Tình người trong phiên xử U60 vung dao đoạt mạng tình địch

Tư Viễn

Vừa bước xuống xe thùng, Đỗ Khắc Phong đã dáo dác tìm hình bóng người thân nhưng không thấy. Thay vào đó, những ánh mắt căm phẫn từ phía người nhà bị hại như ngọn lửa muốn thiêu rụi kẻ hung ác. Phong giật mình, cúi đầu, lê vội bước chân vào phòng xử án dưới sự giám sát của các đồng chí cảnh sát.

Kết cục bi thảm của mối tình già nơi đất khách

Với trình độ học vấn chỉ đến lớp 4/12, không nghề nghiệp, lại cáng đáng trọng trách nuôi các con ăn học, Đỗ Khắc Phong (SN 1967, trú tại thị trấn Thanh Ba, tình Phú Thọ) bàn với vợ phải xuống Thủ đô, may ra mới đổi đời, có tiền trang trải cuộc sống. Dẫu biết để chồng 1 mình lang bạt nơi đất khách, nhiều cạm bẫy, song vì tương lai của các con, bà Phạm Thị Thắm (SN 1971, vợ Phong) cũng đành chấp nhận để chồng khăn gói lên đường.

May mắn thay, khi xuống Hà Nội, Phong xin được vào làm bảo vệ tại siêu thị Vinmax ở trên phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Những tháng đầu tiên, người đàn ông ngoài 50 tích góp, nhịn ăn, nhịn mặc để có 1 khoản kha khá gửi về quê cho vợ con.

Bị cáo Đỗ Khắc Phong tại tòa.

Thế rồi, thời gian thấm thoát thoi đưa, tiền Phong gửi về không còn đều đặn và không còn được nhiều như trước. Chưa kể, những cuộc gọi về hỏi thăm vợ con cũng thưa dần, có lúc gấp gáp rồi tắt máy. Linh tính của người vợ mách bảo có điều gì đó khuất tất. Trong 1 lần xuống thăm chồng đột xuất, qua hỏi thăm, bà Thắm tá hỏa khi biết Phong có người phụ nữ khác, thậm chí cả hai người đã dọn về chung sống với nhau như vợ chồng trong suốt 1 thời gian dài mà người thân không ai hay biết.

Qua tìm hiểu, bà Thắm biết được người phụ nữ kia tên là Nguyễn Thị T. (SN 1967, ở xã Hòa Tiến, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) và cũng đã có chồng con ở quê nhà.

Quyết giữ lấy gia đình, giữ bố cho 2 con, bà Thắm và người thân ra sức can ngăn, khuyên nhủ, cuối cùng Phong và người thứ ba cũng cam kết sẽ “đường ai nấy đi”. Thực tế, mặc dù chia tay với bà T. nhưng 2 người vẫn thường xuyên liên lạc qua điện thoại.

Mối tình vụng trộm này rồi không biết sẽ đi về đâu, cho tới 1 ngày… Phát hiện người tình đang hạnh phúc bên người đàn ông khác cùng quê Thái Bình, tên Phạm Ngọc H. (SN 1954), Phong cho rằng bà T. phản bội mình, trong cơn ghen tình, Phong nảy sinh ý định đánh ông H. và bà T. để trả thù.

Khoảng 20h10 ngày 04/6/2019, Phong mang theo 2 con dao nhọn đến chỗ ông H. và bà T. thuê trọ ở phường Khương Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội.

Vừa tới nơi, Phong bắt gặp ngay cảnh ông H. chở bà T. về nhà, hắn lạnh lùng tiến tới chỗ ông H., rút dao tấn công tình địch. Ông H. bỏ chạy được 1 đoạn thì ngất xỉu.

“Xử” xong tình địch, Phong mặt lạnh như tiền rút ra con dao thứ hai tiến về phía bà T. đang “mặt cắt không còn giọt máu”, lạnh lùng nói: “Tại sao mày phản bội tao, mày muốn chết không?”.

