Tội phạm công nghệ cao là một thách thức lớn

Tội phạm công nghệ cao là một thách thức lớn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Trong khi dư luận đang “nóng rẫy” với những thông tin về khởi tố, bắt khẩn cấp cán bộ thuộc chi nhánh MB24 ở tỉnh Phú Thọ về tội “Trốn thuế” thì những hoạt động của MB24 lại được đưa ra mổ xẻ dưới nhiều góc độ khác nhau.

Khi “lưu manh giả danh trí thức”

Theo ý kiến của không ít chuyên gia pháp lý thì hoạt động kiểu mua, bán này có dấu hiệu của việc Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Việc làm rõ các dấu hiệu, hoặc hành vi phạm tội thuộc trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng.

Tuy nhiên, một trong những câu hỏi đặt ra trong vụ việc muaban24.vn đang thu hút sự chú ý của dư luận là bản chất thực của chuỗi hoạt động này sinh lợi cho ai? Những người tham gia mua gian hàng ảo trên mạng có đúng là “không buôn, không bán cũng có tiền” hay chỉ là những “món mồi” béo bở để những kẻ đứng đằng sau, giật dây hưởng lợi.

Xã hội - Tội phạm công nghệ cao là một thách thức lớn

Cơ quan công an khám xét trụ ở chính của MB24

Theo đánh giá, tội phạm công nghệ cao là mối nguy của chúng ta với quy mô ngày càng phức tạp và ảnh hưởng lớn đến toàn xã hội. Đây được xác định là một trong nhiều thách thức mới nổi, gây thiệt hại cho thế giới 400 tỉ USD mỗi năm.

Theo số liệu của Interpol, cứ 14 giây lại có một nạn nhân của loại tội phạm này. Với các quốc gia đang phát triển, việc sử dụng Internet ngày càng phổ biến và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Đây là mảnh đất màu mỡ cho tội phạm công nghệ cao tấn công. Chỉ có thể ứng phó bằng cách nâng cao năng lực của lực lượng cảnh sát.

Nên cảnh giác trước khi được pháp luật bảo vệ?

Có một điều đáng nói trong hoạt động của MB24 là cho đến nay, công ty này đã phát triển 50 chi nhánh ở trên 20 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tuy nhiên, dù được gắn “mác” thương mại điện tử và hoạt động gần 1 năm qua nhưng đơn vị này lại chưa được cấp phép hoạt động là sàn giao dịch thương mại điện tử và cũng chưa có cơ quan chức năng nào đứng ra thổi còi.

Vậy bản chất hoạt động của mô hình MB24 là như thế nào khi nhiều người đặt dấu hỏi về những dấu hiệu được xem là “biến tướng” của thương mại điện tử như kinh doanh đa cấp, lập gian hàng nhưng thực chất không hoạt động bán hàng và thu tiền hội viên gia nhập mà không có chứng từ rõ ràng... ?

Trả lời về vấn đề trên, đại diện Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) khẳng định: “Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin đã nhận hồ sơ đăng ký của MB24 từ rất lâu. Nhưng chúng tôi cho rằng hoạt động của công ty này không phải là mô hình sàn giao dịch thương mại điện tử nên chúng tôi không cấp đăng ký”.

Bởi theo lý giải, Thông tư số 46/2010/TT-BCT của Bộ Công Thương Quy định về quản lý hoạt động của các website thương mại điện tử bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ ban hành ngày 31/12/2010 quy định: Sàn giao dịch thương mại điện tử phải là nơi tạo môi trường cho doanh nghiệp và cá nhân giao dịch hàng hóa, mua bán lẫn nhau.

Do vậy, những mô hình thương mại điện tử hoạt động theo hướng bán gian hàng ảo cho cá nhân, sau đó trả hoa hồng để cá nhân giới thiệu lại người khác tham gia để trả hoa hồng không phải là mô hình của sàn thương mại điện tử nên sẽ không được cấp phép.

Theo Nghị định mới mà đơn vị này đang soạn thảo sẽ dự kiến phân theo nhóm kinh doanh dịch vụ thương mại điện tử như: Mua hàng theo nhóm, sàn giao dịch thương mại điện tử, website bán hàng cho cá nhân, doanh nghiệp hay website tiếp thị hàng hóa sản phẩm... để dễ dàng hơn trong quản lý của cơ quan Nhà nước.

Những mô hình kinh doanh không phù hợp và không đóng góp giá trị cho xã hội và chỉ có tác động tiêu cực cũng sẽ có chế tài quản lý phù hợp để loại ra khỏi hoạt động thương mại điện tử và sẽ bị xử lý nghiêm nếu vi phạm.

Tuy nhiên, chờ đến khi Nghị định chính thức được ban hành, những hoạt động kinh doanh thương mại điện tử biến tướng như kiểu MB24 vẫn hoạt động thì người dân vẫn cần phải cảnh giác để không bị sập bẫy.

Công - Đông