Thương hiệu quốc gia bị “đánh” túi bụi

Thương hiệu quốc gia bị “đánh” túi bụi

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:00
0
Điều phi lý là chính Cty TNHH MTV TM DV Thái Lân (Cty Thái Lân), doanh nghiệp được cho là "tố" Công ty Tân Hiệp Phát với hàng ngàn chai Dr Thanh sủi bọt lại có văn bản yêu cầu nói rõ: "Trên thực tế, hoàn toàn vụ việc này là do tư cách cá nhân không phải tư cách doanh nghiệp".

Hàng của Tân Hiệp Phát ở chỗ nào?

Theo các biên bản giữa ông Trần Văn Dũng và ông Lê Văn Viện là đại diện cho Công ty Thái Lân cùng làm việc với đại diện phía Tân Hiệp Phát thì phía Công ty Thái Lân có nhập lô hàng trà thảo mộc Dr Thanh “từ nhiều nhà phân phối khác nhau” để xuất đi Campuchia và bán lẻ cho các đại lý tại TP.HCM cùng 1 số địa phương khác.

Đầu tháng 8/2011, ông Dũng, ông Viên đã phát hiện trong lô hàng 120 thùng (khoảng 3000 chai) có những chai đóng cặn màu trắng đục, xuất hiện nhiều bọt sủi, và điều đáng nói là có những chai còn có dị vật ở bên trong, dù không có bất kì chai nước nào đã được mở nắp. Theo biên bản làm việc ngày 24/10/2011 thì không chỉ ở 120 thùng hàng trong có sản phẩm lỗi, mà cả những lô hàng đã xuất sang Campuchia cũng bị đối tác trả về, đã phải tiêu hủy gây thiệt hại trị giá hơn 2 tỷ đồng. Và còn cả vài ngàn chai trà Dr Thanh khác đã được Thái Lân bán ra thị trường ở TP.HCM, và đã có không dưới 10 khách hàng khác nhau gọi điện thoại hoặc đến trực tiếp gặp ông Viện, ông Dũng để phản ánh chất lượng các chai nước “có vấn đề”.

Xã hội - Thương hiệu quốc gia bị “đánh” túi bụiThông cáo của Tân Hiệp Phát nói nhiều kẻ xấu phá hoại sản phẩm của họ.

Cty Thái Lân đã đưa ra “Biên bản làm việc” ngày 08/08/2011 giữa đại diện Công ty là ông Lê Văn Viện và khách hàng lại chính là ông Trần Văn Dũng, hai ông này đã cùng nhau lập biên bản về việc ông Dũng mua của ông Viện 2 thùng nước ngọt có hạn sử dụng từ ngày sản xuất 20/5/2011; ngày hết hạn 20/5/2012. Nội dung của tờ biên bản cho biết: Qua sử dụng thì thấy có mùi vị và màu sắc lạ; cháu nhà ông Dũng đã dùng loại nước trong chai này vài giờ sau thì phải đưa đi viện vì bị ói mửa. Qua quan sát bằng mắt thường có khoảng 6- 7 chai trông khác với những chai còn lại. Hai ông làm với nhau biên bản này để ông Viện ghi nhận sự việc để giải quyết sau này. Theo đó, ông Dũng trả lại ông Viện 44 chai nguyên vẹn chưa mở; ông Dũng giữ lại 3 chai, 1 chai gửi cho Vinacontrol; 1 chai gửi Vệ sinh dịch tễ để kiểm định; 1 chai giữ làm bằng chứng. Biên bản cũng yêu cầu ông Viện trả lời giải quyết thỏa đáng trong vòng 15 ngày. Nếu quá thời hạn trên, ông Viện không có những động thái hợp tác thương lượng giải quyết, ông Dũng sẽ khởi kiện tới cơ quan liên quan…

Trong biên bản thì họ ghi với nhau rằng ông Viện là người đại diện công ty, ông Dũng là khách hàng. Trong buổi làm việc giữa ông Viện cùng ông Dũng với đại diện phía Tân Hiệp Phát ngày 24/10/2011 thì ông Dũng lại được giới thiệu là trợ lý cho ông Viện.

