Thuở son sắc của 'sầu nữ' Út Bạch Lan

Thuở son sắc của 'sầu nữ' Út Bạch Lan

Thứ 2, 07/11/2016 | 11:27
0
Thời trẻ, cố Nghệ sĩ Ưu tú Út Bạch Lan sở hữu nét duyên say đắm với đôi mắt huyền biết cười, bờ môi đầy đặn và khuôn mặt phúc hậu.
Tin cũ - Thuở son sắc của 'sầu nữ' Út Bạch Lan

Nghệ sĩ Ưu tú Út Bạch Lan (1935-2016) quê gốc Long An. Từ một cô bé hát rong (cùng với người anh thân thiết là nghệ sĩ guitar Văn Vĩ) trên đường phố Sài Gòn xưa, giọng hát hay trời phú đã giúp bà được cô Năm Cần Thơ - một nghệ sĩ cải lương lừng danh thời bấy giờ - tìm gặp và mời đến đài phát thanh Pháp Á thu âm. Từ thập niên 50 của thế kỷ trước, Út Bạch Lan được nhiều khán giả biết đến và yêu quý với giọng hát, nhan sắc say đắm lòng người. Bà nằm trong số diễn viên trụ cột nhiều đoàn hát lớn nhỏ thời bấy giờ như đoàn Kim Khánh (bầu Cang), sân khấu Thanh Minh, Kim Chưởng...

Tin cũ - Thuở son sắc của 'sầu nữ' Út Bạch Lan (Hình 2).

Thuở đôi mươi, Út Bạch Lan được xem là một trong những mỹ nhân của làng sân khấu Sài Gòn. Trong các bức ảnh chân dung thời trẻ, "sầu nữ" có khuôn mặt phúc hậu, bờ môi mọng quyến rũ, làn da mịn màng. Đôi mắt huyền với đuôi mắt dài là nét cuốn hút trên khuôn mặt bà.

Tin cũ - Thuở son sắc của 'sầu nữ' Út Bạch Lan (Hình 3).

Út Bạch Lan tên thật là Đặng Thị Hai, ở nhà gọi là bé Út. Nhưng từ khi được mời về thu âm và ký hợp đồng với đài phát thanh Pháp Á, bà được chọn cho nghệ danh là Bạch Lan (thời đó có một giọng hát nổi tiếng khác có tên theo loài hoa là nghệ sĩ Bạch Huệ). Bà thêm chữ Út vào đầu nghệ danh để nhớ về cái tên gắn liền với tuổi thơ.

Tin cũ - Thuở son sắc của 'sầu nữ' Út Bạch Lan (Hình 4).

Út Bạch Lan là nghệ sĩ cần mẫn, ham học hỏi. Bà luôn ý thức trau dồi khả năng diễn xuất, trau chuốt lời ca, nghe theo lời chỉ dạy của các nghệ sĩ đi trước, trong đó có người thầy bà biết ơn sâu sắc là cố soạn giả, Nghệ sĩ Nhân dân Viễn Châu - người uốn nắn cho bà từ khi bước vào nghề.

Tin cũ - Thuở son sắc của 'sầu nữ' Út Bạch Lan (Hình 5).

Hình ảnh hoa lan thanh tao mỏng manh với mùi hương dịu dàng như vận vào cuộc đời của nữ nghệ sĩ. Cố soạn giả Viễn Châu từng viết bài vọng cổ "Hoa lan trắng" dành tặng riêng Út Bạch Lan, trong đó gói ghém những tâm tư của người phụ nữ nổi danh trên sân khấu nhưng truân chuyên, lỡ làng tình duyên.

Tin cũ - Thuở son sắc của 'sầu nữ' Út Bạch Lan (Hình 6).

Sau năm 1975, nghệ sĩ Út Bạch Lan vẫn bền bỉ hoạt động nghệ thuật, biểu diễn ở nhiều đoàn hát, trong đó có các đoàn như Sài Gòn 1, Long An... Theo thời gian, bà vẫn giữ được nét đẹp hồn hậu, thanh tao ngày nào, giọng hát ngày càng chín muồi. Trong sự nghiệp biểu diễn, bà gắn bó với hơn 20 đoàn hát lớn nhỏ, có khoảng 200 vai diễn từ sân khấu cho đến video cải lương, thu âm vô số bản vọng cổ, tân cổ giao duyên...

Tin cũ - Thuở son sắc của 'sầu nữ' Út Bạch Lan (Hình 7).

Ở tuổi xế chiều, nữ nghệ sĩ sinh năm 1935 luôn được khen đẹp lão. Dẫu tóc bạc, lưng còng, khuôn mặt bà vẫn lưu giữ đường nét của thời xuân sắc với ánh mắt biết cười, vẻ mặt hồn hậu và phong cách dịu dàng. Hơn 60 năm gắn bó với sân khấu, khoảng 70 năm gắn chặt tình yêu với cải lương, vọng cổ, bà không chỉ là một trong những chứng nhân cho giai đoạn thăng trầm của cải lương mà còn là nhân tố quan trọng góp phần tạo diện mạo của môn nghệ thuật này.

Tin cũ - Thuở son sắc của 'sầu nữ' Út Bạch Lan (Hình 8).

Hơn hai mươi năm trước khi mất, Út Bạch Lan ăn chay trường, miệt mài hoạt động thiện nguyện. "Sầu nữ" qua đời tối 4.11 ở nhà riêng tại TP HCM sau thời gian chống chọi với bệnh ung thư gan, hưởng thọ 81 tuổi. Linh cữu bà được quàn tại chùa Ấn Quang, quận 10. Lễ động quan lúc 7h sáng ngày 8.11 sau đó linh cữu được đưa đi hỏa táng ở Bình Hưng Hòa.

Theo VNE