Thực hư quảng cáo

Thực hư quảng cáo "Kình Nguyên Khang chữa bách bệnh"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Dư luận đang xôn xao khi một loại thực phẩm chức năng được quảng cáo là chữa được rất nhiều bệnh nan y...

Chỉ với tờ rơi quảng cáo, cửa hàng Tứ Chính Đường (tại 219G phố Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội) đã thông tin tới người dân trên địa bàn thành phố, khi sử dụng sản phẩm đều có thể "điều trị" khỏi các loại bệnh như tai biến mạch máu não, động mạch vành, tim, xơ cứng động mạch, bệnh tiểu đường… Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, công năng thực của sản phẩm không giống như những gì mà nhà phân phối đã quảng cáo.

Quảng cáo "trên trời" để dụ bệnh nhân

Qua phản ánh của bạn đọc, chúng tôi tìm tới cửa hàng Tứ Chính Đường (tại 219G phố Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội). Đây là nơi bày bán sản phẩm Kình Nguyên Khang và một số sản phẩm khác được viết toàn bộ bằng tiếng Trung Quốc. Qua quan sát, với diện tích căn phòng vào khoảng hơn 10m2 nhưng được bài trí khá ngăn nắp. Một dãy dọc căn phòng là tủ đựng thuốc, còn phía đối diện được treo các biển hiệu quảng cáo khá "hoành tráng" giới thiệu về công năng sử dụng sản phẩm.

Xã hội - Thực hư quảng cáo 'Kình Nguyên Khang chữa bách bệnh'

Tờ rơi quảng cáo công dụng của sản phẩm Kình Nguyên Khang được phát tán tới tay người dân mà không được cơ quan chức năng kiểm soát

Đặc biệt, trong cửa hàng có biển quảng cáo sản phẩm Kình Nguyên Khang nghe rất "bùi tai": "Điều tra lần này có 710 người, trong đó có 550 chỉ số lưu biến không bình thường, chiếm 77,6% tổng số người điều tra. Theo số liệu của Tổ chức y tế Thế giới công bố, hiện nay trên thế giới tỷ lệ người không thuộc trạng thái khỏe mạnh là 80,1%. Do đó, có thể thấy kết quả điều tra của chúng ta và kết quả nêu trên là gần giống nhau. Nguyên nhân dẫn đến chỉ số máu chuyển động không bình thường có rất nhiều, trong đó gồm cả những người bệnh tim mạch, thói quen sinh hoạt không tốt như (hút thuốc, uống rượu, ăn uống, nghỉ ngơi không điều độ) điều này đều có thể dẫn đến số người kém sức khỏe ngày càng nhiều. Trong số 310 người uống, trong đó số người có hiệu quả chiếm 96,8%, điều này nói rõ hiệu quả sản phẩm Kình Nguyên Khang rất rõ rệt".

Sau khi PV tìm hiểu về thuốc và biết rõ mục đích, được mô tả qua về tình hình bệnh tật của bệnh nhân, một nhân viên ở đây quảng cáo: "Người nhà anh bị bệnh tim mạch, đã uống thuốc tây, điều trị hơn một năm chưa đỡ, nếu sử dụng Kình Nguyên Khang sẽ rất tốt. Bởi, chỉ cần uống thuốc đúng quy định là bệnh tình sẽ giảm dần, cứ uống hết một liệu trình, người bệnh đến cửa hàng để được khám, theo dõi và hướng dẫn sử dụng sẽ cho hiệu quả cao".

Nhân viên này cho biết thêm, 1 liệu trình phải uống 3 hộp, 1 hộp có 90 viên, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần uống 2 viên. Mặc dù giá sản phẩm hơi đắt (1,3 triệu đồng/hộp, 1 liệu trình giá 3,9 triệu đồng) nhưng mang lại hiệu quả rất cao. Đồng thời nhấn mạnh, bệnh tim mạch không thể đòi hỏi điều trị khỏi nhanh được, cái quan trọng người bệnh phải kiên trì, tích cực tập luyện cùng với thường xuyên uống Kình Nguyên Khang sẽ dần khôi phục lại trạng thái thông thường, nhanh nhẹn.

Một nhân viên khác "bồi" tiếp: "Chỉ cần sử dụng hết 1 liệu trình thì bệnh sẽ thuyên giảm trông thấy. Nếu muốn kiểm tra cụ thể, mai anh đưa người nhà đến để bác sĩ khám. Về máy móc ở đây thì yên tâm tuyệt đối, vào loại cực kì hiện đại nên bệnh tình sẽ được phát hiện rõ ràng ngay?".

