Một nghịch lý nực cười ở ta lâu nay vẫn được dư luận nhắc đến: Có hàng trăm trường đại học, hàng chục nghìn cán bộ nghiên cứu, giáo sư, tiến sĩ…nhưng cuối cùng các sáng chế thiết thực cho đời sống như máy gặt lúa, máy thu hoạch hoa quả, máy cắt tỉa cành lại đến từ... những người nông dân. Sự thực này mở ra câu hỏi: Trong số các tiến sĩ, giáo sư ấy, bao nhiêu người được “nở ra” từ “lò ấp” đang gây nhiều nghi vấn...?!
Thanh tra Chính phủ mới đây đã công bố quyết định thanh tra tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trong đó có việc đào tạo và cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Thời kỳ thanh tra từ năm 2015 đến tháng 12/2019; khi cần thiết có thể xem xét trước hoặc sau thời kỳ trên.
Thông tin này có thể là tin mừng với những người có mối quan tâm thực sự đến nền học thuật chân chính của nước nhà nhưng hẳn lại là nỗi lo với “lò ấp” tiến sĩ có năng suất “khủng” đến không thể tin.
Học Viện Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam
Tính từ ngày 1/1/2015 đến 31/12/2015, Học Viện Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho “ra lò” 165 tiến sĩ...Một con số không thể tin nổi, dù đó là sự thật.
Với ngành đào tạo tiến sĩ, quy chuẩn để tạo nên những nhà khoa học thực sự không bao giờ là chuyện giản đơn. Vậy mà dưới sự đào tạo của viện này, tiến sĩ ào ào “ra lò”. Trong bối cảnh của một nền giáo dục chưa mấy phát triển, năng suất sản sinh tiến sĩ này thực đạt đến kỷ lục về sự kinh ngạc.
Một con số không kém ngạc nhiên khác là tổng chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo tiến sĩ của học viện. Chỉ trong hai năm 2015, 2016, viện tuyển sinh tới 700 tiến sĩ.
Giật mình thêm nữa, có giáo sư trong một năm hướng dẫn tới 12 nghiên cứu sinh. Tiến sĩ kinh tế lại hướng dẫn nghiên cứu sinh ngành quản lý giáo dục.
Sự “lệch pha” đến nực cười này phải chăng chính là khởi nguồn cho sự ra đời của những đề tài tiến sĩ, thạc sĩ mà dù nghĩ mãi cũng không biết dùng vào việc gì, mang lại lợi ích gì cho nền khoa học nước nhà.
Cứ nhìn vào chồng chất những lệch pha, ngổn ngang những sự việc chướng tai gai mắt trong quá trình đào tạo tiến sĩ ở viện này, xem ra câu hỏi đau đáu của dư luận lâu nay xoay quanh việc 9.000 giáo sư không có sáng chế nhưng nông dân lại có xem ra không mấy khó lý giải.
Tất nhiên, Học Viện Khoa học Xã hội không phải là cơ sở duy nhất trong nước sản sinh ra các tiến sĩ, giáo sư. Nhưng với tần suất cho “ra lò” 1 tiến sĩ như vậy, ai dám đảm bảo không có sự hữu danh vô thực?
Nghịch lý dù có hàng trăm trường đại học, hàng chục nghìn cán bộ nghiên cứu, hàng chục nghìn tiến sĩ, hàng nghìn giáo sư nhưng cuối cùng người sáng chế ra các sản phẩm thiết yếu như máy gặt lúa, máy thu hoạch hoa quả, máy cắt tỉa cành lại là người nông dân... cũng không còn là điều khó hiểu nữa.
Nhìn ra thế giới, khi đại dịch COVID đang hoành hành, bao người, đặc biệt là nhân viên ngành y đã vô cùng hoan hỉ trước sự xuất hiện của thiết bị chống đau tai khi đeo khẩu trang. Điều bất ngờ, người sáng chế ra thiết bị này không ai khác chính là một cậu bé 12 tuổi.
Nhận được lời yêu cầu giúp đỡ của một bệnh viện ở địa phương khi các nhân viên y tế ở đây bị đau tai nghiêm trọng khi phải đeo khẩu trang thường xuyên, cậu bé Quinn Callander, 12 tuổi sống ở vùng ngoại ô Vancouver, Canada đã sáng chế ra thiết bị chống đau tai bằng máy in 3D.
Kể từ cuối tháng 3 đến nay, cậu bé đã sản xuất được hàng nghìn dây đeo, trong đó số lượng lớn được chuyển đến các bệnh viện ở khu vực Vancouver mang lại sự thoải mái đáng kể cho những anh hùng áo trắng trong cuộc chiến chống đại dịch.
Nhìn sáng chế của những người chưa qua đào tạo, những nông dân, những em bé, không biết các tiến sĩ hữu danh vô thực - tiến sĩ “giấy” có thấy hổ thẹn? Hay toan tính lấy bằng tiến sĩ chỉ để đạt mục đíchcho đường công danh hoạn lộ của họ thênh thang và vùi lấp mục đích cống hiến cho khoa học rồi?!
Chừng nào xu hướng làm tiến sĩ không phải để làm khoa học, giảng dạy hay cống hiến, mà chỉ vì muốn có cái mác thạc sĩ, tiến sĩ học hàm, học vị hay tăng thêm điều kiện để có vị trí, tiếng nói tốt hơn… thì vấn nạn “phổ cập” tiến sĩ hay “tiến sĩ hóa” với lãnh đạo và đi kèm là chất lượng tồi của những tấm bằng tiến sĩ, sẽ vẫn còn nhan nhản.
Với những tiến sĩ chân chính, con đường đến đích không bao giờ được trải hoa hồng và họ sống vì khoa học. Còn với các tiến sĩ “giấy”, bằng cấp và học hàm học vị chỉ như lọng che thân cho những toan tính cá nhân, ích kỷ.
Đất nước cần công trình khoa học có giá trị ứng dụng, không cần những tiến sĩ hữu danh vô thực…
Vũ Thu Hương* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.