Tình nhân hỡi đi đâu mà vội!

Tình nhân hỡi đi đâu mà vội!

Thứ 2, 22/04/2013 | 11:16
0
Sáng nay nghe câu hát ca trù: Tình nhân hỡi đi đâu mà vội! Tôi cười, muốn cười sặc gạch, hay nói như người miền Nam là cười té ghế.

Tôi cười bởi cô ca nương hát lên câu hát đó là cô bé tám tuổi, hàng xóm nhà tôi. Cháu đang tập hát ả đào để tham gia hội diễn dân ca, dân vũ. Cái gương mặt ngây thơ trong sáng, hát lên câu thơ mùi của thi sĩ si tình, trong buổi sáng cuối xuân, ngoài thềm có tiếng chim kêu, hoa lả lơi bay trên giàn kẽm, có thể nói rằng, khu chung cư cũ kỹ nhà tôi ở là một "ốc đảo" giữa Sài thành.

Hẳn nhiên, đi ra khỏi chung cư, qua những quán cà phê, tiệm tạp hóa trong hẻm, qua những quán cơm tấm nghi ngút khói tỏa ra từ lò nướng sườn lộ thiên, tiệm bơm vá xe, cách nhà chỉ ba trăm mét theo đường chim bay, thì tôi gặp ngay một "sa mạc". 

Bạn đang nghĩ  là tôi ngoa ngôn, nhưng thật là một sa mạc, một sa mạc rất dài, ngoằn ngoèo như những con rắn khổng lồ, vươn khắp thành phố, trên sa mạc hàng triệu, hàng triệu con linh dương, lao đi vun vút với tốc độ kinh người, và tất nhiên không bao giờ ngừng chuyển động.

Những con linh dương ít phân khối, nhiều phân khối, được điều khiển bởi đa số những người đàn ông mặc áo sơ mi, có những người khó phân biệt được là đàn ông hay đàn bà, che chắn thân thể  bằng vô khối những biện pháp bảo vệ tia UV, nón bảo hiểm, bèo đồng những túi đằng trước, những đứa con nhỏ đằng sau, đang say sưa ngủ, hay đang say sưa gặm vội bánh mì.

Nếu bạn là người nước ngoài, bạn hẳn sẽ bất lực đứng bên kia đường, đợi cho dòng người dừng lại để bạn qua đường. Nhưng đã là đàn linh dương di cư, bạn đừng mong nó ngừng lại, nó cứ chạy theo bản năng cố hữu như ngàn năm thiên di bất tận. 

Nhiều người lại nói, hẳn ở nước ngoài cũng thế, như các nước có điều kiện tương tự gần Việt Nam. Nhưng tôi đã trải nghiệm rồi, nếu bạn sang đường ở nhưng nơi có vạch qua đường và không có đèn, người Thái Lan sẽ ngừng xe lại cho bạn qua đường, và lúc nào cũng hiệu nghiệm.

Tôi hỏi một bạn người Thái địa phương, tại sao người Thái vội vã bởi nhịp sống công nghiệp mà vẫn lịch sự nhường đường, bạn tôi nói rằng: Người Thái đa số theo đạo Phật, nên không ai cướp đường của ai, vội làm chi, vội vã lắm cũng về đến đích, đích là cõi Niết Bàn. Nghĩ  đến, lại thích thú với câu hát  của ca nương tám tuổi: Tình nhân hỡi đi đâu mà vội.

Xã hội - Tình nhân hỡi đi đâu mà vội!

Ảnh minh họa

Có người nói, thơ xưa hay và lãng mạn. Chắc hẳn các thi sĩ xưa lãng mạn hơn. Nhưng tôi trộm nghĩ, nhịp sống xưa chậm hơn, để hồn mình lắng lại, hít sâu những luồng không khí trong lành, mắt dõi theo những tà áo dài như hoa bay trên phố. Nay thành phố đầy khói bụi xả ra vô tư từ triệu phương tiện dùng xăng hay diesel, đi ra đường không dám thở sâu để tránh những bụi lơ lửng, benzen và NO2 có nguy cơ gây viêm đường hô hấp, và còn đâu những tà áo dài tha thướt, dáng điệu khoan thai, nở nụ cười duyên bên vành nón lá.