Theo Tân Hiệp Phát, vụ việc nêu trên đã được ông Viện, ông Dũng báo cho phía Tân Hiệp Phát từ nhiều tháng nay để “đòi tiền hỗ trợ thiệt hại”, nếu không chấp nhận, họ sẽ cung cấp thông tin cho báo chí. Và rồi, họ làm thật.

Trong quá trình đó, chưa hiểu vì sao, các cơ quan truyền thông nhảy vào cuộc và thương hiệu quốc gia Dr Thanh bị nhấn chìm vào trong cơn lốc của dư luận.

Dấu hiệu một vụ tống tiền

Trong các biên bản làm việc giữa các buổi làm việc giữa ông Viện, ông Dũng và đại diện phía Tân Hiệp Phát, phía công ty Thái Lân đã không chứng minh được nguồn gốc của những chai trà Dr Thanh nêu trên có xuất xứ từ đâu, mà chỉ nêu lý do đã bị hỏng lô hàng trị giá hơn 2,3 tỉ đồng và nhất quyết đòi phía Tân Hiệp Phát “hỗ trợ” số tiền 1,15 tỉ đồng mà không đưa ra một bằng chứng nào để chứng minh cho sự thiệt hại đó.

Theo tài liệu của Tâm Hiệp Phát, Công ty Thái Lân không chứng minh được tính hợp pháp và sự tồn tại của lô hàng, đó là mặc dù nói rằng Công ty Thái Lân đã mua lô hàng trà Dr Thanh lên tới hàng tỉ đồng để xuất khẩu sang Campuchia. Đơn vị này không hề đưa ra được bất cứ một tờ hóa đơn nào chứng minh nguồn gốc mua lô hàng ở đâu, của đại lý nào…

Theo quy trình công nghệ nghiêm ngặt từ Tân Hiệp Phát, từng sản phẩm được quản lý theo tiêu chuẩn ISO, chỉ cần nhìn chai sản phẩm sẽ xác định được lô hàng đó sản xuất ngày nào, chất lượng ra sao, đã phân phối cho đại lý nào để đưa đến khu vực khách hàng sử dụng trên địa bàn nào… do đó sẽ xác định được ngay chuyện thật giả của những chai trà Dr Thanh.

Ngay sau khi sự kiện Công ty Thái Lân "tố" Tân Hiệp Phát với hàng ngàn chai Dr Thanh "sủi bọt" tràn lan trên báo chí, ngày 4/11, bà Lê Thị Phương, người đại diện pháp luật và là giám đốc Công ty Thái Lân, (số 89/7f Bến Nghé, phường Tân Thuận Đông, quận 7, TP. Hồ Chí Minh) đã lập văn bản gửi các cơ quan thông tấn báo chí yêu cầu đính chính, điều chỉnh thông tin đã đăng tải.

“Cơ quan báo chí có đưa thông tin Công ty TNHH MTV TM DV Thái Lân mua sản phẩm trà Dr Thanh của Công ty Tân Hiệp Phát, nhưng trên thực tế hoàn toàn vụ việc là tư cách cá nhân không phải tư cách doanh nghiệp. Nay Công ty TNHH MTV TM DV Thái Lân đề nghị quý báo đài đính chính sự việc sửa cho đúng sự thật để không làm ảnh hưởng đến tình hình hoạt động kinh doanh của Công ty chúng tôi”.

Ngày 5/11, xác nhận với Tân Hiệp Phát, bà Phương cho biết: "Số hàng trà Dr Thanh của ông Trần Văn Dũng và ông Lê Văn Viện là thuê kho của Cty Thái Lân để cất giữ, không phải hàng của Cty Thái Lân”. Việc ông Viện và ông Dũng lấy giấy giới thiệu của Thái Lân và lấy danh nghĩa của Thái Lân để làm việc với Tân Hiệp Phát và các tờ báo, bà Phương không hề biết.

Bà Phương cho biết, với tư cách là giám đốc Công ty Thái Lân, bà không liên quan gì đến vụ việc Trà Dr Thanh; chưa bao giờ làm việc với cơ quan báo đài như VTC New, Kinh tế Nông thôn cũng như bất kỳ cơ quan nào khác về trà Dr Thanh như các tờ báo đó đã đưa tin. Việc ông Viện, ông Dũng làm là không liên quan, không nhân danh Cty Thái Lân mà chỉ là tư cách cá nhân.

