Trải lòng của người Việt vừa gây xôn xao nước Mỹ

Trải lòng của người Việt vừa gây xôn xao nước Mỹ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:55
0
Xoay quanh việc mua lại thị trấn Buford tại Mỹ, doanh nhân Phạm Đình Nguyên đã trả lời phỏng vấn độc quyền báo Người đưa tin về vấn đề đang được dư luận quan tâm trong thời gian qua.

Ông Phạm Đình Nguyên (tổng giám đốc Công ty Dịch vụ phân phối tổng hợp quốc tế (IDS)) chia sẻ: Công ty IDS của chúng tôi làm phân phối, cũng như sở hữu một số thương hiệu hóa mỹ phẩm thành công khác. Nếu giành mua được một thị trấn như Buford sẽ giúp quảng bá các thương hiệu của công ty ở Mỹ. Cũng cần nói thêm, việc mua lại thị trấn này trước mắt chỉ là quyết định mang tính chất cá nhân của tôi, không liên quan gì đến công ty lDS. Số tiền để thực hiện cuộc mua bán cũng là do bà con của tôi ở Mỹ trợ giúp.

Xã hội - Trải lòng của người Việt vừa gây xôn xao nước Mỹ

Doanh nhân Phạm Đình Nguyên và công dân duy nhất của thị trấn Buford

Suýt bỏ cuộc

Ông có gặp phải khó khăn nào khi quyết định đầu tư cho “siêu dự án” nói trên?

Thú thật, khó khăn lớn nhất của tôi là khi ra quyết định có đeo đuổi vụ đấu giá này không. Việc quan trọng không kém là thuyết phục bà con của tôi ở Mỹ ủng hộ. Cụ thể là giúp đỡ các khoản tiền vay. Còn những việc như đấu giá, thủ tục giấy tờ, tuy có khó khăn nhưng cũng đều có thể xử lý. Về mặt thủ tục, đã có các chuyên gia môi giới bất động sản ở Mỹ hỗ trợ.

Mọi người gọi đây là cuộc đấu giá nghẹt thở. Ông có thể chia sẻ một chút về cuộc đấu giá này?

Tôi chưa bao giờ tham dự một cuộc đấu giá, đặt biệt là đấu giá bất động sản ở Mỹ. Cuộc đấu giá diễn ra quá nhanh, khoảng 11 phút. Người chủ trì liên tục đưa ra giá. Người nào đồng ý tham gia thì đưa thẻ màu vàng lên. Lúc đầu, mức giá mỗi lần nâng lên là khoảng 50.000 USD, càng về sau càng giảm, thấp nhất khoảng 10.000 USD. Người xướng luôn miệng đọc làm cho cuộc đấu giá vô cùng sôi động. Đó là lý do mà các cuộc đấu giá ở Mỹ thường chỉ diễn ra 3 phút.

Khi giá được nâng lên 750.000 USD, chỉ còn lại tôi và một người đấu giá trên mạng. Còn khi nâng đến 900.000 USD thì tôi là người chiến thắng. Người chủ trì tiến lại phía tôi và hét lớn “chúc mừng”. Cả đám đông như vỡ òa, hướng về phía tôi. Chúng tôi ôm nhau, không có gì vui hơn thế…

6-7 năm có thể thu hồi được vốn

Nhiều người nói mức giá 900.000 USD là giá “hớ”. Ông nghĩ thế nào về điều này?

Vướng mắc nhất là khâu chuyển tiền
Trao đổi với Người đưa tin, Luật sư Vũ Thái Hà, Công ty Luật TNHH YouMe cho rằng: “Việc ông Nguyên sở hữu thị trấn Buford (Mỹ) không gặp nhiều khó khăn về mặt pháp lý vì thủ tục khi mua đất, sở hữu và cho thuê mướn ở Mỹ rất an toàn, đơn giản và hầu như không có gì ràng buộc. Tuy nhiên, khi mua nhà, người nước ngoài không thể vay tiền ngân hàng Mỹ để mua. Họ cần phải chứng minh rõ tài chính, giải trình về nguồn gốc số tiền đem đến giao dịch. Vì vấn đề chống đầu tư cho khủng bố, rửa tiền của tội phạm và những nguồn tiền không hợp pháp khác, nên Chính phủ Mỹ rất nghiêm túc trong vấn đề nguồn gốc của tiền đầu tư”.

