Thú vị với dòng “tranh đại gia”

Thú vị với dòng “tranh đại gia”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Bùi Thanh Tâm nổi tiếng trong giới họa sĩ bởi sở thích làm đẹp tranh bằng vàng xay khá tốn kém của mình. Xuất phát từ trào lưu làm đẹp của phụ nữ bằng cách dát vàng lên mặt. Anh cho biết nghệ thuật sử dụng bột vàng để làm điểm nhấn cho các tác phẩm hội họa không còn mới mẻ.

Bùi Thanh Tâm sinh năm 1979 tại Thái Bình. Ngay từ nhỏ, Tâm đã bộc lộ năng khiếu mỹ thuật. Những năm cấp 2, Tâm nổi tiếng trong trường với vai trò một họa sĩ nhí khi được các thầy cô tin tưởng giao cho vẽ minh họa báo tường của lớp và của trường. Với một cậu học sinh trường làng, niềm đam mê ấy không được ai ủng hộ, dìu dắt để rồi lớn lên, Tâm vẽ bằng những hoài nghi.

Lạ & Cười - Thú vị với dòng “tranh đại gia”

Bùi Thanh Tâm bên một tác phẩm trong triển lãm những kẻ điên

Vẽ cuộc đời bằng những hoài nghi

Tâm theo học ngành y thay cho năng khiếu mỹ thuật. Thế nhưng, cơ duyên với mỹ thuật vẫn đến khi Tâm trọ học cùng một người bạn ở trường Cao đẳng Nghệ thuật Thái Bình. Tâm quyết định học thêm khoa Hội họa. Sự ghi nhận đầu tiên cho đam mê của Tâm là giành được một số giải thưởng nhỏ của Ủy ban liên hiệp Văn hóa nghệ thuật toàn quốc (2002) và giấy khen của Hội Mỹ thuật Việt Nam trong các năm 2001 - 2002.

Sau đó, Tâm theo học Đại học Mỹ thuật và nhận chép tranh, vẽ minh họa báo lấy tiền học. Tâm vẫn nhớ dấu mốc quan trọng của cuộc đời mình là năm thứ 3, anh được tiếp xúc với họa sĩ Đỗ Phấn và thầy Lê Huy Tiếp - cựu Chủ tịch Hội đồng Mỹ thuật Việt Nam. Họ là 2 người truyền thụ cho Tâm những kỹ thuật cơ bản của sơn dầu và đồ họa.

Cũng nhờ sự hỗ trợ của hai người thầy này bước đầu Tâm đã gặt hái được những thành công mà nhiều họa sĩ trẻ mới vào nghề mơ ước như bán được tranh và vinh dự là một trong 3 đại diện của Đông Nam Á được cử đi tham gia triển lãm quốc tế về đồ họa. Bức tranh đầu tiên Tâm bán được với giá 2000 USD cho một nhà sưu tập có tên là Vân Yến collection ở phố Nhà Chung (Hà Nội).

Theo giới chuyên môn, hội họa của Tâm thuộc loại có tư tưởng. Với trường phái pop art kết hợp biểu hiện của Đức, anh thể hiện cái tôi đầy cá tính bằng góc nhìn con người và xã hội dưới một con mắt công kích và thực hiện bằng thủ pháp giễu nhại. Đây là trường phái nghệ thuật đại chúng xuất phát ở Anh từ những năm 50 thế kỷ trước và sau đó lan rộng ra các nước. Trường phái này ở Việt Nam có nhiều họa sĩ tên tuổi theo đuổi như: Nguyễn Văn Cường, Trần Trọng Vũ, Lê Quảng Hà, Hà Mạnh Thắng, Phạm Huy Thông. Bùi Thanh Tâm đã khẳng định tên tuổi mình trong lĩnh vực nghệ thuật này bằng triển lãm đầu tay với tên Mona lisa ngay sau khi tốt nghiệp đại học Mỹ thuật năm 2009 tại Viet Art Center, 42 Yết Kiêu, Hà Nội.

Dưới "góc nhìn bình thản" của Bùi Thanh Tâm, triển lãm Mona Lisa là một xã hội thu nhỏ với đầy đủ các vấn đề nóng hổi, hiện thực bằng cái nhìn rất siêu thực. Không có sự châm biếm cay nghiệt, cũng không quá kịch tính về đề tài, Bùi Thanh Tâm hướng cho người xem tới với một góc nhìn nhẹ nhàng, thản nhiên mà lại sâu sắc hơn nhiều. "Tôi ra đường, gặp những cô gái rất xinh đẹp, da trắng, môi đỏ nhưng nói năng thô tục, cư xử lố bịch. Rồi những người nông dân bán đất, bán vườn, lao vào những cuộc ăn chơi xa xỉ để chứng tỏ mình bước vào giới thượng lưu… Tất cả những điều đó khiến tôi không khỏi hoài nghi", Bùi Thanh Tâm nói.

Lạ & Cười - Thú vị với dòng “tranh đại gia” (Hình 2).