Theo báo Nhà báo & Công luận, ông Viện chính là chồng của bà Lê Thị Phương, giám đốc Cty Thái Lân.

Cũng theo tờ báo này, trả lời phóng viên về nguồn gốc 120 thùng Dr Thanh mua ở đâu, các ông Viện và ông Dũng nói: " Không rõ mua của ai, nhưng đó là việc mua bán cá nhân và chỉ thấy rẻ thì mua vào, trả xong tiền là xong". Ông Viện thừa nhận chưa kiểm tra toàn bộ số hàng trên nhưng mỗi thùng kiểm tra chỉ một vài chai hỏng và nhiều khoảng 5 – 6 chai hỏng. Nếu vậy thì động cơ của ông Viện và Dũng trong việc đòi “hỗ trợ” số tiền lên đến hơn 1,15 tỷ đồng nêu trên là gì?

Theo Tân Hiệp Phát, ngay từ ban đầu, Tân Hiệp Phát đã luôn thể hiện thiện chí rằng nếu là sản phẩm của công ty có sai sót, thì nhận lỗi và xin đổi lại hàng. Nhưng phía ông ông Dũng, ông Viện chỉ một mực đòi tiền, nếu không sẽ đưa thông tin cho báo chí.

Tân Hiệp Phát cho biết đó là đòi hỏi vô lý và với số tiền quá lớn bởi không có bằng chứng gì chứng minh được mức độ thiệt hại. Nhưng những điều này đều bị ông Viện, ông Dũng từ chối thẳng thừng.

Kiểu "xin hỗ trợ" hoặc "đòi bồi thường" lạ đời này dẫn đến một hậu quả khôn lường cho Tân Hiệp Phát: Nhãn hàng trà Dr Thanh đang bị cuốn vào cơn lốc kỳ thị của người tiêu dùng khi những thông tin chưa được kiểm chứng một cách cẩn trọng và rõ ràng tung lên mặt báo.

Chưa có bằng chứng vững chắc về "thiệt hại" của các ông Viện và Dũng nhưng uy tín của Tân Hiệp Phát đã bị hạ bệ một cách thảm hại trên thị trường nước uốngnội địa mà DN nước ngoài đang lăm le này.

"Biểu hiện của âm mưu phá hoại có tổ chức"

Một thông cáo được phát đi từ Tân Hiệp Phát cho biết, trong khi chờ nhà chức trách kết luận về vụ việc, đề nghị giới truyền thông không đưa vấn đề đi quá xa.

Xã hội - Thương hiệu quốc gia bị “đánh” túi bụi (Hình 2).

Tân Hiệp Phát nhận Thương hiệu quốc gia

"Chúng tôi ý thức rõ trong việc đạt được “Thương hiệu quốc gia” và giữ được vị trí này để đưa thương hiệu Việt ra nước ngoài đòi hỏi không chỉ chất lượng đạt tiêu chuẩn Việt Nam mà còn các chuẩn quốc tế. Thành công của Tân Hiệp Phát cũng khiến sản phẩm của Tân Hiệp Phát thường xuyên là mục tiêu công kích, phá hoại của một số đối tượng xấu", thông cáo nói rõ.

"Ngay sau khi VTC News đăng bài, đã xuất hiện một chiến dịch truyền tin cực lớn trên mạng Internet (sau 2 ngày có 200 nghìn lượt, sau 4 ngày đã có 550 nghìn lượt đưa tin lại và bình luận trên các trang điện tử) gây hoang mang dư luận, đặc biệt nguy hiểm là việc kêu gọi tẩy chay không chỉ sản phẩm của Tân Hiệp Phát mà là tẩy chay sản phẩm nước giải khát của tất cả các doanh nghiệp Việt Nam, chỉ sử dụng các nhãn hàng nước ngoài", bà Trần Uyên Phương, giám đốc truyền thông của Tân Hiệp Phát cho biết.

Nguyễn Hải Hà