Thủy điện phá rừng: 'Chặt một cây ngoài mốc giới, bắt ngay!'

Thủy điện phá rừng: 'Chặt một cây ngoài mốc giới, bắt ngay!'

Thứ 2, 01/07/2013 | 09:14
0
Lãnh đạo Sở NN&PTNT các tỉnh có diện tích rừng chuyển đổi sang làm thủy điện nhiều nhất nước đều khẳng định, không có chuyện phá rừng làm thủy điện, rừng chuyển đổi là rừng nghèo, không có mấy gỗ.

Nhận xét về những tồn tại tại các dự án thủy điện có sử dụng đất rừng, trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ NN&PTNT có đánh giá: “Công tác cắm mốc giới, xác định hành lang bảo vệ lòng hồ, bảo vệ đập thực hiện chậm, dẫn đến vùng lòng hồ, hành lang thoát lũ bị lấn chiếm, rừng bị phá không kiểm soát được”.

Địa phương chuyển nhiều rừng chuyển sang thủy điện nhiều nhất nước (lớn hơn 1.000 ha) là các tỉnh Đắk Nông, Lai Châu, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam, Nghệ An...

Đặc biệt, khi nói về việc giám sát các chủ đầu tư để không xảy ra tình trạng phá rừng bừa bãi, ông Cao Chí Công, vụ trưởng vụ Sử dụng rừng, tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) có nói rằng: “Chúng tôi không giám sát, mà UBND các tỉnh (nơi có dự án – PV) có trách nhiệm giám sát, còn ngoài Bộ sao giám sát hết được?”.

Việt Nam Xanh - Thủy điện phá rừng: 'Chặt một cây ngoài mốc giới, bắt ngay!'

Một góc rừng đại ngàn Trường Sơn bị chặt phá còn trơ gốc phục vụ cho hồ thủy điện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Ảnh: Thiennhien.net.

Trả lời chúng tôi chiều 27/6, ông Lê Văn Minh, giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng khẳng định: “Không có chuyện lợi dụng dự án để lấy gỗ, chỉ cần chặt một cây ngoài mốc giới là chúng tôi biết ngay, bắt liền chứ không có chuyện để chặt lung tung”.

Nói về nghi vấn các chủ đầu tư làm dự án chủ yếu để khai thác gỗ, ông Minh nói: “Cái đó ở tỉnh tôi không có, đã cho làm là phải đúng mục đích, rừng chuyển đổi đều là rừng nghèo”.

Để kiểm soát các chủ đầu tư, ông Minh cho hay, các dự án đều có thiết kế đầy đủ, ranh giới được thẩm định, có kiểm tra kiểm soát theo đúng hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, và có kiểm lâm địa bàn họ kiểm soát, theo dõi. Tất cả dự án đều nằm trong quy hoạch tổng thể được Chính phủ phê duyệt, nên cũng không có chuyện tìm chỗ có rừng mới làm thủy điện.

Về việc trồng rừng mới tương đương với diện tích rừng bị phá bỏ phục vụ dự án, ông Minh cho rằng, quy định này mới có Thông tư chính thức được ít hôm, tỉnh cũng đã yêu cầu các chủ đầu tư nếu không trồng được rừng mới thì phải nộp tiền, nhưng chưa có đơn vị nào nộp.

“Trước đây là mình chỉ khuyến khích, cho làm ào ào, còn giờ mới ra Thông tư bắt buộc phải trồng diện tích rừng mới thay thế, hoặc nộp tiền. Nhưng giờ các dự án đều làm xong hết rồi nên việc thu cũng khó khăn. Còn cái mới thì đương nhiên là cái nào mà không nộp tiền trồng rừng mới thì không được cấp phép”, ông Minh nói thêm.

Nhận xét về báo cáo của Bộ NN&PTNT có đánh giá xảy ra tình trạng phá rừng khi làm dự án, ông Minh cho rằng: “Đấy là báo cáo chung cho cả nước, còn vừa rồi chúng tôi triển khai một số công trình có kiểm tra, kiểm soát rất chặt. Cũng có sai phạm, nhưng sai phạm 1, 2 cây là chúng tôi phát hiện liền”.

Với tỉnh Hà Tĩnh, ông Đặng Ngọc Sơn, giám đốc Sở NN&PTNT cũng khẳng định, trên địa bàn tỉnh chỉ có hai dự án thủy điện, cũng đã làm xong được vài năm, nên không có chuyện lợi dụng dự án để phá rừng.

“Hà Tĩnh không có và cũng không dám đâu (làm thủy điện để phá rừng – PV), và cũng không lấy đất rừng, chỉ có những cái làm trực tiếp như thân đập hoặc lấy đất đắp đập thì có một ít rừng. Còn lại thì có quy trình bài bản chuyển đổi rừng. Còn bảo làm dự án để chặt phá rừng thì làm gì có. Lâm tặc tinh vi chúng tôi còn bắt được thì mấy ông doanh nghiệp là gì đâu”, ông Sơn khẳng định.

Ngoài ra, khi liên hệ với Sở NN&PTNT một số tỉnh khác có diện tích rừng chuyển đổi sang làm thủy điện lớn hơn 1.000ha đều từ chối trả lời hoặc báo bận họp.

Ông Đỗ Ngọc Duyên, giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Nông nói: “Chúng tôi có giám sát, nhưng để cung cấp cụ thể cần phải gặp trực tiếp sẽ cử người trả lời, còn không trả lời qua điện thoại”.

Ông Vũ Minh Khôi, phó giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Nông lại nói: “Cái này (kiểm soát diện tích rừng chuyển đổi sang thủy điện – PV) không thuộc lĩnh vực của tôi, phải hỏi Sở Công thương, vì có liên quan tới hồ sơ đầu tư hồ thủy điện”.

Còn có lợi dụng phá rừng không thì chúng tôi kiểm soát sát sao, cụ thể thì anh liên hệ Chi cục kiểm lâm. Còn xin lỗi, tôi đang họp”, ông Khôi trả lời.

Tương tự, với Quảng Nam, ông Nguyễn Thanh Quang, giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam nói: “Anh vô liên hệ rồi tôi bố trí người trả lời, chứ chúng tôi không trả lời qua điện thoại. Tôi đang bận họp”, nói vậy rồi ông Quang tắt máy.

Theo Báo Đất Việt

> Thi ảnh Việt Nam Xanh, rinh ngay 100 triệu đồng

Thủy điện Mekong, phá rừng... sẽ làm mất mũi Cà Mau

Thứ 4, 26/06/2013 | 15:24
Ông Nguyễn Xuân Hiền, viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam nhìn nhận, người ta làm thủy điện nhỏ chủ yếu là vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.

Phá rừng - phá cuộc sống của chính mình

Thứ 5, 20/06/2013 | 11:53
250.000 hectar rừng rậm bị chặt hạ mỗi tuần. Hàng nghìn cây xanh bị de dọa khi con người xây dựng một sân golf...

Bảo vệ san hô bằng cách không phá rừng

Thứ 6, 07/06/2013 | 15:54
Bảo vệ rừng cũng sẽ có tác dụng bảo vệ các rặng san hô dưới biển, do việc làm này sẽ hạn chế khối lượng chất trầm tích đổ vào biển.

6 phản biện của bầu Đức về cáo buộc chiếm đất, phá rừng

Thứ 7, 18/05/2013 | 09:01
Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) Đoàn Nguyên Đức sốc nặng trước cáo buộc của Global Witness và chỉ ra 6 điểm hoài nghi tổ chức này.