Tiếc nuối tình làng nghĩa xóm sau hỗn chiến tranh chấp mương nước

Ngọc Lài

Sau bao năm sử dụng chung mương nước, gia đình ông Nguyễn Văn Đực đột nhiên khẳng định chủ quyền và cấm ông Nguyễn Chánh Th. - chủ ruộng kế bên dùng nước trong mương. Dù ông Th. đã nhờ chính quyền địa phương can thiệp nhưng, 4 năm trời ròng rã, mâu thuẫn ngày càng bị khoét sâu. Đỉnh điểm, hai bên đã xảy ra hỗn chiến, trong lúc xô xát ông Đực dùng rựa chém 2 người bên phía đối thủ thương vong.

Hỗn chiến kinh hoàng tranh chấp mương nước

Ngày 13/4, văn phòng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tây Ninh cho biết, đã bắt đối tượng Nguyễn Văn Đực (SN 1962, ngụ ấp Thuận Đông, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh) để điều tra về hành vi giết người.

Bước đầu, công an xác định ông Nguyễn Văn Đực liên quan đến cái chết của ông Nguyễn Văn B. (SN 1981, ngụ ấp Thuận Tâm, xã Lợi Thuận) và làm ông Nguyễn Chánh Th. (SN 1964, cùng ngụ ấp Thuận Tâm) trọng thương.

Theo thông tin điều tra ban đầu, khoảng 17h ngày 6/4, tại ấp Thuận Đông, xã Lợi Thuận, một vụ ẩu đả xảy ra giữa gia đình ông Th. gồm: ông Th., bà Trần Thị Ng. (SN 1964, vợ ông Th.), ông Nguyễn Văn B. (em ruột ông Th.) với gia đình ông Nguyễn Văn Đực gồm: ông Đực, bà Nguyễn Thị M. (SN 1964) và 2 người con trai Nguyễn Văn T. (SN 1992), Nguyễn Văn Tý H. (SN 1996).

Sau khi to tiếng, hai bên lao vào hỗn chiến bằng cuốc, cây, rựa, dao… Trong lúc xô xát, ông Đực dùng rựa chém ông B. và ông Th. trọng thương. Sau đó, ông B. đã tử vong tại trung tâm Y tế huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Hiện tại, ông Th. đang được điều trị tại một bệnh viện ở TP.HCM trong tình trạng hôn mê sâu.

Sau khi chém thương vong 2 người, ông Đực được con trai chở đi giấu hung khí rồi đến Công an xã Lợi Thuận đầu thú. Tại Công an xã Lợi Thuận, ông Đực đầu thú và khai nhận hành vi chém thương vong 2 người bằng cây rựa phát cỏ bờ. Đồng thời, ông Đực khai rằng, từ lâu, hai gia đình có nhiều mâu thuẫn về tranh chấp mương nước, rãnh đất ruộng của hai bên.

Nghi phạm Nguyễn Văn Đực tại cơ quan công an.

Ông Đực cho rằng, mương nước thuộc quyền sở hữu riêng của gia đình mình nhưng gia đình ông Th. lại sử dụng. Trong khi đó, gia đình ông Th. lại khẳng định, mương nước có từ lâu đời, do chủ ruộng trước đây đào để dẫn nước làm ruộng. Cho nên, bên nào cũng có quyền sử dụng nước ở mương để tưới tiêu, làm ruộng. Khúc mắc này không được giải quyết triệt để nên hai bên thường xuyên xảy ra ẩu đả và to tiếng với nhau.

Chị Trần Ch.L. (ngụ xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu) có mặt tại hiện trường xảy ra vụ hỗn chiến, nhớ lại: “Ngày hôm trước (5/4), ông Th. đến ruộng đặt bọng (cống – PV) để dẫn nước vào ruộng chuẩn bị làm vụ lúa mới. Qua ngày hôm sau (6/4), gia đình ông Đực xuống đào bọng lên.

Gia đình ông Th. mới kéo vào để nói chuyện, rồi xảy ra đánh chém nhau. Trong lúc đánh nhau, ông Đực dùng rựa chém ông Th., ông B. nhiều nhát chí mạng. Thấy ông Th. và ông B. nằm dài trên mặt đất, cơ thể đầy vết thương, ông Đực thản nhiên cầm hung khí bỏ vào bao. Sau đó, ông Đực cầm bao hung khí đi xuyên qua hai nạn nhân đang nằm hấp hối”.

