Những phận đời ngâm mình dưới biển mưu sinh

Những phận đời ngâm mình dưới biển mưu sinh

Thứ 2, 17/06/2013 | 10:42
0
Tôi gặp em vào một buổi chiều tà trên biển Cửa Lò (Nghệ An), cô bé đội chiếc mũ lụp xụp che khuất tầm mắt, nhưng vẫn để lộ nụ cười rất tươi trong ánh hoàng hôn. Nhưng điều khiến tôi ám ảnh hơn cả là một cơ thể đang run vì lạnh giữa tiết trời vẫn còn hầm hập nóng của ngày hè tháng 6 miền Trung.

Một bàn tay nhỏ tím tái queo quắt vì nước của em kéo theo con cá heo to đùng và chiếc phao nhựa, còn tay kia thì liên tục ngoắt khách mời chào chụp ảnh. 11 tiếng đồng hồ ngâm mình dưới nước là cách em và các bạn đồng lứa đã chọn để kiếm tiền mưu sinh, đỡ đần bố mẹ.

Theo mẹ mưu sinh…

Đang mải mê bơi cùng nhóm bạn, tôi bỗng giật mình bởi một tiếng chào mời dõng dạc phía sau. Khi quay lại, hình ảnh một cô bé đang run bần bật, tay kéo theo con cá heo nhựa và chiếc phao to đùng khiến tôi không thể ngoảnh đi. Bộ quần áo và chiếc mũ ướt nhẹp trên người càng khiến cô bé trông tê buốt hơn giữa tiết trời nóng nực tháng 6 ở nơi vùng biển gió Lào. Bức ảnh đối nghịch ấy khiến tôi cứ ám ảnh, lặng lẽ đi theo bước đường mưu sinh của em suốt buổi chiều cho đến lúc chập choạng tối.

Cô bé có nụ cười khá rạng rỡ ấy tên là Nhung (SN 1998), quê ở Nghi Hoa, TX. Cửa Lò (Nghệ An). Vừa kết thúc kỳ thi vào lớp 9, Nhung đã vội vàng gấp sách vở lại để cùng bố mẹ ra biển kiếm cần câu cơm. Bố mẹ cô bé vốn là thợ chụp ảnh cho khách du lịch ghé thăm biển Cửa Lò. Bằng những kinh nghiệm có được, họ quyết định bỏ ra một số vốn nho nhỏ để mua 2, 3 phao hình con thú cho Nhung “hành nghề”. Con mời khách thuê phao chụp ảnh và đương nhiên nhiếp ảnh gia chẳng ai khác lại chính là những ông bố bà mẹ. Mỗi lần cho thuê phao là 5 nghìn đồng/lượt và mỗi bức ảnh khoảng 15 nghìn đồng/ảnh. Như vậy, tính cả chi phí cho một lượt “ôm trọn gói” của gia đình này là khoảng 20 nghìn đồng/lần. Tâm sự rất thật, cô bé Nhung cho biết, với hình thức này, mỗi ngày gia đình cô kiếm được từ 500 – 600 nghìn đồng. Đây là một mức thu nhập tương đối “hời” cho những người lao động sống ở dọc vùng biển này. Tuy mới 15 tuổi, nhưng cô bé Nhung đã có 2 năm “nghề”. Khi cánh cổng trường đóng lại kết thúc một năm học thì cũng là mùa du lịch biển bắt đầu, em cùng chúng bạn gấp sách vở lại, theo cha mẹ ra biển mưu sinh.

Hoa (SN 1997) cùng xã với Nhung cho biết, mỗi ngày các em bắt đầu “làm việc” từ 5h sáng đến 11h trưa và buổi chiều bắt đầu từ 14h đến tận 19h tối mới lếch thếch kéo các phao nộm về.

Xã hội - Những phận đời ngâm mình dưới biển mưu sinh

11 tiếng ngâm mình dưới nước với bộ đồ ướp nhẹp, chân tay cong queo, trên thì nắng chang chang, “tai nạn nghề nghiệp” với các em là điều không tránh khỏi.  Những ngày nắng nhất của Nghệ An vừa qua, với cường độ làm việc đó, Hoa đã bị say nắng, lăn ra bất tỉnh giữa bãi cát. Sau một hồi được những vị khách du lịch tốt bụng đưa vào nghỉ ở một quán nước, cô bé mới hồi tỉnh. Còn Mai (SN 1999) bạn của Nhung và Hoa thì bị say nắng ngay giữa bãi biển. Đang ra sức nài nỉ khách thuê phao chụp ảnh, cô bé bỗng thấy xây xẩm mặt mày rồi bất thình lình ngã xuống nước. May thay lúc đó có một số khách du lịch ở gần kịp thời lặn xuống đỡ cô bé đưa lên bờ...

