Tiếp tế đồ cho người thân trong khu cách ly: Yêu thương đến ngớ ngẩn!

Những ngày qua, tình trạng người dân “xúm đông xúm đỏ” mang nhu yếu phẩm gửi vào cho người thân trong khu cách ly đang tạo nên một làn sóng phẫn nộ từ cộng đồng, xem đó là sự cố chấp thiếu hiểu biết hay lòng yêu thương đến ngớ ngẩn?!

Hàng nghìn du học sinh và Việt kiều ồ ạt về nước trước khi các nước phương Tây “đóng cửa” phòng chống đại dịch Covid-19, được cách ly tập trung 14 ngày trước khi trở lại cuộc sống bình thường, để đảm bảo an toàn cho chính bản thân và gia đình.

Trước tình hình dịch bệnh, việc cách ly là điều nên làm của bất cứ ai trở về từ vùng dịch, đó là sự sẻ chia, là chung tay vì cộng đồng.

Điều đáng nói, là nhiều gia đình tỏ ra sốt sắng khi thấy người thân trở về lại sinh hoạt trong khu cách ly 14 ngày, nên tất bật chuẩn bị đồ dùng, nhu yếu phẩm để gửi vào tiếp tế.

Hình ảnh các chiến sĩ gồng mình giữa nắng nóng, tiếp nhận rồi khuân vác đồ đạc lỉnh kỉnh của các gia đình lũ lượt gửi vào, hết ngày này đến ngày khác, khiến nhiều người không khỏi xúc động. Những chiến sĩ phải tăng cường độ làm việc vì đồ tiếp tế vẫn liên tục được gửi vào từ sáng sớm đến tận đêm muộn vẫn chưa xong, khiến ngay bản thân những người trong khu cách ly còn phải xót xa thay.

“Có bố mẹ còn gửi cả xoong nồi, quạt máy, gửi cả tủ lạnh rồi gửi bia lon vào đây, mình thật không hiểu nổi...”, một nữ du học sinh đã phải thốt lên như vậy khi chứng kiến dòng người tiếp tế vẫn còn dài khi bóng tối đã bao trùm cả khuôn viên khu cách ly.

Một người bạn đồng nghiệp của tôi vô tình bắt gặp hình ảnh những chiến sĩ vừa xoa xoa hai lòng bàn tay vào nhau vừa cố gắng tỏ ra hài hước với nhau: “Mấy ngày nay, vai với tay mình dường như mất cảm giác luôn rồi!”.

Câu chuyện gẫu giữa mấy chiến sĩ nhưng lại khiến người ngoài cuộc không khỏi xót xa. Tối đó, người bạn tôi chia sẻ vội một bức ảnh trên Facebook cá nhân kèm những dòng nhắn nhủ: “Thôi nha! Sức người có hạn... Anh chị biết thương con cháu mình thì cũng phải biết nghĩ đến con nhà người ta nữa chứ!!!”.

Chẳng đúng sao?! Ai cũng có gia đình, ai cũng có người thân. Bạn biết thương người thân, thương gia đình của bạn, nhưng bạn không hề nghĩ đến cảm nhận của người thân hàng trăm, hàng nghìn gia đình khác hay sao?

Sự ích kỷ đã dẫn lối cho lòng yêu thương trở nên thật ngớ ngẩn!

Ngay cả khi một số cơ sở cách ly thực hiện theo chỉ đạo của sở Y tế, dừng nhận đồ tiếp tế, nhiều người nhận được thông tin, vẫn cố gắng đến khu vực cách ly với hy vọng cứ kiên trì bám trụ, bám cổng năn nỉ thì cơ quan chức năng sẽ cho gửi đồ vào cho người thân.

Nhìn xem, để phòng chống dịch bệnh, một trong những điều quan trọng là tránh tụ tập đông người, thì ở đây, thậm chí, người ta không ngại chen lấn để gửi đồ vào cho người thân trong khu cách ly. Đám đông hỗn loạn xuất phát từ sự yêu thương ngớ ngẩn kia cũng có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus.