Tiếc nuối tình làng nghĩa xóm

Trao đổi với PV, chị Nguyễn Trần Huỳnh Nh. (SN 1997, ngụ ấp Thuận Tâm, xã Lợi Thuận), con gái của ông Th. cho biết: “Chiều 6/4, gia đình của ông Đực biết ba tôi đã đặt bọng ở bờ ruộng để dẫn nước sạ lúa nên xuống đào bọng lên. Biết chuyện, ba tôi mới cầm cuốc, rồi rủ thêm chú Út (ông B. – PV) vào ruộng xem sự tình. Ba tôi còn cẩn thận dặn mẹ và tôi báo công an xuống giải quyết tranh chấp”.

Hung khí được sử dụng trong cuộc hỗn chiến tranh chấp mương nước.

“Sau khi báo công an, tôi và mẹ cũng chạy vào ruộng. Ban đầu, tôi cũng nghĩ hai bên sẽ cãi nhau nên bật sẵn chế độ livestream trên Facebook để mọi người làm chứng. Thế nhưng, mới cãi nhau đôi câu, hai bên lao vào xô xát bằng dao, rựa, cây, cuốc…

Hai đứa con của ông Đực dùng cây đánh chú Út té xuống đất. Ông Đực thấy vậy lao đến dùng rựa chém chú tới tấp. Sau đó, ổng cầm rựa quay qua chém ba tôi. Họ cũng rượt đánh chém mẹ tôi nhưng may mắn bà té xuống đống củi nên thoát chết.

Sau đó, tôi biết chỉ có ông Đực đi đầu thú, còn con trai và vợ ông ấy vẫn vô sự. Tôi mong cơ quan điều tra sớm làm sáng tỏ vụ việc, trả lại công bằng cho gia đình tôi”, chị Nh. thuật lại diễn biến cuộc hỗn chiến.

Theo chị Nh., trước khi gia đình chị ra ruộng để giáp mặt nhà ông Đực nói chuyện, các con ông Đực đã tuyên bố cầm rựa chờ mẹ của chị xuống sẽ chém chết. Hàng xóm chứng kiến vụ việc chỉ biết nhìn mà không dám xông vào can ngăn.

“Mọi người sợ lắm, đợi gia đình ông Đực đi mới nhào vô lấy áo cột vết thương, cầm máu cho ba và chú Út. Chém xong, người nhà ông Đực thản nhiên gom hung khí bỏ trốn, mặc kệ ba tôi và chú Út đang thở gấp”, chị Nh. nghẹn ngào kể lại.

Chị Nh. buồn bã cho biết: “Chú Út của tôi chết oan uổng quá! Chuyện gia đình tôi lại liên lụy chú. Chú mất đi bỏ lại hai đứa con, một đứa mới tốt nghiệp cấp 3, một đứa đang học lớp 6.

Ông nội đang bệnh nằm viện mà hai người con trai lại chết và bị thương. Nếu ba tôi xảy ra cớ sự gì, không biết ai chăm lo cho nội. Ngày 4/4, vợ chồng ông Đực lấy rựa đuổi chém ba tôi nhưng ông bỏ chạy kịp thời. Lần này, ba và chú không may mắn phải chịu đau đớn giày vò thể xác”.

Bà Trần Thị Ng., vợ ông Th. cho biết: “Vợ chồng tôi mua ruộng vào năm 1993 thì đã có sẵn mương nước. Mương nước nằm giữa 2 đám ruộng của nhà tôi và nhà ông Đực. Thế nhưng, sau đó, vợ ông Đực nói mương nước thuộc về phần ruộng của gia đình bà. Bà ta nói mương của ông cha để lại nên gia đình họ làm cống ngăn nước lại, không cho chúng tôi sử dụng.

Về việc tranh chấp ranh đất giữa nhà tôi và gia đình ông Đực, TAND tỉnh Tây Ninh đã quyết định giữ nguyên hiện trạng nhưng bà M. chưa chịu. Thế nên, mỗi lần gặp mặt người nhà tôi ở ruộng, bà M. thường dùng lỡi lẽ tục tĩu chửi bới. Sự việc căng thẳng như vậy suốt 4 năm qua”.

Gia đình ông Th. đặt cống liền bị người nhà ông Đực đào lên.

Ông Nguyễn Văn Tr. (71 tuổi, ngụ xã Lợi Thuận) lắc đầu ngao ngán khi nhắc đến vụ hỗn chiến: “Tôi thấy chuyện nhỏ xíu mà hậu quả lại lớn lao. Chuyện mương nước, cái ao… dùng chung ở quê vốn không có gì to tát mà phải phân tranh rành rẽ. Thời của chúng tôi, nhà nào khó khăn còn giúp đỡ lẫn nhau, tát nước be bờ chung, chứ làm gì có việc tranh giành thước đất bờ mương”.

N.L