Tình người sau những chuyến xe SOS “giành giật sự sống với tử thần” của chàng thanh niên tuổi đôi mươi

HOÀNG VIỆT.

Lê Anh Tuấn, SN 1997, ngụ phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương trở thành gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu, một trong 10 cá nhân nhận Giải thưởng “Tình nguyện Quốc gia” năm 2019 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Chương trình Tình nguyện Liên Hợp Quốc (UNV) tổ chức, tôn vinh những tập thể, cá nhân có cống hiến và thành tích xuất sắc trong công tác tình nguyện vì cộng đồng, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chàng thanh niên này đã có hơn 400 chuyến xe cấp cứu miễn phí, giúp nhiều nạn nhân thoát lưỡi hái tử thần.

Những chuyến xe cứu thương mùa dịch

Giữa mùa dịch bệnh những chuyến xe SOS của anh vẫn không nghỉ. Với Tuấn, cuộc sống của anh rất đơn giản, hàng ngày ra chợ bán rau cùng ba mẹ, tối đến ôm chiếc điện thoại “nóng” sẵn sàng chạy xe ô tô đưa nạn nhân bị tai nạn giao thông đi cấp cứu. Tuấn tâm niệm mình làm việc bởi cái tâm và làm thiện, tích đức theo lời ba anh dạy.

Sau khi vinh dự nhận được giải thưởng, bằng khen từ Trung ương, Tuấn lại quay về đóng vai “hiệp sĩ bóng đêm” bình dị. Với anh, được tặng thưởng là vinh dự và động lực để anh phấn đấu làm tốt công việc hơn nữa. “nhiều người đã biết đến mình thì mình lại càng vì mọi người hơn nữa”, Tuấn chia sẻ.

Tuấn cho biết: “Trước thời điểm toàn xã hội tự cách ly theo chỉ thị thì em còn lái xe đi lòng vòng trong bán kính 10km để phát hiện ai bị nạn thì kịp thời đưa đến bệnh viện nhanh hơn. Tuy nhiên, thời gian này em chỉ ở nhà nhận cuộc gọi. Sau khi đưa nạn nhân tới bệnh viện, làm xong thủ tục em quay về nhà”. Để đảm bảo an toàn cho mình và những người xung quanh, Tuấn tự trang bị cho mình đầy đủ các thiết bị bảo hộ y tế để phòng ngừa dịch bệnh. Trong xe Tuấn luôn chuẩn bị 2 bộ quần áo bảo hộ y tế, găng tay, mũ nón, khẩu trang y tế.

Cứ tưởng hạn chế người dân ra đường, xe cộ ít đi, đường thông thoáng sẽ ít có tai nạn giao thông xảy ra. Ấy vậy mà điện thoại Tuấn vẫn đổ chuông thường xuyên. Ngày đầu tiên thực hiện cách ly toàn xã hội, 22h ngày đêm 1/4, Tuấn nhận được tin báo vụ tai nạn trên đường Huỳnh Văn Lũy, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một. Khoác chiếc áo bảo hộ lên người, Tuấn lái xe đến ngay địa điểm tai nạn giao thông.

Vụ tai nạn khiến cặp đôi nam nữ bị thương khá nặng. Sau khi đưa nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu, điện thoại Tuấn lại báo có thêm vụ tai nạn khác trên TP.Thủ Dầu Một. Cứ thế Tuấn lại tiếp tục hành trình…

Từ một lần chứng kiến tai nạn giao thông trở thành “người vận chuyển”

video-1586767942

Cơ duyên đến với “nghề” của Tuấn rất đỗi “tình cờ”. Năm 2018, khi đang cùng đội SOS Bình Dương cùng chi đoàn phường tổ chức phong trào thanh niên tình nguyện, mang nước uống, khăn lạnh miễn phí cho người đi đường giữa mùa nắng nóng. Anh em đội SOS nhận được cuộc gọi từ người dân cần hỗ trợ vận chuyển đưa nạn nhân bị tai nạn giao thông trên đường cao tốc Mỹ Phước – Tân Vạn (địa phận TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Ngay lập tức Tuấn cùng một số đoàn viên khác lên xe đến hỗ trợ.

