Tiết lộ thú vị về địa danh Trảng Còng trong ca khúc

Tiết lộ thú vị về địa danh Trảng Còng trong ca khúc "Lên ngàn"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
0
Rất nhiều thế hệ người Việt Nam thuộc lòng ca khúc "Lên ngàn" của nhạc sĩ Hoàng Việt. Nhưng, ít ai biết về địa danh Trảng Còng được nhắc đến trong bài hát, cũng như câu chuyện liên quan đến hoàn cảnh ra đời của ca khúc này. Trảng Còng xưa, nay còn không hay chỉ tồn tại trong lời bài hát?!

Về Trảng Còng nhớ người chèo thuyền ngược sông Vàm Cỏ

Chúng tôi tìm đến xã Phước Vinh, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh - nơi có địa danh Trảng Còng trong bài hát "Lên ngàn" của nhạc sỹ Hoàng Việt hỏi thăm, thì chỉ nhận được cái lắc đầu. Phải nhờ đến cán bộ Hội Cựu chiến binh xã Phước Vinh, chúng tôi mới tìm được một người còn biết về lịch sử Trảng Còng. Đó là ông Đinh Văn Hòa, Bí thư ấp 1, xã Phước Vinh.

Ngôi nhà của ông Đinh Văn Hòa nằm giữa bạt ngàn những vạt rừng cao su chưa đầy 20 tuổi. Nhắc đến địa danh Trảng Còng, ông Hòa kể trong nỗi bồi hồi: "Khi ông lớn lên thì Trảng Còng đã có tự bao giờ. Đó là một vùng đất thấp có nước, là nơi sinh sống của rất nhiều cây còng. Cây còng là loại cây thân gỗ bên trong có lõi, nếu là cây lâu năm thân khá to, vừa một vòng tay người ôm. Người dân thường dùng cây còng non làm cán cuốc, hoặc làm nhà. Cây có trái mọc từng chùm, ăn tựa như trái chùm đuông." Vì sao có tên Trảng Còng thì ông Hòa không biết, chỉ biết rằng, cái vùng đất lập lên Trảng Còng là như thế.

Xã hội - Tiết lộ thú vị về địa danh Trảng Còng trong ca khúc 'Lên ngàn'

Ông Đinh Văn Hòa dõi mắt về phía rừng cao su vốn là Trảng Còng xưa.

Câu chuyện về sự ra đời ca khúc "Lên ngàn" của nhạc sĩ Hoàng Việt gắn với địa danh Trảng Còng thì ông Hòa không được tận mắt chứng kiến. Vì, năm đó, ông chưa ra đời. Thế nhưng, ông Hòa là người sinh ra và lớn lên gần bên Trảng Còng, nên rất rành về vùng đất này. Ông thường nghe những người già kể lại về một Trảng Còng gắn liền với thời kỳ đấu tranh chống giặc giữ nước đầy khó khăn, gian khổ của quân và dân ta. Ông Hòa được nghe người lớn tuổi trong làng kể lại rằng, "Lên ngàn" của nhạc sĩ Hoàng Việt ra đời ở đây, trong bối cảnh trận lụt lịch sử năm Nhâm Thìn (1952).

Ông Hòa tâm sự: "Năm 1951, Ủy ban Kháng chiến tỉnh Gia Định Ninh (cũ) thành lập căn cứ kháng chiến ở khu vực này và lên Trảng Còng khai hoang trồng lúa. Năm Nhâm Thìn (1952), một trận lụt lịch sử diễn ra ở nhiều tỉnh Nam bộ, trong đó có Tây Ninh. Nước lên cao, ngập hết cả cánh đồng lúa đang vào mùa thu hoạch, khiến cuộc sống kháng chiến ở miền Đông Nam Bộ càng gian khó hơn. Khi ấy, nhạc sĩ Hoàng Việt lên công tác tại xã Tà Băng (tức xã Phước Vinh bây giờ). Hoàng Việt ở nhà của một người cán bộ cách mạng. Người cán bộ này đi kháng chiến xa nhà, chỉ có người vợ ở nhà, lên Trảng Còng phát rẫy tỉa lúa. Trảng Còng lúc bấy giờ nằm bên cạnh một con suối. Mưa lớn cộng thêm với nước từ sông Vàm Cỏ Đông đổ về làm ngập hết cả cánh đồng lúa Trảng Còng đang vào mùa thu hoạch...".

Nhạc sĩ Hoàng Việt ngồi trên xuồng của vợ người cán bộ mà ông ở trọ, theo đoàn dân quân đi thu hoạch lúa. Cảm động trước hình ảnh gian khổ của người phụ nữ thời kháng chiến khi chồng đi công tác xa nhà, mọi việc đều tự tay lo liệu, nhạc sĩ đã sáng tác ca khúc "Lên ngàn". Trong đó có đoạn hết sức xúc động và giàu hình ảnh như: "Hò ơi! Dòng sông chảy xiết lái thuyền chèo đi trên sông Vàm Cỏ Đông. Nước chảy ngược dòng. Nước chảy ngược dòng, hò ơi! Em chèo thuyền đi lên rẫy Trảng Còng cắt lúa thay chồng, thay chồng nuôi con." Và, đoạn kết rất lạc quan: "Em đi cắt lúa trên ngàn, còn anh chiến đấu sa Tràng. Kháng chiến nhất quyết thành công. Kháng chiến nhất quyết thành công. Anh về em thỏa ước mong...".