Ở trong khu cách ly 14 ngày, đâu phải chuyển nhà mà phải mang “cả thế giới” vào đây? Trong khi, bước vào khu cách ly, mỗi người đều đã được trang bị “tận răng” những đồ dùng cá nhân cần thiết, cơm mang tận cửa, rác dọn tận nơi... Những người vội vã mang theo hàng loạt tiện nghi dưới danh nghĩa tiếp tế đang thực sự nghĩ gì? Người đi cách ly có thực sự cần đến nho Mỹ, gà luộc, trà sữa… để duy trì sự sống; hay đây chỉ là sĩ diện của những gia đình có điều kiện?

Yêu thương một cách ấu trĩ đang dẫn đến sự ngớ ngẩn dư thừa!

Người thân của các bạn ở trong khu cách ly kia, vẫn ăn ba bữa đủ dinh dưỡng mỗi ngày; vẫn được đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe đều đặn; vẫn ôm điện thoại lướt web; vẫn tham gia hàng loạt hoạt động thể dục, thể thao, giải trí khác;… không hề thiếu thốn đến kham khổ, thiệt thòi.

Nói cơm trong khu cách ly ngon thì có thể chưa hẳn đúng với những gia đình có điều kiện, nhưng với tình hình hiện nay, đó là những bữa cơm thấm đượm chữ “tình”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”...

Ở bên ngoài những căn phòng cách ly, còn rất nhiều người phải ăn vội vàng cho qua bữa, ngả lưng tạm bợ trên tấm bìa các-tông để kịp hoàn thành nhiệm vụ, để dốc tâm sức bảo vệ cho hai tiếng “đồng bào”.

Người thân bạn cũng chỉ ở trong khu cách ly tập trung có 14 ngày, còn những cán bộ chiến sĩ và nhân viên y tế đang “gồng mình” ngoài kia, họ đã trực chiến từ những ngày đầu có dịch, và sẽ còn gắn bó với rất nhiều nhiệm vụ tiếp theo.

Đương đầu với dịch, bao nhiêu giọt mồ hôi thấm đẫm lưng áo vải, họ thậm chí chưa được một ngày ngơi nghỉ; vậy mà chỉ vì những suy nghĩ ích kỷ, nhiều gia đình lại mang thêm những “gánh nặng” đè lên vai họ.

Đâu thể mãi mượn danh sự yêu thương mà suy nghĩ ấu trĩ và hành động ngớ ngẩn như vậy... Nếu còn tiếp tục tạo thêm áp lực, thêm “gánh nặng”, khi những “chiến binh” kia kiệt sức, ai sẽ là người chăm lo cho người thân của các bạn ở trong khu cách ly?

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

[E] Nhật ký cách ly của du học sinh: “Đâu phải anh hùng nào cũng mặc áo choàng!”

Thứ 5, 26/03/2020 | 06:28
Trở về Việt Nam trên chuyến bay cuối cùng trước khi Qatar “đóng cửa”, được cách ly trong một môi trường thân thiện và được chăm sóc tận tình, nữ du học sinh cảm thấy mình thực sự may mắn. Nhìn những giọt mồ hôi trên gương mặt các chiến sĩ đang ngày đêm lăn xả vì sức khỏe cộng đồng, cô không khỏi xúc động: “Không phải anh hùng nào cũng khoác áo choàng!”.

Có nên cho con về quê giữa mùa dịch?

Thứ 3, 24/03/2020 | 09:48
Trong khi kỳ nghỉ vẫn đang tiếp tục kéo dài, việc học online là điều cần thiết! Điều này cần sự nỗ lực rất lớn từ phía các nhà trường. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh đang có băn khoăn cho con về quê để tránh dịch và “xả hơi” sau những ngày học online gây mỏi mắt... Có nên không?