“Những trang sách gấp lại”

Chờ cho khách vãn, tôi lại lân la đến gần Mai hỏi chuyện. “Hơn 11 tiếng đồng hồ trong ngày, các em dành cho việc “bám” biển, vậy thời gian đâu dành cho việc học thêm?”. Cô gái có má lúm đồng tiền rất duyên ấy cười gượng bảo: “Bọn em làm gì được đi học thêm hả chị”. Ừ nhỉ, những phận đời nhỏ nhoi ấy còn phải lao ra biển để kiếm đồng tiền đắp đổi qua ngày, việc được đến trường đã là hạnh phúc không phải đứa trẻ nào cũng có được. Học thêm ngày hè có lẽ là một sự xa xỉ của nhiều cô cậu đen nhẻm đang luồn lách mưu sinh giữa bãi biển này.

Khách đã thưa dần, Nhung, Hoa và thêm một cô bạn mới tên Hoài cũng có thời gian để lại gần ngồi với chúng tôi. “Không được đi học thêm, nhưng bọn em vẫn tranh thủ thời gian ngồi tụ tập với nhau thế này để cùng ôn bài. Cái đưa ra đố nhau chỉ là những kiến thức cũ vừa học xong, còn cái mới cho năm tiếp thì bọn em chịu. Phần vì không được đi học thêm ở trường, phần thì không có sách giáo khoa để đọc”, Nhung chia sẻ với khuôn mặt rầu rầu. Hoài bây giờ mới mạnh dạn góp chuyện: “Đi làm cả ngày trên bãi biển, tối về đứa nào cũng mệt rã rời nên ăn xong là leo lên giường đi ngủ, chẳng còn hơi sức đâu mà ngó ngàng đến sách vở nữa chị ạ. Mấy đứa bạn em siêng hơn, chong đèn định học qua thì bố mẹ chúng lại giục đi ngủ để ngày mai còn bắt đầu kéo phao”.

Theo chân Mai về nhà của gia đình em, tôi ngỡ ngàng trước gia cảnh của cô bé. Bố mẹ cô vốn dĩ là những ngư dân sống bằng nghề chài lưới, nhưng cái nghề trắc bằng này đã không thể nuôi đủ 8 miệng ăn của một gia đình đông con như nhà Mai. Nghĩ nát óc, ông bà quyết định chuyển sang làm “nhiếp ảnh gia nghiệp dư”. Vay mượn khắp nơi mua được hai cái máy ảnh, thế là từ đó, ông bà ra biển làm nghề “ghi lại khoảnh khắc” cho người khác. Bắt đầu trả được tiền nợ cho một chiếc máy ảnh thì bố cô lại gặp chuyện.

Trong một lần trở về nhà khi trời đã nhá nhem tối, ông bị một đối tượng HIV dùng bơm tiên chặn đường cướp. Số tiền cả ngày hôm đó phơi nắng phơi mưa có được đã đi cùng chiếc máy ảnh trong nỗi xót xa bất lực của người đàn ông dạn dày với biển. Nợ chồng nợ, gia cảnh nhà Mai đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Thương mẹ cha vất vả nuôi mình và đàn em thơ, cô con gái thứ 3 ấy đã quyết định gấp sách vở lại để ra biển kiếm tiền.

Nhìn về phía bàn học xộc xệch của cô bé, những trang sách bỏ dở trên bàn mãi chưa được lật trang.

Chạnh lòng...

Đang ngồi nói chuyện với tôi trên biển, bất giác thấy một khách du lịch cũng độ tuổi 15 như mình, Nhung bảo: “Đến hè được bố mẹ cho đi du lịch, cảm giác đó thích lắm chị nhỉ? Em đã từng nằm mơ thấy mình cũng được như bạn ấy. Nhưng... đó chỉ là mơ thôi chị ạ, gia đình em kiếm đủ miếng ăn cũng đã khó lắm rồi, được bố mẹ cho đến trường là cả một hạnh phúc nên chẳng bao giờ dám đòi hỏi đến chuyện đi chơi như vậy”.

Nhung bảo từ nhỏ đến giờ cô bé chỉ biết có biển và trường, chưa một lần được đi ra khỏi mảnh đất quê hương. Trên bước đường kéo phao của mình, đôi lần bắt gặp những cô cậu đồng trang lứa được bố mẹ cho đi du lịch, mua sắm, ăn uống thoải mái, em lại chạnh lòng buồn. Nhưng rồi kéo vẫn phải kéo, mà chân bước vẫn phải bước, vì nếu không, năm học mới này lấy tiền đâu mà mua sách vở.