Những kẻ điên số 10 với chất liệu sơn dầu + vàng lá + vàng boat

Tranh dát vàng treo trên tường nhà giàu

Bùi Thanh Tâm nổi tiếng trong giới họa sĩ bởi sở thích làm đẹp tranh bằng vàng xay khá tốn kém của mình. Xuất phát từ trào lưu làm đẹp của phụ nữ bằng cách dát vàng lên mặt. Anh cho biết nghệ thuật sử dụng bột vàng để làm điểm nhấn cho các tác phẩm hội họa không còn mới mẻ. Tuy nhiên, nhiều người mới chỉ dừng lại ở kỹ thuật đắp nổi hoặc phổ biến hơn là tán nhỏ vàng bạc thành cám rồi dùng sàng mắt nhỏ rắc đều để làm tranh sơn mài...

Ý tưởng dát vàng lên tranh sơn dầu của Tâm bắt nguồn từ sự đam mê, tìm kiếm một chất liệu mang tính đột phá để kết hợp với sơn dầu tạo nên những tình tiết hấp dẫn cho tranh. Quả thật, không ngoa khi cho rằng chỉ nhà giàu mới đủ tiền mua tranh của Tâm. Chỉ một khuôn mặt nhân vật trong bức tranh đã ngốn tới 3 quỳ vàng tương đương với 9 triệu đồng.

Nếu người họa sĩ vẽ một bức tranh sơn dầu được công chúng ghi nhận thì chỉ có thể nhìn nhận đánh giá sự thành công ở góc độ mỹ thuật đơn thuần. Đối với dòng tranh Bùi Thanh Tâm đang theo đuổi không chỉ đòi hỏi người sáng tác làm tốt vai trò của một họa sĩ mà còn phải làm tốt vai trò một người thợ bởi công đoạn tán vàng lên tranh sơn dầu đòi hỏi tính kiên nhẫn rất cao và một thái độ làm việc hết sức tập trung.

Để đạt được độ tinh xảo, Tâm đã học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm từ kỹ thuật là phẳng trong tranh sơn mài của họa sĩ nổi tiếng người Hà Lan từ thế kỷ 17, 18 có tên Rembrandt. Cái tinh tế của người họa sĩ là kỹ thuật phủ vừa phải. Nếu lớp lót quá dày sẽ tạo độ thô của bức tranh còn quá mỏng khi kết hợp với bột vàng tán nhỏ rất dễ bị cho rằng nhái dòng tranh mỹ nghệ thực dụng. Công đoạn tiếp theo là dùng bút lông mịn để xoa cho đến khi những đường nét tranh ánh lên chất vàng. Bùi Thanh Tâm tâm sự: "Một trong những cái khó của người họa sĩ là việc cảm nhận được thời điểm phù hợp là khi lớp lót cuối cùng đạt tới độ se vừa phải để bột vàng rắc lên theo hướng muốn thể hiện (ý tưởng của người họa sĩ)… Bởi nếu rắc vàng lên bề mặt lớp sơn vẫn còn ướt rất dễ bị lầy khi chỉnh sửa".

Tâm chia sẻ, để thử nghiệm kết hợp vàng với sơn dầu là một ý tưởng khá mạo hiểm, vì cái giá phải trả cho sự thất bại là khá đắt. "Nếu người họa sĩ không kiên nhẫn để tạo được độ phủ như ý để bị lầy thì lúc đó chỉ còn cách cạo lớp sơn dầu hỏng đó đi và làm lại. Mỗi lần hỏng như thế, vài ba chục triệu coi như không cánh mà bay chưa kể công sức cũng như sáng tạo nghệ thuật mà người họa sĩ đầu tư vào đó" - Tâm khẳng định.

Công đoạn cuối cùng và cũng vô cùng quan trọng quyết định sự thành công hay thất bại của bức tranh dát vàng là sau khi đợi thời gian để tranh khô hẳn rồi mới phủ một lớp dầu trong kết hợp màu vẽ đậm nhạt để có khối. Tâm thường nói vui, công đoạn quyết định này giống như "đánh bạc" với nghệ thuật vì nó đòi hỏi người họa sỹ phải "cứng tay", phóng bút vẽ thật nhanh bởi dòng tranh khó tính này chỉ chấp nhận một lần vẽ duy nhất, nếu "vờn đi vờn" - tức sửa đi, sửa lại - tranh sẽ lem nhem rất phản cảm.

Bùi Thanh Tâm đã quyết định sử dụng thứ nguyên liệu xa xỉ là vàng để lột tả ý tưởng mình muốn chuyển tải. Sự táo bạo trong sáng tạo nghệ thuật này của Tâm đã ngốn một nguồn kinh phí đáng kể bởi chỉ tính riêng mỗi một khuôn mặt nhân vật dát vàng tương đương với 3 đến 4 quỳ. Chứng kiến sự đầu tư khá bạo tay của Tâm, không ít người gọi đó là một thú chơi trội hay họa sĩ thích làm tranh xa xỉ, để nổi tiếng, để bước vào giới thượng lưu, lấy cớ kết thân với nhà giàu. Tuy nhiên, Tâm có cách giải thích riêng: "Mình chỉ thực sự giàu có khi được đi đến tận cùng khát vọng thử nghiệm táo bạo trong nghệ thuật."

Tuệ Linh