Nay chỉ còn những chiếc mũ bảo hiểm lô xô như  một ruộng dưa, với ngàn trái dưa dao động dập dờn theo sóng giao thông. Hiếm lắm mới thấy một vài tà áo dài màu mè, nhưng nó bị buộc chéo tà trên chiếc xe gắn máy, bị nón bảo hiểm thô cứng áp đảo phía trên, găng tay màu be chặn giữa và vô vàn các thiết bị chống nắng khác phá  đi các tổng thể xinh đẹp. Không còn một nụ cười tươi, một dáng như bướm vờn.

Mấy bạn nước ngoài hay hỏi tôi, tại sao ở Việt Nam nhiều xe gắn máy thế, tôi thường trả lời là xe máy nó hợp với đường xá nhỏ hẹp, những con hẻm ngoằn ngoèo của đa số các thành phố không được quy hoạch tốt ở Việt Nam, hợp với cả túi tiền và tiết kiệm nhiên liệu. Nhưng đâu đấy trong ngóc ngách của suy nghĩ, tôi cho rằng xe gắn máy hợp với văn hóa tiểu nông, thích đi thì đi, thích dừng lại thì dừng.

Buổi sáng đi làm đưa con đi học, buổi chiều đi làm về dừng ngay ở chợ cóc độ năm phút, trên xe lúc lỉu các bịch ni lông muôn hình vạn trạng, có chứa đầy đủ các thức ăn cho bữa tối, thật tiện lợi vô cùng. Trong lòng thấy thiêu thiếu dáng mẹ, dáng chị thướt tha trong tà áo dài, khoan thai đi trên đường, xách giỏ đi chợ, thêm một bó hoa loa kèn cầm tay mỗi độ tháng tư qua.

Có bạn nữ lại than phiền với tôi, thành phố Sài Gòn không cho bạn ấy làm phụ nữ. Hay phụ nữ ngày nay ít nữ tính và duyên dáng hơn xưa. Bởi vậy đàn ông ít ga lăng và lịch sự như ngày xưa.

Tôi có ý rằng, hay bạn bớt chút thời gian đi thử một lần xe buýt. Hãy mặc thật đẹp, bới tóc thật xinh, thêm nước hoa hồng lãng mạn, hãy đi nhanh nhẹn duyên dáng hay khoan thai điềm đạm, hãy đứng đợi một chút cho xe buýt đến đón, rồi phương tiện công cộng sẽ đưa bạn đến nơi cần đến.

Bạn ấy lại có hàng ngàn lý do để từ chối xe buýt, nào là bất tiện phải đợi chờ, phải đi bộ hơi xa, nào là người lái xe bất lịch sự hay anh tiếp viên xe buýt khiếm nhã.  Hay giá mà, giá mà xe hơi rẻ hơn nữa, bạn ấy sẽ mua riêng một chiếc, vừa tiện dụng che nắng che mưa,  vừa chủ động lại nhanh nhẹn.

Nói vậy thì thôi. Tôi cũng không buồn nói nữa. Nhưng tôi cũng hát ử hừ: Tình nhân hỡi đi đâu mà vội!                                            

Vũ Văn Song Toàn

'Bố thằng nhà quê'

Thứ 6, 19/04/2013 | 14:55
"Bố thằng nhà quê"! Mình vẫn thỉnh thoảng nghe được những câu như vậy ngày mới lên Hà Nội học. Nghe xong, cười thầm và tự nhủ, thây kệ đời, vì "Bố thằng nhà quê" chắc chắn không nghe được câu đó. Ông mất lâu rồi.

Bài kiểm tra tiếng Anh 0 điểm và lời phê 'lạ'

Thứ 7, 20/04/2013 | 09:15
Mới đây, cộng đồng mạng xôn xao về bài kiểm tra tiếng Anh 0 điểm có phần "ngô nghê" của học sinh lớp 11 cùng với lời phê “lạ” của giáo viên.

Thư gửi mẹ - lời của một thai nhi!

Thứ 6, 19/04/2013 | 09:14
Mẹ thân yêu! Con là con của mẹ. Chắc là mẹ chưa biết con đâu và con chỉ mới chút xíu à, chỉ vài tuần tuổi thôi. Nhưng rồi mẹ sẽ nhận ra sự hiện diện của con trong mẹ.