Trẻ “ám thị” vì tin đồn thức ăn có đỉa

Trẻ “ám thị” vì tin đồn thức ăn có đỉa

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
Sữa có sinh vật lạ nghi là đỉa, nhân kẹo Trung Quốc được làm bằng trứng đỉa, bột có đỉa. Rồi, tin đồn đỉa bị tiêm máu nhiễm HIV đang gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng.

Sợ đỉa... “ám thị” với các món ăn

Thời gian gần đây, hàng loạt các vụ bê bối liên quan đến thực phẩm đã gây ra tâm lý hoang mang, lo sợ cho người tiêu dùng. Nhiều vụ việc liên quan đến một loài ký sinh trùng thân mềm mang tên "đỉa".

Theo tìm hiểu của PV, sức lan tỏa của tin đồn khiến nhiều học sinh tiểu học, THCS khi nhắc đến các món ăn ngoài cổng trường đều không dám ăn vì sợ có đỉa.

Theo chia sẻ của chị Nguyễn Kim D. (891 Đường Giải Phóng, Hà Nội), mấy ngày qua, đi học về là cô con gái học lớp 4 lại kể chuyện các bạn trong lớp ăn phải thức ăn có đỉa. Nghe Mai (tên cô con gái chị D.) kể chuyện, chị D. rất ngạc nhiên vì chị cũng mới biết thông tin này qua báo chí được ít ngày. Chị D. bảo rằng, bây giờ hễ mua đồ ăn gì ngoài cổng trường là con lắc đầu, không ăn.

Hỏi lý do, Mai một mực trả lời: "Con sợ đỉa lắm!". Dù chị D. giải thích như thế nào, con gái cũng không tin, vẫn nghĩ rằng mẹ đang nói dối. Thấy cô con gái có tâm lý khác thường, chị D. rất lo lắng và từ hôm đó chị chỉ cho con ăn sáng ở nhà.

Xã hội - Trẻ “ám thị” vì tin đồn thức ăn có đỉa

Một loại bim bim đã từng bị nghi là có đỉa.

Chị D. kể, ngày 9/10, vừa đi học về đến nhà, Mai đã luyến thoắng kể cho cả nhà nghe về trường hợp 3 bạn gái trong lớp mua gói bánh que cay (một loại bánh của Trung Quốc) ăn. Sau khi mang về nhà, có một bạn tình cờ đánh rơi gói bánh xuống chậu nước, khi nhìn xuống chậu đã thấy mấy con đỉa?! Chị D. bảo rằng, bây giờ hễ nhắc đến món bánh que cay (mặc dù trước đó Mai rất thích ăn-PV), con gái chị rất... sợ!.

Quá lo lắng, chị D. đưa con đến bệnh viện Bạch Mai khám và được các bác sĩ cho biết, do bé bị ảo thị nên "nhạy cảm" với các món ăn. Khi bị ảo thị, trẻ bị ám ảnh và trong đầu lúc nào cũng hình dung ra những thứ mà cô bé không thích. Việc nghe các bạn nói về thức ăn có đỉa khiến Mai sợ hãi và ngại ăn những món ăn ở cổng trường cũng là điều dễ hiểu. Chỉ sau một thời gian, bé sẽ dần trở lại bình thường.

Theo tìm hiểu của PV, những ngày vừa qua, tin đồn về các loại thức ăn có đỉa cũng lan truyền ở các trường THCS, THPT. Trước đó, trên các mạng xã hội như facebook, rộ lên thông tin có đỉa trong dạ dày sau khi ăn bánh kẹo có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tốc độ lan truyền của thông tin này nhanh đến mức chóng mặt. Đoạn thông báo này có nội dung như sau: "Trường hợp đầu tiên phát hiện được ở Tuyên Quang. Bệnh nhân nữ này đau bụng và được đưa đến bệnh viện đa khoa. Bác sĩ chụp chiếu thì phát hiện có sinh vật lạ ở ổ bụng và đã tiến hành phẫu thuật. Vị bác sĩ này đã ngất ngay tại chỗ vì khi vạch bụng bệnh nhân ra toàn là đỉa". Cứ thế, những thông tin biến tấu về đỉa được các bạn học sinh rỉ tai nhau.