Thời điểm đó, quan điểm của Tuấn cùng đội SOS “Bạn hữu đường xa” tỉnh Bình Dương là cố gắng làm sao để hỗ trợ, đưa những nạn nhân bị nạn đến bệnh viện cấp cứu kịp thời nhằm giữ tính mạng an toàn cho họ. Tuy nhiên, không phải ca tai nạn nào nạn nhân cũng được đưa đi cấp cứu kịp thời, thành công… Đôi khi Tuấn và anh em đến nơi thì đã quá muộn. Điều này không thể khác, khi nhóm SOS chỉ có xe máy làm phương tiện, ca nào chấn thương gãy tay, gãy chân thì mới hỗ trợ đưa đi ngay được.

Trong một lần đến hiện trường đưa nạn nhân đi cấp cứu, hình ảnh một thanh niên dập nát hai chân, mắc kẹt dưới gầm ô tô, mất nhiều máu đập vào mắt Tuấn. Sau khi được mọi người hỗ trợ đưa ra ngoài và đi cấp cứu nạn nhân đã không qua khỏi.

Chứng kiến người thân đau đớn bên thi thể người thanh niên ấy, Tuấn như thấy mình có lỗi vì đã không giúp đưa nạn nhân đến bệnh viện sớm hơn. Sau vụ tai nạn đó, Tuấn ám ảnh và suy nghĩ nhiều ngày. Tuấn nảy sinh ý định dùng chiếc xe du lịch 12 chỗ của ba anh để vận chuyển cấp cứu. Đây là phương tiện làm ăn của ba anh nuôi sống cả gia đình những năm trước. Thời gian gần đây do ba sức yếu nên chiếc xe bỏ không trước sân.

Những kỷ niệm không quên về “nghề”

Những ngày đầu mới vào “nghề”, Tuấn nhờ các y, bác sĩ ở bệnh viện hướng dẫn cách sơ cứu tạm thời hoặc xử lý cho bệnh nhân trước khi đưa đến viện cấp cứu. Tuấn cũng tự bảo hộ y tế cho mình đầy đủ để khi tiếp xúc những ca chấn thương được an toàn. Sau này phường biết công việc của Tuấn nên họ cũng cho Tuấn đi học thêm một lớp nghiệp vụ sơ cứu y tế. Giờ đây Tuấn có thể thao tác thuần thục sơ cứu, băng bó cho người bị nạn. Trong xe cứu thương miễn phí, Tuấn luôn chuẩn bị hộp dụng cụ dùng để sơ cứu để sử dụng cho người gặp nạn.

Có những kỷ niệm “đáng nhớ” mà cho đến bây giờ Tuấn còn “ấn tượng” mãi. Đó là có lần Tuấn suýt “bị đánh”, khi đưa nạn nhân bị tai nạn giao thông đi cấp cứu vào ngày 29/7/2018. Khoảng 2h sáng hôm đó, Tuấn nhận cuộc gọi xin hỗ trợ cấp cứu hai nạn nhân bị tai nạn trên quốc lộ 13, khu vực TP.Mới Bình Dương, Tuấn lập tức lên xe đến hiện trường.

Sau khoảng 20 phút Tuấn mới được địa điểm báo tin và nhanh chóng đưa người bị nạn đi cấp cứu. Ấy vậy, có những người tại hiện trường vẫn tỏ thái độ khó chịu, thậm chí lớn tiếng la “tại sao xe đến muộn”. Chưa hết, sau khi đưa nạn nhân đến bệnh viện, khi Tuấn đang chờ ở phòng cấp cứu, đột nhiên vài người quen của nạn nhân xông vào, cầm lấy cổ áo Tuấn đòi đánh. Hóa ra họ “nhầm” vì tưởng Tuấn là người gây tai nạn. Tuấn cũng thông cảm cho họ vì biết lúc đó họ cũng rất hoảng loạn, lo lắng.

Tuấn chia sẻ: “Nhiều ca cấp cứu do em nhận được tin muộn, nên khi tới nơi đã trễ, nạn nhân mất máu nhiều, không cứu được. Em thấy buồn và cảm giác có lỗi, hình như mình vừa thất bại trong công việc đó”. Rút kinh nghiệm, mỗi khi nhận tin báo cấp cứu những ca ở xa Tuấn trên 20 cây số, Tuấn gửi số điện thoại và hướng dẫn người bị nạn liên hệ trung tâm y tế gần nhất, để kịp thời cấp cứu.

