'Tình dục là nguyên nhân chính gây ra sự khổ đau'

'Tình dục là nguyên nhân chính gây ra sự khổ đau'

Chủ nhật, 11/08/2013 | 18:32
0
Ký giả Simon Alev của tờ "Giác ngộ là gì" (What is Enlightenment) của Hoa Kỳ phỏng vấn một nhà sư Tích Lan, ngài Bhante Gunaratana về chủ đề Phật giáo và tình dục.

Những người am tường Phật giáo đều hiểu rằng Đức Phật chủ trương một lối sống xa rời thế tục ; và hôm nay đây, ngài là một trong số những người đã hy sinh rất nhiều thì giờ và sinh lực để quảng bá truyền thống tu tập ấy vào thế giới Tây phương. Vì lý do nào Đức Phật đã đặt nặng vấn đề trinh bạch của người tu hành ? Tại sao Đức Phật lại xem điều đó quan trọng đến thế?

Thiền++ - 'Tình dục là nguyên nhân chính gây ra sự khổ đau'

Ngài Bhante Gunaratana. Ảnh: Theravada

Bhante Gunaratana: Bởi vì bất cứ ai muốn giải thoát khỏi dukkha, tức là khỏi khổ đau, thì phải tuân thủ một số nguyên tắc đạo đức nào đó. Thật ra thì bất cứ ai muốn chọn cuộc sống của người tu hành đều phải giữ sự trinh bạch. Nếu như còn tiếp tục lăn lộn trong mọi thứ sinh hoạt tình dục thì họ có khác gì đâu với những người thế tục, họ sẽ luôn luôn bị vướng mắc vào vô số những rối rắm liên quan đến tình dục.

Bất cứ ai khao khát cuộc sống của người tu hành đều phải chọn cho mình một lối sống đơn sơ – và cũng chính vì lý do đó mà các truyền thống tu tập đã được hình thành – vì khi suy xét thật cẩn thận chúng ta sẽ nhận thấy chỉ khi nào loại bỏ được mọi ham muốn vô độ, dục vọng và thèm khát thì khi đó mới có thể tự giải thoát cho mình khỏi khổ đau.

Nếu đã quyết tâm muốn vượt lên trên mọi khổ đau thì phải loại bỏ nguyên nhân của chúng, và sự ham muốn tình dục là một trong những nguyên nhân nhất thiết sẽ mang lại khổ đau. Nếu muốn chọn một cuộc sống nơi tu viện thì phải chế ngự được sự ham muốn tình dục vì tu viện không phải là nơi nuôi dưỡng những gì có thể làm phát sinh ra sự thèm khát tình dục.

Như thế thì trường hợp một người không xuất gia, tức một người thế tục sẽ khó tuân thủ sự trinh bạch, có thể nói là không thể nào thực hiện được ?

Kể cả những người thế tục cũng cần phải có một cuộc sống kỷ cương ; họ phải biết tự kìm hãm trong một khuôn phép nào đó. Chính vì thế đã có những giới luật dành riêng cho họ. Tuy nhiên không bắt buộc những người bình thường cũng phải tôn trọng sự trinh bạch. Dù sao thì người thế tục cũng chỉ có thể đạt được giác ngộ trong một cấp bậc nào đó mà thôi – đây là trường hợp mà chúng tôi gọi chung là những người đã "bước vào dòng luân chuyển" nhưng sau đó "lại quay trở về chốn cũ" – chẳng qua vì họ không đủ sức nhận thấy những liên lụy phát sinh từ tình dục.

Tuy thế cũng có những người thế tục đã đạt được cấp bậc thánh thiện thứ ba, tức là "thể dạng không còn quay trở lại". Một thời gian ngắn sau khi đã bước vào con đường đó thì người thế tục sẽ nhận thấy qua kinh nghiệm và nhận xét của chính mình là những liên lụy với tình dục nhất định sẽ tạo ra cho họ thật nhiều khó khăn trên đường tu tập, và khi đã ý thức được điều đó thì họ sẽ tự động xa lánh những hành vi dục tính.

Sự giữ gìn trinh bạch là một thứ gì mà người ta không thể nào áp đặt bằng sức mạnh được.

Nếu có thể thì xin ngài hãy trình bày cặn kẽ hơn về các chi tiết cho thấy tại sao phải vượt lên trên tình dục mới có thể thăng tiến trên đường tu tập tâm linh.