Xã hội - Tiết lộ thú vị về địa danh Trảng Còng trong ca khúc 'Lên ngàn' (Hình 2).

Đường vào Trảng Còng.

Trảng Còng chỉ còn trong lời bài hát

Khi chúng tôi thắc mắc cây còng là loại cây như thế nào? Ông Đinh Văn Hòa cười bảo: "Giờ chú có tả các cháu cũng không hình dung được. Lớp trẻ ở đây giờ cũng không biết cây còng là cây như thế nào. Vì khắp vùng này từ lâu đã không còn thấy bóng dáng cây còng nào nữa. Cây còng là cây sống tự nhiên, không biết có giá trị kinh tế gì không nhưng cây cao su thì có".

Ông Hòa giải thích: "Mấy mươi năm trước, nơi đây từng là một vùng đất trảng rộng lớn, có nhiều cây còng. Nhưng từ những năm sau giải phóng, người dân trong vùng và những người đi kinh tế mới lên đã bắt đầu phá bỏ những cây rừng để làm rẫy. Từ những năm 1985 - 1986, có nhiều người đến mua đất vùng này rồi ủi đất lấp trảng, nâng cao mặt bằng để trồng cao su. Cây còng đã bị triệt hạ đến ... tuyệt chủng. Vì vậy, bây giờ còn rất ít người biết nơi đây là địa danh Trảng Còng xưa. Bây giờ, chúng tôi chỉ gọi đây là trảng cao su". Nói rồi ông Hòa bồi hồi kể tiếp: "Ngày xưa, nơi đây bạt ngàn là đất rừng, cây rừng không. Ngay cả đường đi cũng không có mà chỉ có những con đường mòn nhỏ. Thế nhưng đến bây giờ, nơi này chỉ còn cây cao su thôi".

Chúng tôi theo ông Hòa vào nơi là Trảng Còng năm xưa. Từ nhà ông, xuyên qua cánh rừng cao su khoảng 400m là đến Trảng Còng. Nhìn đến ngút mắt chỉ thấy những thân cao su đều tăm tắp, lên cao quá đầu và cỏ tranh mọc bên cạnh con mương giữ nước. Tìm mỏi mắt cũng không thấy bóng dáng cây còng nào cả. Càng không thấy dấu tích nào về một thời kháng chiến anh dũng, gian khó của quân dân miền Đông Nam Bộ. Ông Hòa chỉ về phía cống nước cho biết: "Khi xưa nơi đó chính là con suối nằm cập bên Trảng Còng. Ngày nay, người ta móc đất lên thành con mương nhỏ để giữ nước cho rừng cao su". Và, ông Hòa phân trần: "Chính tôi cũng không biết lý do vì sao cây còng "tuyệt chủng"!?.

Đề cập đến chuyện Trảng Còng giờ đã hoàn toàn bị xóa sổ, ngay lớp người trẻ trong xã cũng ngơ ngác khi được hỏi về Trảng Còng, ông Hòa tỏ vẻ luyến tiếc: "Trảng Còng bây giờ không còn dấu tích nào của cây còng nữa. Cũng không có một cái bia tưởng niệm hay bảng chỉ dẫn để cho các thế hệ sau còn nhớ đến và biết được nơi này trước đây là Trảng Còng. Là địa danh lịch sử kháng chiến của người dân xã Phước Vinh. Là nơi ra đời bài hát "Lên ngàn", đi cùng năm tháng của nhạc sĩ Hoàng Việt. Điều này thật đáng tiếc".

Lên Trảng Còng, nghe chuyện về Trảng Còng, mới thấy thấm thía câu ngợi ca "miền Đông gian lao mà anh dũng". Mới thấy hết nỗi xót xa, nhưng bi hùng trong từng lời của ca khúc: "Nước ngập đồng xanh lúa chết. Gió mưa sập đổ mái nhà. Bao nhiêu gia đình tan hoang. Đau thương lệ rơi chứa chan. Em đi cắt lúa trên ngàn, rẫy trên ngàn nắng chiều chang chang. Đường đi nước ngập mênh mang bàn chân dẫm gai lòng không thở than. Người dân dưới ruộng lên ngàn tìm lúa đổ bao mồ hôi. Gánh về từng hạt lúa vàng cùng nhau chung sức căm thù giết Tây".

Rời Trảng Còng, ra khỏi con đường đất đỏ lầy lội của ấp 1, chúng tôi nhìn lại chỉ thấy một màu xanh bất tận của rừng cao su. Phước Vinh bây giờ đã đổi thay nhiều. Có lẽ sau trận lụt lịch sử năm ấy, người dân không lần nào phải chèo xuồng đi cắt lúa trong mùa lũ nữa nên giờ đây, những người già nghe bài hát "Lên ngàn" còn hồi tưởng được về một Trảng Còng xa xưa chứ lớp trẻ thì không. Nhiều thanh niên đã tự hỏi:Trảng Còng ở đâu khi mà đến Phước Vinh, nhiều người không biết.

Hương Lam - Hoa Nguyên