Tuấn cho biết, công việc vận chuyển cấp cứu này nhiều lúc rất nguy hiểm. Đó là việc di chuyển nhanh trên đường để kịp đưa nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu, trong khi ý thức giao thông của người dân chưa tốt. Thêm vào đó, vất vả nhất là gặp phải những ca nhậu xỉn, họ mất kiểm soát kể cả nạn nhân và người thân của họ. Ngoài ra, do đa số người dân sử dụng điện thoại thông minh khóa màn hình, nhiều trường hợp rất khó khăn khi liên hệ với người thân nạn nhân, bởi không mở được khóa điện thoại.

Ngày bán rau tối lái xe cấp cứu

Để có chi phí trang trải cho cuộc sống và xăng xe đi lại, hàng ngày Tuấn phụ giúp ba mẹ buôn bán rau củ ngoài chợ TP.Thủ Dầu Một. Thương con ba mẹ Tuấn động viên con cố gắng giữ sức khỏe và cẩn thận: “Nó chạy xe cả đêm mất ngủ, sáng ra tôi cũng để nó ngủ nướng thêm chút”, mẹ Tuấn nói. Được biết, thường ngày cứ tờ mờ sáng Tuấn xuống chợ đầu mối lấy rau củ về, mang ra chợ cho ba mẹ, sau đó mới về nhà nghỉ. Khoảng 3h-4h chiều Tuấn lại ra chợ phụ mẹ bán hàng đến tối là bắt đầu lái xe chạy SOS.

Sau này khi nhiều người biết đến việc làm của Tuấn, một số mạnh thường quân muốn giúp đỡ về tài chính. Tuy nhiên Tuấn đều từ chối, bởi theo anh, việc làm này xuất phát từ cái tâm nên có sao làm vậy. Nhiều lúc người nhà nạn nhân tỏ lòng cảm ơn, hậu tạ nhưng nhất quyết Tuấn từ chối.

Thời gian cứ vậy, đã 3 năm Tuấn gắn mình với công việc SOS đưa người bị tai nạn giao thông đi cấp cứu. Chứng kiến hàng trăm vụ tai nạn, Tuấn rất buồn khi thống kê rằng, tai nạn giao thông xảy ra vào dịp cuối tuần rất nhiều, nhất là những ngày lễ, tiệc tùng liên hoan. Và cứ 10 ca bị tai nạn thì trong đó 9 ca có sử dụng rượu bia.

“Họ không nghĩ ở nhà đang có vợ con, người thân mong ngóng mà cứ ham vui và thể hiện. Đến khi nằm một chỗ không biết gì, họ đâu thấy người thân, gia đình đang đau đớn gào khóc”, giọng buồn rầu Tuấn nói.

Tạm gác lại chuyện “nghề”, PV hỏi Tuấn về chuyện tình yêu và có dự tình gì cho tương lai. Tuấn cười bảo: “Em có bạn gái nhưng cô ấy cũng đi làm suốt, hai đứa nhiều lúc thấy buồn vì ít được ở bên nhau. Nhưng phải thông cảm và chia sẽ cho nhau thôi. Bọn em chưa “tính” gì, tại đang còn trẻ, em thì muốn làm việc xã hội thêm nữa. Trước mắt là cố gắng làm việc để có tiền mua được chiếc xe mới hiện đại, đầy đủ trang thiết bị hơn để chạy cấp cứu.

Nhận xét về công việc làm của Tuấn, ông Trịnh Văn Chương, Trưởng khu phố 8, phường Hiệp Thành cho biết: “Chính quyền biết, và động viên việc làm của anh Lê Anh Tuấn, chúng tôi cho rằng đây là công việc ý nghĩa, giúp dân. Tuấn là thanh niên trẻ mà đã có những việc làm thiện thiện nguyện ý nghĩa như vậy, chúng tôi rất khuyến khích và tự hào”.

Bà Nguyễn Thị Nụ, quê tỉnh Thanh Hóa, có con làm công nhân tại tỉnh Bình Dương không may bị tai nạn giao thông trong đêm, may mắn được Tuấn vận chuyển đưa đi cấp cứu nên nạn nhân được cứu sống, bà Nụ cho biết: “Ở đời có những người tốt quá, cậu ấy còn trẻ mà đi làm công việc giúp gười không một chút đăn đo, thật hiếm có. Con tôi và gia đình mang ơn cậu ấy, không biết lấy gì báo đáp”.

H.V