Theo Luật sư Hà, hiện pháp luật Việt Nam mới chỉ cho phép chuyển tiền ra nước ngoài phục vụ mục đích học tập, chữa bệnh, đi công tác… mà chưa có cơ chế chuyển tiền cho đầu tư bất động sản. Do đó, trong trường hợp mua đất phục vụ kinh doanh, ông Nguyên sẽ phải lập dự án trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt sau đó mới được ngân hàng đồng ý cho chuyển tiền ra nước ngoài. Việc chuyển tiền cũng phải thông qua ngân hàng quốc tế để đảm bảo các quy định của Việt Nam cũng như Mỹ.

Đồng tình với ý kiến trên, TS Mai Thanh Hải, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng cho rằng: “ông Nguyên phải xin được giấy chứng nhận của Chính phủ Việt Nam chuyển tiền sang Mỹ để mua nhà mới có thể “đầu xuôi đuôi lọt”. TS Hải hiến kế: “Số tiền gần 1 triệu USD, tương đương với hơn 20 tỷ đồng Việt Nam cũng không phải là con số quá lớn. Để tránh trường hợp bị dây dưa trong thủ tục chuyển tiền, ông Nguyên hoàn toàn có thể vay tiền của người thân bên Mỹ để thanh toán trước”

Tôi nghĩ, mỗi người đến với cuộc đấu giá với một con số mình có trong đầu. Và họ đều nghĩ con số của mình là hợp lý. Vì vậy, con số 900.000 USD cũng vậy, tùy vào góc nhìn của mỗi người mà họ cho là đắt hay rẻ.

Tôi nhớ một chi tiết. Trước khi giờ đấu giá bắt đầu, tôi có hỏi ông Philip Kay (sống ở gần đó và trước đây từng làm công cho thị trấn này) rằng: Nếu như là Don Sammons, ông sẽ bán bao nhiêu. Philip Kay trả lời hơi sốc: “Tôi nói thật. Có ngu mới bán thị trấn này. Giờ đây, Buford đã nổi tiếng quá rồi. Bao nhiêu tiền mới đủ để mua danh tiếng này?.”

Theo tài liệu công bố của hãng đấu giá Williams & Williams, thì mỗi năm thị trấn này tạo ra một lợi nhuận khoảng 150.000 USD từ trạm xăng, cửa hàng tiện lợi và một số khoản khác. Chỉ cần mất 6-7 năm là tôi có thể hoàn được vốn đầu tư.

Trong cuộc đấu giá vừa rồi nếu đối thủ tiếp tục nâng giá thì liệu ông có chơi đến cùng?. Mức giá kịch trần mà ông dự định trước khi tham gia phiên đấu giá là bao nhiêu?

Nếu đối thủ nâng lên trên 1 triệu USD, có lẽ tôi sẽ bỏ cuộc. Có lẽ con số 1 triệu USD sẽ làm tôi hơi khớp và đối thủ của tôi cũng vậy. Do vậy mà họ đã bỏ cuộc sớm hơn.

Chính quyền sở tại có tạo điều kiện giúp đỡ cho ông trong việc hoàn thành thủ tục mua thị trấn cũng như kế hoạch kinh doanh sắp tới?

Theo tôi biết, luật pháp Mỹ quy định về bất động sản rất là rõ ràng. Theo đó, bất cứ ai cũng có thể sở hữu bất động sản ở Mỹ.