Bà T. mặt tái nhợt, lắp bắp nói: “Anh đừng làm thế, anh đừng đâm em, em xin anh”, đồng thời dùng tay giằng con dao trên tay Phong nên bị dao cứa vào tay chảy máu. Trong lúc giằng co, Phong cũng vung dao làm rách miệng người tình. Trước những lời van xin khẩn thiết của bà T., Phong dừng tay và lên xe bỏ đi.

Về phần ông H., mặc dù được người dân đưa đi cấp cứu, song vì thương tích quá nặng, ông H. đã không qua khỏi.

Ngay sau đó, Phong nhanh chóng bị công an bắt giữ về hành vi nguy hiểm cho xã hội. Sau khi hoàn tất hồ sơ, 1 ngày đầu tháng 6/2020, Đỗ Khắc Phong bị TAND TP.Hà Nội đưa ra xét xử về tội Giết người.

Tình người sót lại chốn công đường

Giữ quyền công tố tại phiên tòa, vị đại diện VKSND TP.Hà Nội nhận định hành vi của bị cáo là hết sức côn đồ; chỉ vì lòng ích kỷ, cộc cằn, bị cáo đã tước đoạt tính mạng của 1 người không quen biết. Hành vi của bị cáo không chỉ gây đau thương cho gia đình nạn nhân mà còn gây bức xúc, phẫn nộ trong quần chúng nhân dân. Do vậy, VKS đề nghị HĐXX áp dụng mức án cao nhất đối với bị cáo Đỗ Khắc Phong là tử hình.

Trước khi phiên tòa sơ thẩm được mở, trong nỗi đau đớn, uất ức đến tột cùng khi mất đi người thân, gia đình bị hại đã có đơn đề nghị TAND TP.Hà Nội xử phạt bị cáo Đỗ Khắc Phong mức án nghiêm khắc nhất cũng như phải có trách nhiệm bồi thường một phần thiệt hại cho gia đình.

Tại công đường, khi nghe chủ tọa hỏi “Gia đình bị cáo có ai đến tham dự phiên tòa ngày hôm nay hay không?” – Phong buồn rầu trả lời HĐXX; “Dạ không có ai ạ”.

Theo quan sát của PV, ngồi túm tụm cùng một bên trong phòng xử đều người nhà bị hại. Nghe HĐXX hỏi bị cáo, họ quay sang nhìn nhau, lắc đầu ngao ngán. Vào những giây phút khốn khổ nhất, không có người thân nào bên cạnh, có lẽ đó đã là sự trừng phạt đau đớn nhất dành cho bị cáo.

Sau một hồi xì xào, thống nhất nhanh ý kiến, 1 người đại diện cho phía bị hại đã đứng lên xin rút lại đề nghị lúc trước của gia đình. Người này nói: “Sau khi trao đổi, gia đình chúng tôi không yêu cầu bị cáo phải bồi thường cũng như xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Cho bị cáo được sống quãng đời còn lại trong tù cũng đủ để bị cáo ăn năn, sám hối về tội ác mà mình gây ra”.

Giọng khàn đặc, hai má hóp lại để lộ ra đôi mắt trố, thâm quầng, Đỗ Khắc Phong chỉ còn biết gửi lời xin lỗi tới gia đình ông H. Lúc này, bị cáo có sám hối, ân hận về việc làm của mình thì cũng đã quá muộn.

Căn cứ vào lời khai nhận tội của bị cáo cùng các tài liệu, chứng cứ thu thập được trong hồ sơ vụ án, tòa sơ thẩm nhận định hành vi của bị cáo Đỗ Khắc Phong là đặc biệt nghiêm trọng, trực tiếp tước đoạt tính mạng người khác một cách trái pháp luật, thể hiện tính côn đồ, gây bất bình trong quần chúng nhân dân, cần thiết phải loại bỏ vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội.

Vì các lẽ trên, sau khi nghị án, TAND TP.Hà Nội quyết định tuyên phạt Đỗ Khắc Phong mức hình phạt nghiêm khắc nhất là tử hình về tội Giết người.

T.V