Huy Hoàng (học sinh lớp 10, trường THPT Trương Định, Hà Nội) cho biết, lớp cậu, không ai dám ăn quà vặt ở cổng trường vì hầu hết là bánh kẹo Trung Quốc. Hoàng bảo rằng: "Không biết thông tin bánh Trung Quốc, bột có đỉa... thực hư đến đâu nhưng cả trường lúc nào cũng râm ran về chuyện này. Ai cũng bán tín bán nghi".

Người tiêu dùng không nên hoang mang

Theo tìm hiểu của PV, chỉ trong vòng 1 tháng, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) đã hai lần bác tin đồn có đỉa trong thức ăn. Đầu tiên là tin đồn, người dân tại Thừa Thiên - Huế nghi trong gói bim bim mang nhãn hiệu YoYo được phát hiện có sinh vật lạ giống con đỉa. Khi bỏ thức ăn này vào trong nước, xuất hiện côn trùng bò lúc nhúc. Trước thông tin đó, Thanh tra Sở Y tế Thừa Thiên - Huế đã phối hợp với chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm kiểm tra, kết quả không phát hiện ấu trùng và đỉa trong mẫu bim bim và mẫu nước ngâm sản phẩm. Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) đã có văn bản bác tin đồn có đỉa và vật lạ trong gói bim bim mang nhãn hiệu YoYo sản xuất tại Đức Sở (Hoài Đức, Hà Nội).

Ngay sau đó là thông tin sữa có đỉa. Ngày 23/9, chị Dương Thị H. (thôn Dương Thọ, xã Đức Bác, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) cho hai con uống sữa hộp tươi nhãn Mộc Châu. Hai cháu làm đổ sữa, chị H. lấy giẻ lau thì hoảng hồn phát hiện lúc nhúc những sinh vật lạ trong sữa. Sợ quá, chị gọi hàng xóm sang, mọi người mở tiếp hộp sữa khác, đổ vào chai thì thấy có rất nhiều những sinh vật bò lên, bám đầy miệng chai.

Chị H. và mọi người gọi trưởng thôn, công an, cán bộ y tế xã đến chứng kiến và lập biên bản. Các hộp sữa này ghi ngày sản xuất 5/9/2012 và hạn sử dụng đến 5/3/2013. Theo thông tin ban đầu thì chị H. thường xuyên mua sữa loại này cho con uống tại một cửa hàng ở cùng thôn. Những lần trước các con chị đều uống bằng ống hút nên không biết các bé đã từng uống những sinh vật lạ này chưa. Các sinh vật lạ này dài chừng vài milimet, động tác bò, ngóc đầu giống đỉa, vắt và do sống trong môi trường sữa nên mang màu trắng.

Ngay sau đó, ngày 24/9, Hiệp hội Sữa Việt Nam đã có văn bản gửi ban Tuyên giáo TW, Bộ Thông tin và truyền thông cũng như các cơ quan báo chí, bác tin đồn trong sữa và thực phẩm có chứa đỉa.

Đem thắc mắc về những tin đồn thức ăn bị nghi "cấy" đỉa, GS.TS Nguyễn Văn Đề, Trưởng khoa Ký sinh trùng (Trường ĐH Y Hà Nội) cho rằng, với các loại thực phẩm như sữa, bánh kẹo... nếu không được bảo quản tốt thì khả năng ruồi hoặc bọ cánh cứng bâu vào và đẻ trứng rất dễ xảy ra.

Tuy nhiên, đỉa là loại thân mềm rất nhạy cảm, không phải môi trường nào cũng có thể sống và tồn tại được. Đỉa chỉ có thể sống và sinh sản trong môi trường nước ngọt, đất ẩm và sống nhờ hút máu. Trong trường hợp đỉa thâm nhập được vào cơ thể con người, đỉa chỉ có thể tồn tại được duy nhất trong môi trường hô hấp không có chất men, axit và kiềm như: mũi, xoang và phế quản.

Theo nhận định của các chuyên gia tâm lý, những thông tin về chuyện "cấy" đỉa vào thức ăn (sữa, bánh, bột-PV) hoàn toàn là tin đồn nhảm, không có căn cứ xác thực, gây hoang mang cho xã hội. Điều đáng ngại, những tin đồn đóá đã gây ra nhiều quan ngại cho người tiêu dùng cũng như đem lại những ảnh hưởng tâm lý không tốt đến trẻ em.

Ngân Giang