Tra tấn tài xế xe khách dã man nữ doanh nhân nổi tiếng Thái Bình đối diện hình phạt nào?

Mai Thu

Luật sư Nguyễn Văn Hùng cho rằng, đối với hành vi hành hung tài xế xe của khách nữ doanh nhân ở Thái Bình cùng 2 người khác là khó chấp nhận. Từ việc giám định thương tích 14%, nếu như tra tấn, đánh người có tổ chức, có tính chất côn đồ nữ doanh nhân ở Thái Bình đối mặt mức án 6 năm tù.

Mới đây, dư luận bức xúc và phẫn nộ trước hành vi lộng hành của nữ doanh nhân BĐS sinh năm 1980. Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Dương (SN 1980, quê xã quán An Ninh, huyện Tiền Hải, Thái Bình) cùng 2 người khác đánh đập gây thương tích anh Ngọc Anh là tài xế xe khách do mâu thuẫn vì vận chuyển một gói tài liệu của công ty lên Hà Nội bị giao muộn. Kết quả giám định anh Anh Ngọc là thương tích 14%

Ngay sau đó, nữ doanh nhân nổi tiếng Thái Bình bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra hành vi Cố ý gây thương tích, quy định tại Khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, hai đồng phạm của Dương gồm Nguyễn Đức Mạnh (28 tuổi) và Phạm Ngọc Quý (17 tuổi) cũng bị áp dụng biện pháp tố tụng trên. Cơ quan điều tra đã khám xét khẩn cấp chỗ ở và nơi làm việc của Nguyễn Thị Dương tại đường Lê Quý Đôn, TP.Thái Bình sau khi VKSND cùng cấp phê chuẩn các quyết định và lệnh.

Dưới góc nhìn pháp lý về hành vi của một nữ doanh nhân, luật sư Nguyễn Văn Hùng (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) nêu quan điểm: “Việc tra tấn người khác của nữ doanh nhân Thái Bình là hành vi vi phạm pháp luật, cần phải được xử lý nghiêm minh. Theo thông tin từ CSĐT Công an tỉnh Thái Bình ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội Cố ý gây thương tích. Đây là việc làm kịp thời để trừng phạt những người có hành vi lộng hành, coi thường pháp luật”.

Từ đó, luật sư Nguyễn Văn Hùng phân tích, theo luật tố tụng hình sự đối với tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại khoản 1, Điều 134 Bộ luật Hình sự. Đối với những người cố ý gây thương tích cho người khác, khi giám định thương tích từ 11% đến 30% thì sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trong trường hợp này tổn thương của người bị hại là 14% thì nó đang ở nằm trong khung của khoản 1, Điều 134 Bộ luật Hình sự.

Tuy nhiên, trong sự việc của nữ doanh nhân Thái Bình, CSĐT Công an tỉnh Thái Bình cần làm rõ thêm nhiều nội dung vì việc tra tấn lái xe sẽ có sự tham gia của nhiều người. Điều này chứng tỏ dấu hiệu của việc hành hung có tổ chức?

CSĐT Công an tỉnh Thái Bình cần làm rõ hơn, trong quá trình gây thương tích cho lái xe thì những người tham gia cùng bà Dương có bàn bạc với nhau về việc đánh đập, ai là người đánh đập, giữ vai trò, vị trí như thế nào?

Nếu như có dấu hiệu của việc phạm tội có tổ chức thì đây là sẽ chi tiết tăng nặng hình phạt đối với bà Dương và những người liên quan.

“Việc đánh đập người khác có tính chất côn đồ hay không cũng là một điều mà cơ quan CSĐT cần phải làm sáng tỏ để chứng minh hành vi phạm tội đối với những người gây thương tích cho nạn nhân. Tính chất côn đồ ở đây có nghĩa là đánh đập dã man, sử dụng hình thức đánh có khả năng gây thương tích cao. Từ việc giám định thương tích 14%, nếu như tra tấn đánh người có tổ chức, có tính chất côn đồ sẽ bị xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều 134 Bộ luật. Với khung, khoản này, các bị can sẽ bị phạt tù thấp nhất 2 năm, cao nhất đến 6 năm tù”, luật sư Hùng chia sẻ.

Luật sư Hùng cũng cho biết thêm, trong trường hợp khởi tố tội danh ban đầu với bà Dương vì tội Cố ý gây thương tích, nhưng trong quá trình điều tra cơ quan CSĐT nhận thấy quá trình trước đây những người liên quan có phạm tội tới các hành vi vi phạm pháp luật khác thì hoàn toàn có thể sẽ khởi tố thêm các tội danh mới. Pháp luật Việt Nam luôn luôn bình đẳng, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải truy tố và xử lý nghiêm.

M.T