img

Tiếp tay cho chủ tàu đánh bắt cá trục lợi, 2 “sếp” chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam vướng lao lý

Nhâm Thân

Mở rộng điều tra, cơ quan công an đã khởi tố 2 cán bộ là Trưởng và Phó phòng thuộc chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam để điều tra về hành vi nhận hối lộ. Sự việc khiến dư luận bất bình.".

Khởi tố

Mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Trần Quốc Việt (57 tuổi), Trưởng phòng Tàu cá và Dịch vụ tàu cá; Nguyễn Huỳnh Nam (40 tuổi), Phó Trưởng phòng Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam.

Cả hai bị khởi tố về hành vi nhận hối lộ. Cơ quan điều tra xác định, Việt và Nam có nhiệm vụ kiểm tra niêm phong các tàu cá trên địa bàn. Trong quá trình kiểm tra niêm phong cả hai đã phát hiện lập biên bản máy niêm phong VX1700 bị hỏng, dây điện liên kết bị đứt của một số tàu cá.

Tuy nhiên, 2 cán bộ này đã nhận 70 triệu đồng để hứa hẹn bỏ qua lỗi vi phạm niêm phong. Hành vi này tạo cơ hội cho các chủ tàu được thanh toán hồ sơ đề nghị hỗ trợ nhiên liệu theo quy định; qua đó, gây thất thoát ngân sách số tiền lớn.

img

Cơ quan công an tỉnh Quảng Nam khởi tố Nguyễn Huỳnh Nam.

Ngoài việc khởi tố, cơ quan điều tra cũng bắt tạm giam 4 tháng đối với Trần Quốc Việt và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Huỳnh Nam. Theo tìm hiểu của PV, việc khởi tố bị can 2 “sếp” chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam khiến dư luận Quảng Nam xôn xao. Đặc biệt, 2 bị can này đang bị điều tra trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà trước đó Công an tỉnh Quảng Nam đã khởi tố.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam tiết lộ, việc Việt và Nam bị khởi tố liên quan đến vụ lợi dụng chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển trục lợi hơn 3 tỷ đồng. Cụ thể, trước khi 2 cán bộ chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam bị khởi tố, 20 ngư dân miệt biển địa phương này đã bị khởi tố để điều tra.

Trong đó, 4 người bị bắt tạm giam là: Nguyễn Văn A (SN 1977) trú thôn Hội Sơn, xã Duy Nghĩa; Trần Văn Ước (SN 1991) trú thôn Trà Đông, xã Duy Vinh. Nguyễn Thanh Quang (SN 1980) trú thôn Hội Sơn, xã Duy Nghĩa; và Phạm Thị Cúc (SN 1978) trú thôn Trà Đông, xã Duy Nghĩa (cùng huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. 16 đối tượng còn lại bị cấm đi khỏi nơi cư trú.

Móc nối chủ tàu để trục lợi

Theo cơ quan chức năng, từ nhiều năm qua, Chính phủ luôn có các chính sách đúng đắn nhằm kịp thời hỗ trợ, động viên ngư dân vươn khơi bám biển. Những chính sách này đã góp phần giải quyết khó khăn cũng như thêm động lực cho ngư phủ.

Tuy nhiên, xuất hiện một nhóm nhỏ đối tượng lợi dụng chính sách để trục lợi gây thất thoát ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến tâm lý của những ngư dân làm ăn chân chính.

Từ đầu năm 2019, Công an tỉnh Quảng Nam đã phát hiện thủ đoạn chiếm đoạt tiền nhiên liệu trợ cấp của một số chủ tàu. Thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy một số chủ tàu đã lợi dụng việc thực hiện chủ trương khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và khai thác hải sản trên vùng biển xa theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg, ngày 13/7/2010 của Chính phủ để trục lợi bất chính.

img

Công an đọc lệnh khởi tố đối với một số chủ tàu cá vi phạm thời điểm năm 2019.

Các chủ tàu này có hộ khẩu tại xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam không thực hiện việc đánh bắt xa bờ, nhưng đã gửi danh sách các thuyền trưởng và thuyền viên cho các đơn vị chức năng xác nhận.

Để hợp thức hóa cũng như qua mắt cơ quan quản lý, họ mở niêm phong máy thông tin liên lạc tầm xa kết hợp với định vị rồi gửi cho các tàu cá đi đánh bắt xa bờ. Khi các tàu cá này đến khu vực vùng khơi có tọa độ được Nhà nước quy định sẽ được hỗ trợ tiền nhiên liệu.

Khi tàu cá mang máy định vị tầm xa đến đây, sẽ thực hiện thao tác nhắn tin gửi về đơn vị chức năng để xác nhận vị trí chuyến đi. Các đối tượng làm giả thủ tục xác nhận xuất, nhập bến của tàu cá đi khai thác xa bờ không đúng với thực tế và quy định. Cứ như vậy, dù tàu nằm bờ hay đánh bắt gần bờ, các chủ tàu này vẫn làm được thủ tục thanh toán tiền hỗ trợ nhiên liệu.

Cơ quan công an xác định, ở các vụ việc này, là cán bộ có thẩm quyền trong quản lý, nhưng Việt và Nam lại “móc nối” nhận tiền của các chủ tàu cá nhằm bỏ qua những lỗi vi phạm như trên. Cơ quan chức năng xác định, mỗi chuyến đi trót lọt, các chủ tàu được thanh toán từ 75 - 100 triệu đồng ngân sách Nhà nước. Việc Nam và Việt nhận tiền để bỏ qua vi phạm của các chủ tàu đã tạo cơ hội cho nhóm chủ tàu liên tiếp trục lợi, gây thiệt hại trên 3 tỷ đồng. Đến nay cơ quan chức năng mới thu hồi trên 2,40 tỷ đồng.

N.T