Bởi vì khi nào còn vướng mắc trong đó, tâm thức ta sẽ luôn luôn bị quấy nhiễu, sẽ rơi vào u tối và hoang mang. Ta sẽ ngụp lặn trong ghen tuông, lo sợ, hận thù, căng thẳng, và những thứ đó sẽ tiếp tục lôi kéo những thứ khác nữa – tóm lại là tất cả những khó khăn phát sinh từ sự ham muốn tình dục. Vậy nếu muốn tự giải thoát khỏi những thứ ấy, trước hết phải loại bỏ những thèm khát tình dục.

Dù sao cũng có một số người không thích các chữ như "loại bỏ" mà chỉ thích dùng những chữ như "vượt lên trên" hay "biến cải". Nói như thế cũng đúng, vì ta có thể biến cải sự thèm khát tình dục thành không-còn-thèm-khát tình dục !

Tuy nhiên căn cứ theo những gì ngài vừa trình bày thì phải nói là sự loại bỏ mọi ham muốn tình dục thì mới đúng, có phải như thế hay chăng?

Đúng như vậy. Tuy nhiên khi nói là "loại bỏ" thì quá mạnh, quá tiêu cực và người ta thường tự hỏi "làm sao tôi có đủ sức để loại bỏ một thứ gì đó? . Trong khi ấy, nếu ta nói "hãy biến cải nó thành một thứ gì khác", thì họ sẽ chấp nhận một cách dễ dàng hơn. (Còn tiếp).

Về vấn đề tình dục trong các tôn giáo

Hầu hết các tôn giáo lớn của nhân loại đều bị ám ảnh ít nhiều bởi vấn đề tình dục. Sự ám ảnh đó chi phối và ảnh hưởng đến các sinh hoạt trong xã hội, các thói tục trong dân gian và có thể cả nền văn hóa của một dân tộc. Riêng đối với Phật giáo thì vấn đề tình dục không được nhắc nhở đến nhiều, không có mấy kinh sách đề cập thẳng đến vấn đề này. Sự yên lặng đó hình như đã chứng tỏ quan điểm hết sức hiển nhiên và tất yếu của giáo lý nhà Phật, không có gì phải bàn cãi hay luận bàn thêm.

Một cách đơn giản, đối với Phật giáo, tình dục là một trong những nguyên nhân và nguồn gốc mang lại si mê, trói buộc và khổ đau.

Ngài Bhante Gunaratana sinh năm 1927 tại Tích Lan (Sri Lanka), thụ phong sa-di lúc vừa được 12 tuổi. Năm 1947, ngài được Hội Maha Bhodi gởi sang Ấn độ chăm lo cho những người thuộc tầng lớp tiện dân sống trong các vùng đô thị lớn như New Dehli và Bombay. Năm năm sau thì ngài lại được gởi sang Mã Lai để giảng dạy Phật pháp và đã lưu lại quốc gia này trong suốt mười năm.

Đến năm 1968 ngài lại được cử sang Mỹ giữ chức vụ Tổng thư ký của Hội Buddhist Vihara tại Washington DC và giảng dạy Phật pháp cho các đại học Mỹ, nhưng về sau thì có một số các đại học khác ở Gia nã đại, Úc châu và Âu châu biết đến và cũng đã mời ngài thuyết giảng.

Hiện nay ngài giữ chức vụ chủ tịch Hội Bhavana, đồng thời cũng là viện trưởng trụ trì Tu viện Shenandoah Valley. Ngài phụ trách giảng dạy về thiền và hướng dẫn các khóa ẩn cư cho tu viện, học viên đến từ khắp nơi trên thế giới.

Ngài viết nhiều sách rất nổi tiếng, một trong những quyển được biết nhiều nhất là quyển "Hành thiền hằng ngày", đây là một trong những quyển sách tốt nhất hướng dẩn về thiền Vipassana.

Diệp Thanh (lược dịch, tổng hợp theo tư liệu nước ngoài)

Chính trị gia Nhật Bản ủng hộ nô lệ tình dục trong quân đội

Thứ 3, 14/05/2013 | 17:01
Thị trưởng của Osaka Toru Hashimoto đang gây ra một làn sóng tranh cãi khi cho rằng việc sử dụng nô lệ tình dục trong thời kỳ chiến tranh là cần thiết cho những người lính, khi họ đang dũng cảm mạo hiểm cuộc sống trên chiến trường.

Sự thật về ‘siêu vi khuẩn tình dục’ nguy hiểm hơn AIDS

Thứ 5, 09/05/2013 | 07:24
Các nhà khoa học khẳng định, siêu vi khuẩn gây bệnh lậu kháng thuốc kháng sinh thực sự là vấn đề nghiêm trọng với y tế công cộng nhưng việc so sánh nó với căn bệnh thế kỷ AIDS là hoàn toàn thiếu chính xác.