Tiền nhiều để làm gì? Hỏi nhiều để làm gì?

Muốn biết tiền nhiều để làm gì, hãy hỏi người có thật nhiều tiền hoặc tốt nhất là nên tự mình kiếm được nhiều tiền để có được câu trả lời.

Dư âm vụ ra tòa ly hôn giữa hai vợ chồng ông chủ Trung Nguyên không để lại gì sâu sắc hơn cho công chúng ngoài câu hỏi: “Tiền nhiều để làm gì”? Kể từ một tháng nay, từ mạng xã hội cho đến quán nước vỉa hè ven đường xôn xao với câu hỏi “tiền nhiều để làm gì” như một cơn sốt chưa thấy hồi kết.

Người thì coi đó là một câu nói đùa chêm vào khi nói chuyện cùng bạn bè. Người thì muốn có được câu trả lời mang tính chiêm nghiệm cho bản thân mình - nhất là khi đồng tiền vốn được coi là thứ chi phối rất lớn trong cuộc sống này.

Tuy nhiên, dù hỏi rất nhiều, không mấy ai trong chúng ta có được câu trả lời phù hợp hay ưng ý. Cho nên, điệp khúc “tiền nhiều để làm gì” vẫn cứ vang vọng mãi trong các cuộc đối thoại đến mức nhàm chán, nhạt nhẽo.

Sai lầm đầu tiên khi một người muốn có câu trả lời của riêng mình là họ đã hỏi sai đối tượng.

Muốn biết tiền nhiều để làm gì, không ai lại đi hỏi một cậu sinh viên còn đang tằn tiện từng đồng bạc ít ỏi bố mẹ gửi lên để đóng học, sinh hoạt hàng ngày. Vì câu trả lời chắc chắn sẽ đơn giản đến mức: Tiền nhiều để mua sắm điện thoại, quần áo để đi chơi với người yêu, để những cuộc vui luôn tới bến mà không phải nghĩ đến việc tối nay ăn cơm hay ăn mì.

Cũng như đừng hỏi một công chức quèn, mức lương chưa đến 10 triệu/tháng, chỉ đủ quanh quẩn trang trải cuộc sống hàng ngày, trong khi giấc mơ có nhà riêng còn xa vời vợi. Họ cũng sẽ trả lời cho bạn một cách rất đơn giản: Có tiền để nuôi vợ con, sắm một căn nhà, tậu 4 bánh, còn thừa lại thì đi du lịch.

Muốn biết tiền nhiều để làm gì, hãy hỏi những người có thật nhiều tiền. Chúng ta sẽ có câu trả lời chính xác nhất. Họ là ai? Họ là những doanh nhân thành đạt, những tỷ phú mà tiền đối với họ có thể nhiều bằng cả GDP một quốc gia.

Khi bạn có trong tay số tài sản 131 tỷ USD như Jeff Bezos, ông chủ của tập đoàn Amazon – người giàu nhất thế giới - bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ mua sắm những thứ mình thích, những món hàng xa xỉ, những căn nhà xa hoa, những chiếc siêu xe lộng lẫy hay đi du lịch vòng quanh thế giới cả năm?

Hầu hết những người có tiền đều làm vậy. Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ trong cái “nhiều tiền để làm gì”.

Chiếc đồng hồ đắt nhất thế giới Hallucination, đính kim cương lấp lánh của Graff Diamonds chỉ có giá 55 triệu đô. Siêu xe đắt nhất thế giới là Rolls-Royce Sweptail cũng chỉ có giá 12,8 triệu đô. Trong khi ngôi nhà định giá đắt nhất hành tinh ở Mumbai, Ấn Độ cũng chỉ là 1 tỷ USD.

Jeff Bezos có thể mua sắm thoải mái những thứ ở trên mà cũng chẳng thể hết được tài sản của mình. Tiền vẫn còn rất nhiều và tiền của ông còn được sản sinh thêm từng ngày.

Nói cách khác, ông chủ Amazon là một trong số ít những người gần như có thể sở hữu được mọi thứ trên cuộc đời này. Tiền tài, danh vọng, quyền lực và thậm chí là cả những thứ vô hình khác. Ông có thể mua tất cả những thứ đồ đắt giá ở trên chỉ trong nháy mắt. Nhưng mua xong tất cả những thứ đó rồi thì tiền còn lại biết tiêu vào đâu?

