Thực hư

Thực hư "rồng nổi" gây xôn xao ở An Giang

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:59
0
Những ngày vừa qua, lại xuất hiện tin đồn gây xôn xao dư luận rằng, gần ngã ba sông đoạn bờ Hòa An (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) và bờ Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) xuất hiện một con vật lạ rất giống với con rồng. Rất nhiều người cho rằng đó là “rồng nổi” nên đổ xô tới đây xem.

Người gần không biết, người xa lại tường

Sau khi một tờ báo địa phương đăng tin về việc người dân đổ dồn về An Giang xem rồng nổi và các báo mạng đồng loạt đăng tải lại gây sự chú ý cho dư luận, chúng tôi về nơi được cho là rồng nổi để tìm hiểu sự việc. Trên đường đi, gần đến ngã ba sông được đồn đại là có rồng nổi, chúng tôi gặp không ít người hiếu kỳ đổ về để xem thực có rồng nổi hay không.

Xã hội - Thực hư 'rồng nổi' gây xôn xao ở An Giang

Hình ảnh được mọi người cho là “rổng nổi” cách đây chưa lâu tại An Giang

Cùng trên chuyến xe từ Sài Gòn về An Giang với chúng tôi là anh Nguyễn Duy Cường, một khách du lịch ở Hàn Quốc về cho biết: "Về Việt Nam nghỉ, nghe tin đồn nên tiện đường đi xem thực hư, cũng là đi du lịch mà, không ngại xa xôi. Không ít người ở gần còn nhanh nhảu hơn để tận mắt thấy rồng nổi. Thế nhưng, cũng theo quan sát của chúng tôi, không ít người buồn tưng hửng ra về vì biết đó là tin đồn nhảm nhí mà thôi".

Một nhân chứng là anh Trần Thanh T., là người hiểu chuyện từ đầu đến cuối bức xúc nói: "Nhà tui ở ngay đây, mấy bữa đầu, dân tràn xuống coi muốn sập nhà. Sợ quá tui phải khóa cửa im ỉm suốt ngày. Mà tui có thấy con gì đâu, chỉ thấy nước sủi bọt rồi phựt lên rác thải đen ngòm, có cả gốc cây mục rồi lan ra". Cũng theo anh T., trước khi có tin đồn thất thiệt, đoạn sông này là nơi để người dân câu cá và nghỉ ngơi, thợ câu ở đây kháo nhau là câu dính nhiều cá lăng, cá ngát, có con to cả ký. Thế nhưng từ khi có hiện tượng nước sủi bọt lại thêm nhiều người tới coi nên câu không dính con nào, những người có thói quen câu cá buồn chán và bức xúc lắm nhưng không tài nào giải nổi lời đồn thất thiệt.

Còn ông Nguyễn Văn Hùng, 75 tuổi, người bản địa, có nhà gần đó cũng nói: "Từ bé tới giờ, khi thiên nhiên còn sơ khai có hiện tượng lạ, con vật lạ hoặc quái vật nào đâu mà đồn với thổi. Ngay chúng tôi ở đây còn thấy bức xúc khó chịu, có con gì đâu mà đồn bậy bạ. Mong nhà báo đăng tin rộng rãi để chấm dứt tin đồn này càng sớm, càng tốt".

Cũng theo nhiều người dân ở đây cho biết, gần nửa tháng nay, tại khu vực ngã ba sông giữa bờ Hòa An và bờ Lấp Vò không biết từ đâu sinh ra, từ miệng ai phát ngôn tin đồn có rồng nổi. Bức xúc nhất là việc tin đồn nhảm nhưng làm khối người nhẹ dạ cả tin tin theo, nên tại đây luôn thu hút đông người hiếu kỳ đến xem.

Theo điều tra của chúng tôi, từ tin đồn thì ở đây xuất hiện con vật lạ, lưng có gai, nhiều người cho rằng đó là rồng nổi. Tin đồn này đã khiến nhiều người bỏ cả công ăn việc làm đến đây để chờ xem rồng nổi. Việc nhiều người ở đâu cứ ùn ùn kéo nhau đến đây xem rồng nổi như tin đồn khiến những hộ dân sống gần bờ sông cảm thấy khó chịu. Người dân ở đây cho biết, họ ở đây mà có thấy gì đâu, chỉ thấy nước sủi bọt nổi lên rồi thấy rác thải đen ngòm.

