“Tránh vận hạn, cần làm điều tốt, cư xử... đẹp”

“Tránh vận hạn, cần làm điều tốt, cư xử... đẹp”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:53
0
Rằm Giêng, lễ chùa là nét đẹp văn hóa của người Việt nhưng không mấy ai muốn thấy cảnh chen lấn nơi cửa Phật, phó thác việc đời cho một khóa lễ cầu may.

Để hiểu hơn về nét đẹp đi chùa sau dịp tết, chúng tôi xin đăng tải ý kiến của những nhà chuyên môn để hiểu rõ hơn về lợi và hại của vấn đề giải sao này, từ đó có cái nhìn khách quan, chuẩn mực nhất...

Sự kiện - “Tránh vận hạn, cần làm điều tốt, cư xử... đẹp”

Chỉ cần làm nhiều việc tốt...

Hòa thượng Thích Thanh Huân, chùa Pháp Vân phân tích: Việc cúng lễ nói chung và đầu năm nói riêng, lễ vật do tâm thành, hương hoa quả rồi thành tâm niệm Phật, cầu nguyện, hướng tâm nguyện của mình lên để Phật chứng giám. Vận hạn không tự có mà do chính bản thân mình. Vì vậy, để tránh vận hạn, tai nạn cho cả năm thì nên làm điều phúc. Làm nhiều điều phúc, mới cầu được bình an.

Tuyệt đối không nên đốt vàng mã, nếu muốn báo đáp thì bằng tiền thật, đồ thật, sau đó để con cháu hưởng lộc hoặc ra tay cứu giúp người nghèo khó. Đặc biệt, để tránh vận hạn, bản thân và gia đình cần làm nhiều điều tốt, cư xử tốt trong gia đình cũng như ngoài xã hội.

Đối với sự cúng sao giải hạn, nếu chỉ mua sắm lễ vật, hình nhân thế mạng, vàng mã lên chùa để xin thầy cúng sao La Hầu, Kế Đô hay Thái Bạch gì đó để giải hạn xấu giùm thì nghịch lại lý Nhân quả. “Thực tế các vị thầy không thể cầu xin đức Thái Bạch Tinh Quân, đức La Hầu Tinh Quân tha tội, giải hạn sao xấu cho những người làm điều ác được!", đại đức chia sẻ.

Sao xấu hay tốt là do con người tạo nên

Theo nhà nghiên cứu văn hóa phương Đông Vũ Đức Huynh, trong vũ trụ bao la có nhiều vì sao lớn nhỏ, xa gần. ứng với con người, hàng năm đều có một sao chiếu, có sao hỗ trợ và có sao xung. Tuy nhiên, không thể cúng để giải được sao xấu, ngay cả các nhà chùa cũng không làm được. "Xu hướng nhiều người đổ đến chùa làm lễ giải sao là không nên. Người dân chỉ nên đến chùa lễ Phật và cúng bái tổ tiên tại nhà. Khi biết mình đứng sao xấu thì mỗi người sẽ cẩn thận hơn năm cũ và có biện pháp phòng ngừa như đi lại cẩn thận, giữ lời ăn tiếng nói", ông Vũ Đức Huynh nhận xét.

Còn GS Hoàng Tuấn, chủ tịch Hội Văn hóa Á Đông, cũng cho rằng, chữ "Tinh" trong văn hóa Á Đông không chỉ có nghĩa là sao mà là tinh thần của cuộc sống, tinh túy của trời đất. "Đạo Phật luôn hòa hợp với dân, tạo tâm linh cho con người, song nhà chùa cúng bái không phải để giải hạn cho dân. Nếu người dân tin tưởng rằng giải sao là giải hạn được thì là mê tín dị đoan", ông Hoàng Tuấn bày tỏ. Như vậy, mỗi một con người đều có thể tự tạo sao xấu hay tốt cho bản thân mình mà ra...

Hòa thượng Thích Thanh Huân, chùa Pháp Vân phân tích: "Vì vậy, để tránh vận hạn, tai nạn cho cả năm thì nên làm điều phúc. Làm nhiều điều phúc, mới cầu được bình an. Tuyệt đối không nên đốt vàng mã, nếu muốn báo đáp thì bằng tiền thật, đồ thật, sau đó để con cháu hưởng lộc hoặc ra tay cứu giúp người nghèo khó. Đặc biệt, để tránh vận hạn, bản thân và gia đình cần làm nhiều điều tốt, cư xử tốt trong gia đình cũng như ngoài xã hội...".

Hoàng Bích