn khát khao truyền tiếng đàn của mình đến người nghe một cách "hoàn hảo nhất để họ được hưởng ngay, không cần phải trải qua mấy chục phút". Anh nhận thấy rằng, những âm thanh chân thực từ những chiếc đĩa than đã tạo ra sự tinh túy trong tiếng đàn guitar của anh. Kho báu ấy hiện đã lên tới gần 6.000 đĩa, hầu hết là những bản nhạc cổ điển của nước ngoài, chỉ một số ít là nhạc trong nước, được ghi từ những năm 50 - 60 của thế kỷ trước.

Trên tầng 5 của ngôi nhà khang trang nằm ở đường Nguyễn An Ninh, từ lâu biến thành thư viện với những nhạc cụ và tài liệu âm nhạc để phục vụ cho việc nghiên cứu âm nhạc. Chạy suốt dọc căn phòng gần 60 m2 là những kệ gỗ kéo dài. Hai kệ dưới cùng là chỗ anh cất giữ đĩa than, còn những kệ bên trên là một khối tài liệu nghiên cứu âm nhạc đồ sộ.

Anh cho rằng, trong khi công nghệ kĩ thuật số đang chiếm lĩnh thị trường nghe nhạc, thì chỉ có đĩa than mới cho ra đời được sản phẩm là thứ âm thanh chân thực nhất bởi "với những người hoài cổ và sành nhạc, nghe đĩa cổ có âm thanh mộc mạc hơn, thật hơn và quan trọng là đến với trái tim gần hơn". Để chia sẻ niềm đam mê của mình, anh lần lượt cho chạy thử những bản nhạc kinh điển như Phiên chợ Ba Tư, Danuyp xanh, Nhạc chiều... từ bộ đầu đọc, bộ loa cổ.

Phan Quang Minh không thiên về chơi đĩa than theo kiểu sưu tập để tạo tiếng vang mà anh chơi mang tính chất nghiên cứu. Điều đó lý giải vì sao, chỉ riêng 3 bản sonat nổi tiếng của Bethoven anh có khoảng hơn 20 người chơi để so sánh. Cái anh cần học hỏi ở đây chính là sự quá độ qua từng thời kỳ.

Anh tâm sự rằng, mình học được rất nhiều từ những thay đổi của họ vì cũng bản nhạc ấy nhưng lối xử lý lại khác nhau. Anh nhận thấy mỗi người đều có cái hay, cái dở để học tập. Có những đoạn cao trào, người nhạc công chơi gấp gáp nhưng cũng bản nhạc ấy 10 năm sau người nhạc công ấy đã chơi hoàn toàn khác, biết tiết chế hơn. Anh cảm được trong đó sự bình tĩnh và triết lý sâu sắc trải qua nhiều năm tháng tập luyện và chiêm nghiệm.

Thú chơi đĩa than là một thú chơi khá tốn kém. Giá một cái đĩa than đắt gấp 2 - 5 lần một đĩa CD. Rẻ nhất cũng rơi vào khoảng 20 USD. Nhìn anh nâng niu chiếc đĩa nhạc Baroque là một trong những đĩa nhạc ghi từ năm 1960. Anh giới thiệu đây là một bản concerto, nhạc của Marcello đã nổi tiếng từ rất lâu. Anh tâm sự, đây là một trong những đĩa nhạc anh rất yêu mến và đã nghe đi nghe lại không biết bao nhiêu lần để cảm nhận được hết cái đẹp và trữ tình mà bản nhạc mang lại. Anh thú nhận, sau này khi có bản nhạc soạn cho guitar, anh đã say mê tập luyện và đã đạt được cái "thần" của bản nhạc kinh điển này.

Nghe âm thanh, biết dàn nhạc

Từ tận sâu đáy lòng, anh luôn trân trọng những người đã âm thầm lao động để ra thành phẩm tuyệt vời này cho anh có cơ hội được nắm giữ và sở hữu chúng. Anh cho biết, cái cầu kỳ của đĩa than còn nằm ở ngoài bìa đĩa. Với anh, những thông tin đó là nguồn tư liệu phong phú, bởi đó là những chi tiết chắt lọc về lịch sử bản nhạc cũng như người chơi. Thậm chí, đó còn là một vài dòng những khơi gợi rất "đắt" cái thần của bản nhạc đó để giúp người nghe cảm thụ có chiều sâu.

Chất lượng âm thanh luôn là yếu tố quan trọng chinh phục người nghe bởi đặc trưng được thu trực tiếp, không có bộ lọc hỗ trợ nên ghi thế nào thì sẽ được truyền thụ đến tai người nghe như thế. Anh hòa mình vào âm nhạc của đĩa than mãnh liệt đến mức chỉ cần bật đĩa lên, nhắm mắt vào là có cảm giác mình đang ở trong rạp hát và trước mặt là cả một dàn nhạc giao hưởng.

Anh thẩm nhạc tài đến mức, chỉ cần nghe qua thôi anh đã biết được độ chuẩn của đĩa đạt đến mức nào. Chỉ cần âm nhạc bật lên là anh đã có được cảm giác rất chân thực về sự bố trí vị trí các nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng. Một đĩa than "chuẩn" nghĩa là dàn nhạc được sắp xếp đúng vị trí. Phía trái sân khấu là violon 1 rồi đến violon 2, ở giữa là viola, bên phải là violonxen. Trên nữa là bộ hơi (kèn). Phía trên cùng là kèn to, giữa là kèn trung...

Anh cho biết, một "kẻ thù" khác của đĩa than là bụi và dầu có trên tay người. Bất kể tay bạn sạch thế nào, trong quá trình lấy đĩa cũng sẽ có nhiều khả năng dầu sẽ bị dính lên bề mặt đĩa, khi đó, chúng sẽ làm các thành rãnh trở nên trơn trượt hơn, dẫn tới giảm chất lượng âm thanh. Nguyên tắc của Phan Quang Minh là không cho bất kỳ ai được động vào kho đĩa của mình. Anh bảo: "Đĩa than ít người muốn cho mượn vì sợ xước, chỉ cần cào một vệt là âm thanh sẽ bị gợn, bị méo mó, chả khác nào dàn nhạc bị sắp xếp nhầm vị trí...".

Tuệ Linh