"Thủy tặc" xưa bên bến đò Thủ Thiêm

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Giai thoại bên con đò Thủ Thiêm xưa gắn với những mỹ nhân "thủy tặc" nhưng có truyền thống lấy của chứ không hại người.

Con đò Thủ Thiêm đóng vai trò quan trọng và gây nhiều ấn tượng, bởi vì Sài Gòn xưa đường bộ ít, xe cộ chưa nhiều (ngày đầu chủ yếu là xe thô sơ, xe ngựa) nên chưa có cái mà sau này người ta gọi là bến xe.

Theo tài liệu của cố học giả Vương Hồng Sển, ngày xưa, chỗ bến sông từ Thủy Xưởng (Arsenal) đến cột cờ Thủ Ngữ được gọi chung là Bến Ngự (nơi vua ngự vui chơi, hóng mát), xuất phát từ tiếng Cao Miên gọi là Compongluong (người Việt ta phát âm ra là Tầm Phong Long) cũng có nghĩa là bến vua. Đối diện với Bến Ngự là xóm Thủ Thiêm, hay còn gọi là xóm Thủy hoặc xóm Tàu Ô.

Xã hội - 'Thủy tặc' xưa bên bến đò Thủ Thiêm

Hai địa danh này được giải thích rõ như sau: Nguyên chỗ đối diện với Thủy Xưởng (Arsenal), phía bờ Thủ Thiêm, khi người Pháp chiếm Sài, họ đã vừa lập Arsenal, vừa lập Thủy Trại, là nơi chuyên đóng tàu chiến. Dân địa phương đặt xóm đó là xóm Thủy Trại, sau đọc ngắn lại là xóm Thủy. Còn từ xóm Tàu Ô là bởi vùng bờ sông Thủ Thiêm thuở người Pháp chưa đến chính là căn cứ địa của nhóm thương lái kiêm hải tặc đường biển gốc Tàu (Hoa) di chuyển trên những chiếc thuyền, buồm toàn một màu đen (nên gọi là Tàu Ô).

Năm 1898, viên thuyền trưởng tàu buồm Hà Lan, sau một tuần cập bến Sài Gòn, khi về nước kể lại và sau đó được một báo ở Paris đăng tải. Chuyện rằng, vào một đêm, khi ông ta đang ngủ trong phòng riêng ở chiếc tàu của mình, bỗng một bóng đen len lén bước vào. Ông choàng dậy định kêu lên, vì cho rằng hắn là kẻ trộm, nhưng bóng đen đó ra dấu thân thiện và lên tiếng khe khẽ như trấn an. Lúc đó, vị thuyền trưởng mới vỡ lẽ. Thì ra là một cô gái người bản xứ. Cô ta rất bạo dạn, bước thẳng tới chỗ ông và sà ngay vào lòng, gợi ý một chuyện mà bất cứ người đàn ông nào cũng biết.

Đến khi trời gần sáng, lúc choàng tỉnh giấc, viên thuyền trưởng mới hay rằng cả tài sản trong túi quần của ông ta đã không cánh mà bay với cô gái lạ! Một vài tàu khác, khi neo đậu ở đoạn sông Thủ Thiêm, cũng đều gặp những vị khách không mời: Họ leo lên từ dưới nước, sau khi cuỗm vài món đồ rồi nhảy xuống sông, lặn một hơi tới bờ bên kia. Lực lượng "thủy tặc" vùng Thủ Thiêm có tay nghề cao siêu hơn so với nhiều nơi khác. Theo nhận xét của các thủy thủ nước ngoài, dân Thủ Thiêm còn trên cơ dân cảng Aberdeen ở Hồng Kông.

Tuy nhiên, dân "thủy tặc" Thủ Thiêm có một truyền thông rất đặc biệt, đó là lấy của chứ không hại người. Điều này được chính các thủy thủ nước ngoài xác nhận. Họ kể rằng, các "thủy tặc" sau khi lẻn lên tàu, đột nhập vào các phòng riêng, lấy trộm vài thứ rồi rút đi ngay. Lỡ gặp người, họ chỉ chống cự rồi thoát thân, khi không thoát được thì chấp nhận cho người ta bắt giữ, không bao giờ dùng hung khí để chống trả. Điều này có người cho rằng, bởi họ tin tưởng, dù có bị bắt thì 30 giây sau, khi được giao lại cho lực lượng an ninh bên cảng hay tuần tra đường sông, họ cũng sẽ được trả dễ dàng. Cho nên, họ không cần phải vay nợ máu.

Vào những năm toàn dân ta kháng chiến chống Pháp, những con đò nhỏ qua lại bến Thủ Thiêm đã từng vận chuyển cán bộ, vũ khí từ An Khánh, Thủ Thiêm vào nội thành Sài Gòn.

Có người kể lại rằng, vào năm 1948, trong một đêm mưa gió, có một con đò chở đầy tài liệu và vũ khí đưa từ bờ Thủ Thiêm sang Sài Gòn, khi đò sắp cập bến, cô lái đò phát hiện trên bờ có bọn lính kín mai phục. Rất bình tĩnh, cô lái đò lật ngay chiếc đò cho chìm, còn cô thì như một con rái cá, lặn một mạch mất dạng. Từ đó, bến đò Thủ Thiêm và những người chèo đò luôn là mục tiêu theo dõi của cảnh sát, mật vụ.

Ngày nay, dù bên cạnh bến đò ngang đã có một bến phà hiện đại hơn, phà lớn, chạy nhanh, chở được cả người lẫn xe cộ nhưng người đi lại vẫn thích dùng những con đò nhỏ chèo tay, hay sử dụng máy đuôi tôm Lohler.

Cách đây gần 40 năm, khi Sài Gòn còn bị tạm chiếm, có tin đồn chẳng biết xuất xứ từ đâu, rằng Nhà nước sẽ dẹp bỏ hai thứ ở bến Bạch Đằng, đó là cột cờ Thủ Ngữ và bến đò Thủ Thiêm, vì xét ra không còn cần thiết nữa. Dạo đó, nhiều người bàn tán xôn xao, đa số đều lo lắng, nhất là dân sống nhờ những con đò. Song rất nhiều người khác am tường hơn, đã dám tiên đoán chắc nịch: "Dẹp cái gì thì dẹp, nhưng hai thứ đó vẫn còn mãi!"...

Hà Hưng