Trong khi các cô gái kéo theo những hình phao nộm dễ thương, ngộ nghĩnh thì các chàng trai lại chọn cho mình cách mưu sinh bằng đẩy mấy mô hình thuyền buồm làm phông nền chụp ảnh lưu niệm.

Nguyễn Văn Tình (SN 1996) trú tại Phường Nghi Hải (TX. Cửa Lò) là một trong những cậu bé tôi có cơ hội được trò chuyện vào buổi chiều hôm ấy. Tay Tình đẩy mô hình thuyền buồm lướt êm trên biển, miệng không ngừng mời chào các nhóm khách chụp ảnh. Trong phút nghỉ ngơi hiếm hoi của mình, Tình lắng lại chia sẻ với tôi: “Năm nay em bước vào lớp 11, ngoài sách giáo khoa còn cần thêm cả sách tham khảo để chuẩn bị cho ôn thi đại học. Chính vì vậy, mùa hè này em luôn cố gắng mời được thật nhiều khách để kiếm thêm đồng. Nhà đông anh chị em, bố mẹ lo ăn và tiền học phí cho các con cũng đã cơ cực lắm rồi, nên em muốn mình kiếm tiền để tự mua sách học, không phải xin bố mẹ. Từ đầu mùa đến giờ em góp được 500 nghìn đồng rồi đó chị ạ”, cậu chàng cười rất tươi khi khoe về số “tiền công” của mình.

Tạm biệt các em khi trời đã tắt nắng, đâu đó tiếng í ới của bố mẹ Nhung, Hoa, Mai... gọi giục về. Các cô cậu lếch thếch kéo những chiếc phao nhựa và mô hình thuyền buồm lên bờ, kết thúc một ngày làm việc trên biển của mình. Còn người viết vẫn ngồi lại bên gốc dừa nhìn về phía biển, đâu đó vẫn là nỗi ám ảnh về một cô bé đang run bần bật giữa tiết trời nóng như thiêu đốt của tháng 6 gió Lào miền Trung.

“Thích nghi”

Trên đội trời nắng chang chang, hơn nửa người dưới ngâm trong nước, cộng thêm bộ quần áo ướt khoác lên mình cả ngày, những cô bé này không ốm mới là lạ. Trong cái nắng chiều tà vẫn còn nồng, Nhung cười tươi bảo: “Ốm thì ốm, nhưng bỏ một buổi không đi làm là bọn em lại thấy tiếc, nên cứ cố. Ốm mãi rồi cũng khỏi thôi. Đó là hồi đầu, còn bây giờ thì bọn em “thích nghi” được rồi, nên không còn bị ốm vặt nữa”. Nghe vậy, tôi cứ thấy cay cay ở sống mũi, dẫu trước mắt tôi, nụ cười của em vẫn đang tỏa nắng.

Loan Nguyễn

> Giải thưởng lớn cho cuộc thi ảnh Việt Nam Xanh

'Đời kẹo kéo hát rong' mưu sinh chốn phồn hoa

Thứ 2, 10/06/2013 | 19:42
Khoảng 2h sáng, mấy chiếc xe bán kẹo kéo rong lại lục đục tìm về xóm trọ nghèo. Những gương mặt phờ phạc, giọng khàn đặc quây quần bên nhau dưới mái nhà trọ lụp xụp, kể vội cho nhau nghe vài mẩu chuyện vui buồn trên đường mưu sinh.

Về chợ Bà Rén xem chị em 'bồng heo' mưu sinh

Thứ 4, 05/06/2013 | 19:31
Nằm giữa quốc lộ chằng chịt người xe qua lại, dưới cái nắng như thiêu như đốt của ngày hè, thế nhưng vẫn có không ít chị em phụ nữ không quản nắng mưa, mệt nhọc "chạy" theo cái nghề kỳ lạ có một không hai này.

Cơ cực mưu sinh giữa tiết trời đổ lửa

Thứ 4, 29/05/2013 | 08:22
Giữa cái nắng đến cháy da, cháy thịt, trên nhiều nẻo phố trên Hà Nội không hiếm gặp những người lao động nghèo vẫn miệt mài làm việc.

Người phụ nữ bị ung thư mưu sinh trên bãi rác

Thứ 3, 21/05/2013 | 15:21
Ở bãi rác xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn, TP.HCM) hễ ai có chuyện oan trái, bức xúc, đau khổ đều tìm đến chị. Gặp người nào chị cũng giúp đỡ một cách chân thành