Tiêm thuốc hết hạn cho bệnh nhân ung thư: Khi lương y bán rẻ lương tâm

Thanh Lam

Nhiều lương y cho rằng, việc truyền hóa chất hết hạn cho bệnh nhân ung thư là không chấp nhận được, vi phạm y đức và cần xử lý nghiêm trước pháp luật, tránh tiền lệ xấu.

Y đức thầy thuốc không cho phép

Những ý kiến này xuất phát từ thông tin, bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM có trường hợp truyền hóa chất hết hạn cho bệnh nhi ung thư. Theo đó, bác sĩ Đoàn Mạnh Nam (khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh viện Đa khoa Hòa Bình) bày tỏ: “Tôi hy vọng sự việc chỉ xảy ra vô tình chứ không phải do cố ý. Từ việc phát thuốc ở khoa Dược, trong kho thuốc đó, người có trách nhiệm sẽ thường xuyên phải kiểm tra hạn sử dụng, đến người nhận thuốc (y tá, điều dưỡng-PV) cũng cần phải kiểm tra hạn dùng.”. Còn nếu cố tình cho bệnh nhân sử dụng thuốc hết hạn, theo bác sĩ Nam khi đó cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Theo bác sĩ Nam, về nguyên tắc sử dụng thuốc: “Y tá, điều dưỡng sẽ kiểm tra thuốc, kiểm tra tên bệnh nhân, liều dùng theo nguyên tắc 3 kiểm tra 5 đối chiếu… để dùng cho phù hợp”.

Bác sĩ Nam cho hay: “Việc sử dụng thuốc hết hạn gây ra những hậu quả khôn lường, có thể dẫn đến sốc phản vệ, không thích ứng được với thành phần của thuốc”.

Việc sử dụng thuốc hết hạn gây ra những hậu quả khôn lường.

Đưa ra khuyến cáo của mình, vị bác sĩ nhấn mạnh: “Nghề y là công việc cao cả, điều trị đem lại sức khỏe cho người bệnh, vì vậy trách nhiệm của người thầy thuốc luôn phải đặt lên hàng đầu. Không được phép thực hiện một cách qua loa, không kiểm tra kỹ lưỡng… điều này dễ dẫn đến những hậu quả khó lường. Tôi chỉ có lời khuyên, đối với khoa Dược nên thường xuyên kiểm tra hạn sử dụng thuốc theo ngày nhập, lô nhập, lô sản xuất. Gần cận ngày hết hạn thì phải báo trưởng khoa để nhập mới và xuất huỷ. Đồng thời, các điều dưỡng sử dụng thuốc cần phải kiểm tra kỹ lưỡng số lượng thuốc để tránh nhầm lẫn đáng tiếc”.

Trước sự việc nêu trên, cũng trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin pháp luật, bác sĩ Ngô Việt Hùng - nguyên Trưởng khoa Truyền nhiễm (bệnh viện Hữu nghị Việt - Tiệp) khẳng định: “Trên nguyên tắc không được sử dụng thuốc hết hạn, đôi khi có những thuốc hết hạn nhưng có thể gia hạn được từ các cơ quan dược phẩm, bộ Y tế cho phép. Còn thông thường, không ai sử dụng thuốc hết hạn, những việc làm, hành động đó rõ ràng là vi phạm y đức không thể chối cãi”.

Bác sĩ Hùng nhấn mạnh: “Không được phép sử dụng thuốc quá hạn bằng bất kỳ hình thức nào. Khi sử dụng tiêm truyền thuốc cho bệnh nhân thì ê-kíp bác sĩ, y tá, điều dưỡng bao giờ cũng phải kiểm tra xem còn hạn dùng hay không. Điều này thể hiện trách nhiệm của người thầy thuốc đối với người bệnh”.

Hệ lụy khôn lường

“Còn sử dụng thuốc hết hạn cho bệnh nhân sẽ gây ra những hệ luỵ, trước mắt là thuốc không có tác dụng điều trị bệnh, tiếp sau nữa có thể gây ra những phản ứng không mong muốn. Vì vậy, cần phải lên án mạnh mẽ việc sử dụng thuốc, hóa chất hết hạn cho bệnh nhân”, bác sĩ Hùng bày tỏ.

Bác sĩ Ngô Việt Hùng cho rằng dùng thuốc quá hạn là hành động đáng lên án.

Liên quan đến thông tin nêu trên, cục Quản lý Khám, chữa bệnh (bộ Y tế) cũng đã ra văn bản khẩn, yêu cầu giám đốc bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM kiểm tra, xác minh, rà soát lại toàn bộ sự việc liên quan và xử lý sai phạm (nếu có). Yêu cầu bệnh viện công khai thông tin kết quả xác minh, xử lý cho cơ quan truyền thông.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng đã đề nghị sở Y tế TPHCM chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn quản lý tiếp tục tăng cường thực hiện, kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế thực hiện đúng các quy chế, quy định về công tác khoa dược các quy định về dược lâm sàng trong bệnh viện và các quy định liên quan hiện hành của bộ Y tế. Công tác xác minh, rà soát của các đơn vị trên báo cáo về cục Quản lý Khám, chữa bệnh trước ngày 3/7/2020.

Trước đó, trong báo cáo nhanh gửi sở Y tế TPHCM, phía bệnh viện Truyền máu huyết học giải trình: Vào lúc 19h30 ngày 24/6, bệnh viện Truyền máu huyết học nhận được phản ánh từ người thân bệnh nhi L.T.K.C. (4 tuổi, chẩn đoán suy tủy) về việc người bệnh bị cấp phát và sử dụng thuốc đã hết hạn sử dụng.

Ngay lập tức, bệnh viện đã kiểm tra lại hạn dùng của thuốc. Khi kiểm tra, bệnh viện phát hiện 2 lọ thuốc Antithymocyte Globuline (Thymogam 250mg) được cấp phát cho bệnh nhi C. có thời hạn sử dụng ghi trên nhãn là tháng 1/2020 (trong đó có 1 lọ đã sử dụng xong và 1 lọ đã sử dụng 1/3).

Trong khi rà soát trên hệ thống phần mềm quản lý thuốc bệnh viện 2 lọ thuốc này lại có hạn sử dụng là tháng 11/2021. Đồng thời, bệnh viện theo dõi sát tình trạng bệnh nhân để có những xử lý kịp thời. Hiện, tình trạng bệnh nhi vẫn ổn định, sinh hiệu bình thường, đang được bác sĩ điều trị theo dõi sát. Sau vụ việc, bệnh viện tổ chức họp khẩn và tạm đình chỉ tất cả các cá nhân liên quan, tiến hành xác minh, làm rõ nguyên nhân sự cố trên. Ban giám đốc bệnh viện cho hay nếu phát hiện có dấu hiệu tiêu cực sẽ chuyển ngay cho cơ quan cảnh sát để tiếp tục điều tra.

T.L