Đi tìm nguyên nhân

Để tìm hiểu cặn kẽ vấn đề, chúng tôi đã tiếp xúc với Trưởng Công an xã Hòa An, ông Nguyễn Ngọc Khoa giải thích sự việc như sau: Do khu vực này ở ngã 3 sông nước xoáy, rác thải tích tụ lâu năm phụt lên. Tại đây, năm 1988, một ngôi nhà 4 tầng đổ xuống sông do bị sạt lở đất. Trước đây khu vực này cạn, ít tàu, sà lan chạy. Bây giờ tàu, sà lan lưu thông nhiều làm động đáy, nên kéo theo rác trồi lên. Công an đã cho lực lượng xuống tận nơi giải thích và giải tán người tụ tập để đảm bảo an ninh trật tự.

Xã hội - Thực hư 'rồng nổi' gây xôn xao ở An Giang (Hình 2).

Nhiều người tập trung xem “rồng nổi”

Trả lời báo chí về tin đồn này, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang Trần Anh Thư giải thích về hiện tượng này như sau: Do đoạn sông này có nhiều nhà máy xay xát hoạt động nhiều năm thải trấu đóng hàng lớp dưới đáy sông. Qua thời gian, lớp vỏ trấu này phân hủy tạo khí mêtan. Nước lũ chảy mạnh và xoáy làm bung lớp trấu mục (như nắp đậy che túi khí) đẩy trấu và các chất hữu cơ phân hủy lên. Trước đây, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang và địa phương có dự kiến nạo vét tận thu cát tại khu vực này, nhưng qua khảo sát thấy toàn rác và vỏ trấu.

Theo tìm hiểu của chúng tôi được biết, cũng ở khu vực này, cách đây không lâu, ở An Giang cũng rộ lên tin đồn rồng thiêng nổi. Đó là dịp vào đầu tháng 12/2010, hàng ngày có hàng trăm người hiếu kỳ từ trong và ngoài tỉnh An Giang đổ xô đến căn nhà của ông Nguyễn Văn Đậu (ngụ tổ 8, ấp Phú Nhất, xã An Phú, huyện Tịnh Biên) để xem... rồng nổi, mà kỳ thực chỉ là một vạt đất lô nhô trong nhà như được ai đó tạo ra, hao hao giống mặt hình người.

Gia đình ông Đậu tin rằng đó là "rồng nổi" linh thiêng nên đã bày biện chiếc mâm có đặt lư hương khói nhang nghi ngút, trong chiếc mâm còn có vài tờ tiền 50.000 đồng. Đấy là do gia đình này lợi dụng sự hiếu kỳ và mê tín của bà con nhân dân để kiếm lời bất chính. Theo lãnh đạo địa phương thì dọc theo lối vào trong bếp của nhà ông Đậu có nhiều lớp đất nhô lên được bàn tay con người bồi đắp, ngang khoảng 4 tấc, chạy dài khoảng 5m, rồi ai đó đã nắn thêm hình hài, trông giống như mặt người.

Một số người đã dùng điện thoại chụp lại, xử lý photoshop rồi rửa ảnh đem rao bán 10.000 đồng /ảnh cho những ai đến xem rồng nổi. Với tác phẩm rồng thiêng nổi do con người tạo dựng này đã làm khối người tin theo, gây náo loạn làng quê trong một thời gian dài.

Xã hội - Thực hư 'rồng nổi' gây xôn xao ở An Giang (Hình 3).

Cúng rồng nổi ở nhà ông Đậu

Để trấn an bà con và dư luận, ngay thời điểm đó, chính quyền địa phương đã phối hợp với cơ quan công an, Đồn Biên phòng 947, Mặt trận, đoàn thể đến vận động gia đình ông Đậu đừng thêu dệt chuyện rồng nổi để tránh sự hiếu kỳ trong nhân dân. Cơ quan công an sau đó cũng tiến hành lấy cuốc bới lên, khiêng đất dưới mé kênh đắp lại chỗ rồng nổi. Sự lật mặt rồng tự tạo nói trên đã khiến nhiều người phát ngán thì nay lại nẩy nở tin đồn thất thiệt.

Vẫn biết, đâu đó vẫn có nhiều người lợi dụng lòng tin, tung tin đồn thất thiệt đánh lừa người dân để kiếm tiền bất chính, có nhiều kẻ vì lòng tham đã bị xử lý. Nhưng cũng không ít kẻ lợi dụng lòng tin mù quáng để kiếm lời. Một phần cũng vì người dân quá dễ tin vào những điều ma quái hoặc hiện tượng lạ. Mong rằng, dư luận nhân dân nên biết cách lựa chọn, loại bỏ thông tin để không bị lợi dụng như đã nói ở trên. Mặt khác, về phía chính quyền địa phương cũng cần tăng cường tuyên truyền, giải thích hiện tượng trên, đồng thời nạo vét lòng kênh để tăng độ sâu và hạn chế ô nhiễm môi trường đồng thời cũng là ngăn chặn những kẻ xấu tung tin đồn nhảm gây thất thiệt như đã xảy ra ở trên.

Hoa Văn