Tìm thị trưởng mới

Nhiều người vẫn tỏ ra hoài nghi về kế hoạch của ông trong việc dùng thị trấn làm bàn đạp cho hoạt động kinh doanh của IDS. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Như tôi nói, đây là một bàn đạp về một tinh thần hơn là thực tế. Vào mùa hè, mỗi ngày có 2.000 người ghé đến đây, không phải là con số lớn so với hơn 300 triệu người dân Mỹ. Một điều mà nhiều người không để ý đến, chúng ta đang sống trong thời đại internet. Một trải nghiệm của một người khách tại thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ được chia sẻ trên các trang mạng xã hội sẽ có thể tiếp cận đến hàng trăm, ngàn người khác. Cũng tương tự về hình chụp của pano thị trấn cũng sẽ được chia sẻ. Cũng cần nói thêm, thị trấn này được xem là địa danh được chụp hình nhiều nhất, nếu tính về số lượng tấm hình chụp trên 1m2.

Rõ ràng, về mặt PR chúng tôi đã hòa vốn rồi. Các tờ báo, các đài truyền hình, cũng như các trang mạng lớn ở Mỹ và trên thế giới đều đã đưa tin về cuộc đấu giá và kết quả của nó. Tôi còn nhớ, ngay buổi đấu giá, đài truyền hình lớn nhất của Trung Quốc cũng đến đưa tin. Họ xin ghi hình và phỏng vấn, nhưng tôi đã từ chối. Với sự chú ý của truyền thông như vậy, hãy tưởng tượng, khi chúng tôi tung sản phẩm mới ở Mỹ thì sẽ thế nào.

Thành công trong việc mua Buford, ông cũng được “thăng quan tiến chức”. Ông có thể chia sẻ về chức thị trưởng của mình?

Tôi nghĩ, chức thị trưởng chỉ mang ý nghĩa nhiều về mặt tinh thần hơn là thực tiễn.

Thưa ông, tới đây thị trấn sẽ có nhiều hơn cư dân chứ. ông có kế hoạch nào để chăm sóc cho thị trấn?

Tôi cũng chưa biết. Tôi vẫn muốn, đây là thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ như danh xưng đã làm cho nó nổi tiếng. Còn việc chăm sóc, chưa chắc tôi đã đảm nhiệm trực tiếp mà có thể tìm một người. Đây cũng sẽ là một hành trình thú vị để tìm chức thị trưởng Buford như là hành trình tôi đã mua thị trấn này.

Thời gian tới ông có mua tiếp bất động sản ở Mỹ để phục vụ cho việc kinh doanh?

Tôi không phải là nhà đầu tư bất động sản. Và tôi cũng chẳng có tiền để mua. Tôi đeo đuổi thị trấn nêu trên vì nó là ý tưởng táo bạo, giúp những công ty nhỏ như IDS có thể thâm nhập dễ dàng vào thị trường Mỹ. Và tôi cũng may mắn là có bà con ở Mỹ sẵn sàng hỗ trợ.

Xin cảm ơn ông đã chia sẻ và chúc ông thành công!

Khó có trào lưu mua nhà ở Mỹ
Ông Nguyễn Thanh Toàn, giám đốc Sàn GD công ty TNHH Xây dựng Đất Ngọc cho rằng: “Nhiều người nghĩ rằng, sau trường hợp ông Nguyên, sẽ hình thành “trào lưu” mua đất nước ngoài để đầu tư trong tương lai, tuy nhiên tôi không nghĩ vậy. Ông Nguyên có lẽ chỉ là ngoại lệ. Thực tế có nhiều người mua BĐS ở Mỹ, Anh, Pháp để đầu tư, cho thuê từ cách đây nhiều năm. Tuy nhiên, người Việt có quan niệm “ăn chắc mặc bền”, với những “phi vụ” mạo hiểm như vậy họ rất ít đầu tư”. “Theo tôi, nếu biết cách đầu tư, làm ăn ở trong nước cũng mang lại nhiều lợi nhuận không kém. Hiện ở nước ta, một số vùng đang cực kỳ “hót”, thu hút nhiều “nhân tài” từ các nơi đến làm ăn, ví dụ như Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội... Thị trường hiện đang trầm lắng nhưng trong tương lai chắc chắn sẽ phục hồi và vẫn là kênh đầu tư “siêu lợi nhuận”, ông Toàn nói.

Khoa - Đức (thực hiện)

.