Khi chưa có những thứ mình muốn, người ta sẽ khát khao, nhưng khi có được tất cả mọi thứ rồi, tất cả sẽ trở nên nhàm chán. Vì rốt cuộc nhu cầu bản thân đã được khỏa lấp đầy đủ. Đến một lúc nào đó, tiền có nhiều mà không biết mua thứ gì, dùng vào thứ gì.

Trên thực tế, khi đã có nhiều tiền, suy nghĩ và tư duy của một người đã đi đến một cấp độ rất khác. Khi đó đồng tiền không còn mang mục đích ban đầu là nuôi sống và hưởng thụ nữa. Họ sẽ nghĩ đến những thứ vĩ đại và lớn lao hơn.

Đó cũng là lý do vì sao Jeff Bezos, Bill Gates hay Jack Ma không mảy may quan tâm đến việc thỏa mãn bản thân bằng tiền mà dành phần lớn tài sản đi làm từ thiện, thành lập các quỹ, chương trình đóng góp cho cộng đồng.

Hay như Tổng thống Donald Trump, ông trùm bất động sản, truyền hình nước Mỹ - người tham gia vào chính trường ở tuổi 71 để đưa “nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Ở cái tuổi mà nhiều người đã an hưởng tuổi già, người đàn ông đã chắc tay khối tài sản 3,1 tỷ USD lại bỏ sự nghiệp kinh doanh mơ ước sang một bên để lao vào đấu trường chính trị, vốn là nơi cam go, khốc liệt nhất.

Ông không nhận một đồng lương nào từ vai trò người đứng đầu Nhà Trắng và liên tục trở thành mục tiêu chế nhạo, công kích của các đối thủ trong chính trường cũng như truyền thông. Nhưng cuối cùng, không thể phủ nhận ông đã mang lại những thành công đáng kể khi vực lại nền kinh tế của đất nước.

Vậy rốt cuộc nhiều tiền để làm gì? Với Đặng Lê Nguyên Vũ, rõ ràng đó là một câu ông cảm thán chính gia đình của mình. Ông không muốn nhiều tiền để rồi gia đình phải tan vỡ. Ông không muốn tập đoàn của mình cứ mãi đẻ thêm tiền một cách nhàm chán. Ông muốn có một hậu phương vững chắc từ vợ mình để làm nên những điều lớn lao mà trong tâm tưởng của ông đang hướng đến bấy lâu nay.

Còn với chúng ta, thay vì cứ quanh quẩn hỏi nhiều tiền để làm gì, chi bằng hãy dành thời gian đó để kiếm tiền cho đủ nhu cầu của cuộc sống, để thoát khỏi những lo toan, thiếu thốn hàng ngày.

Để sau này, khi vượt qua cấp độ thỏa mãn và hưởng thụ bản thân, khi có nhiều tiền trong tay, chúng ta sẽ biết được có nhiều tiền, bản thân sẽ làm được gì cho cuộc đời này.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Vợ chồng "vua cà phê" Trung Nguyên: Từ tiểu thuyết ngôn tình bước ra đời thực với vụ ly hôn nghìn tỷ

Chủ nhật, 03/03/2019 | 08:00
Khởi nghiệp từ con số 0 tròn trĩnh, thậm chí phải bán cả chiếc xe đạp để gây dựng nên đế chế Trung Nguyên hùng mạnh như ngày hôm nay, tình yêu đẹp thuở ban đầu của vợ chồng "vua cà phê" từng khiến bao người ngưỡng mộ. Thế nhưng mọi thứ đều có thể thay đổi. Khoảng cách của tình yêu từ tiểu thuyết ngôn tình bước ra đời thực với vụ ly hôn nghìn tỷ không quá xa.

Năm 2019, "tiền nhiều để làm gì?" và câu trả lời của chuyên gia kinh tế

Thứ 2, 25/02/2019 | 14:31
Việc tìm kênh đầu tư tài chính tối ưu trong năm 2019 vẫn luôn là một bài toán không đơn giản đối với các nhà đầu tư, khi vàng và ngoại tệ được cảnh báo gặp khó.