Được biết, toàn bộ sản phẩm bày bán được đề bằng tiếng Trung Quốc không có bản phụ đề bằng tiếng Việt, các nhân viên cửa hàng chưa được đào tạo gì về lĩnh vực chuyên môn nhưng lại tư vấn cho khách cách sử dụng sản phẩm, dễ gây nguy hiểm cho người sử dụng. Hơn nữa, theo cách quảng cáo của những nhân viên ở đây, nhiều người lầm tưởng về hoạt động của cơ sở này là khám chữa bệnh.

Nhập nhèm để... lừa người bệnh?

Thạc sỹ Hoàng Khánh Toàn, chủ nhiệm Khoa Y học dân tộc (Bệnh viện Trung ương quân đội 108) cho biết, cần phân biệt rõ giữa thực phẩm chức năng và thuốc. Thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh, tăng cường sức đề kháng, cường tráng cho cơ thể. Còn mỗi loại thuốc đều có tác dụng trong điều trị bệnh cụ thể. Hiệu quả, chất lượng thuốc tùy thuộc vào từng thành phần của thuốc có đúng với chất lượng đã đăng ký với cơ quan chức năng hay không. Hiện có một số phòng khám đông y quảng cáo chất lượng một đằng nhưng chất lượng thực tế lại khác xa so với những gì đã quảng cáo.

Do vậy, ngoài sự tăng cường kiểm tra, giám sát định kỳ về chất lượng thuốc từ phía các cơ quan chức năng thì người tiêu dùng cũng cần phải tìm đến các cơ sở có uy tín, sử dụng những thuốc đáng tin cậy trong điều trị bệnh.

Thạc sĩ Vũ Văn Hoàng, giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Đông (Hà Nội) cho biết thêm, qua đọc thông tin trên tờ rơi quảng cáo về sản phẩm Kình Nguyên Khang, các nhà chuyên môn sẽ nhận ra được đây là một loại thực phẩm chức năng, còn người tiêu dùng sẽ rất dễ nhầm với thuốc chữa bệnh. Do vậy, cần phải phân biệt rõ ràng giữa thực phẩm chức năng và thuốc. Bởi, thực phẩm chức năng chỉ cần đáp ứng đủ các thủ tục, mẫu gửi đến cơ quan chức năng để đăng ký công bố chất lượng sản phẩm là có thể được lưu hành; còn thuốc chữa bệnh được kiểm soát rất chặt chẽ, trải qua quá trình thử nghiệm, theo dõi, đánh giá chất lượng mới được cấp mã số đăng ký.

Đề cập về vấn đề trên, ông Nguyễn Thanh Phong, phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, các sai phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng chủ yếu là do doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công bố chất lượng sản phẩm thì ít nhưng quảng cáo vượt quá công năng sử dụng của sản phẩm lại nhiều. Thậm chí, có rất nhiều doanh nghiệp quảng cáo vượt quá nội dung được cấp phép hoặc quảng cáo "chui". Do vậy, ngoài việc tăng cường kiểm tra, giám sát từ phía cơ quan chức năng, rất cần người tiêu dùng nâng cao ý thức trong việc tìm hiểu rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm trước khi sử dụng

Dễ lầm tưởng thực phẩm chức năng là thuốc

PGS.TS Trần Đáng - chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng cho biết: "Sự phát triển quá nhanh của thực phẩm chức năng đã gây ra nhiều thách thức và nguy cơ lớn. Chẳng hạn như, nhiều sản phẩm đăng quảng cáo không đúng sự thật, khiến người tiêu dùng lầm tưởng đây là một sản phẩm có thể chữa được bách bệnh, là "thần dược". Cùng đó là khá nhiều quảng cáo không theo quy định kiểm duyệt của Cục ATVSTP. Do đó, người sử dụng sản phẩm nên hỏi các chuyên gia tư vấn trực tiếp hoặc hỏi cơ quan chức năng kiểm duyệt về các sản phẩm thực phẩm chức năng và loại sản phẩm định mua, tránh nguy cơ tiền mất tật mang".

Hoàng Văn

“Hãy khám phá ngay thế giới vui nhộn “Dr.Thanh City” trong không gian 3D mê hoặc khi truy cập vào website http://www.tradrthanh.com hoặc facebookhttp://www.facebook.com/trathaomocDr.Thanh! Chương trình sẽ kéo dài tới ngày 30/01/2012. Nhanh tay để có được rất nhiều phần thưởng hấp dẫn như Ipad, Iphone, máy chụp hình kỹ thuật số…từ “Dr Thanh City”.