Treo thân trên núi bẫy 'thần điểu' trên đỉnh Trường Sinh

Treo thân trên núi bẫy 'thần điểu' trên đỉnh Trường Sinh

Thứ 5, 25/07/2013 | 14:30
0
Trường Sinh Sơn đã từng có những khu rừng nguyên sinh với vô số những cây cổ thụ vượt thời gian và những loài động vật quý hiếm tụ về sinh sống. Nhưng tất cả đã trở thành dĩ vãng xa xăm và Trường Sinh giờ đây cũng chỉ còn là một cái tên gợi sự tiếc nuối.

“Thần cá” cũng không hãm được thú vui người trần

Dãy núi Trường Sinh thuộc xã Cẩm Lương, huyện miền núi Cẩm Thủy (Thanh Hóa) nằm ở bờ bắc của dòng sông Mã như một cặp trời sinh đất dưỡng, tạo nên cảnh non xanh nước biếc, sơn thủy hữu tình không đâu sánh được. Trường Sinh xưa nay vốn nổi tiếng là ngọn núi linh thiêng, gắn liền với những câu chuyện kỳ lạ tuy đã làm hao tổn không biết bao nhiêu giấy mực của các nhà nghiên cứu nhưng vẫn là những dấu hỏi đầy bí ẩn và thách thức.

Dưới chân núi có con suối lạ được du khách gọi là suối Cá Thần, còn người dân trong vùng vẫn quen gọi bằng cái tên "mó Ngọc" thuộc bản Ngọc (Cẩm Lương, Cẩm Thủy, Thanh Hóa). Đây là một con suối nhỏ, nước trong vắt, mùa cạn, mực nước chỉ đạt ở mức 30 - 40cm. Tuy vậy, trong suối luôn luôn có hàng nghìn con cá lớn nhỏ bơi lội tung tăng, mỗi con có thể nặng từ 2 - 8kg, riêng cá chúa nặng tới 30kg, con nào con nấy màu sắc rực rỡ, tạo nên một khung cảnh thần tiên.

Hầu hết những người dân sinh sống trong vùng đều coi những con cá ở mó Ngọc là cá thần, không bao giờ dám động đến chúng bởi đó là hành động xúc phạm thần linh và sẽ bị trừng phạt. Từ khi trở thành khu du lịch, suối cá kỳ lạ này đã thu hút hàng triệu du khách từ khắp nơi đổ về chiêm ngưỡng, cầu may.

Lạ & Cười - Treo thân trên núi bẫy 'thần điểu' trên đỉnh Trường Sinh

Suối Cá Thần hấp dẫn người xem.

Để vào được suối Cá Thần, tôi phải đi qua một chiếc cầu treo được ghép bằng gỗ bắc ngang sông Đà, rồi chạy vòng vèo trên những con đường nhỏ men theo chân núi vào bản Ngọc. Tuy chưa được chứng kiến những con cá thần kỳ trong những lời đồn đại nhưng vừa đến cổng khu du lịch suối Cá Thần tôi đã ngay lập tức bị "hút hồn" bởi rất nhiều chim muông, thú rừng được bày bán ở đây. Ngay cạnh chỗ gửi xe, hàng trăm lồng chim các loại được trưng bày la liệt trên khoảng trống sân cỏ.

Vẻ đẹp lộng lẫy đầy quyến rũ của những loài chim lạ mà tôi chưa từng được thấy trong đời cùng tiếng hót mê ly của chúng đã khiến tôi mê mẩn đến quên cả mục đích đi ngắm cá thần. Những con có bộ lông đẹp nhất, có tiếng hót hay nhất được treo trịnh trọng trên những chiếc xà ngang bằng gỗ. Những con kém sắc, kém tài hơn được để ngay ngắn trên trên thảm cỏ. Xung quanh là những du khách đang say sưa trong tiếng chim rừng. Giá của những chú chim rừng này cũng rất vô cùng, tùy theo giá trị của từng loài, từ vài trăm đến vài triệu, thậm chí cả chục triệu đồng/con.

Chợ chim mỗi lúc một đông cho nên cuối cùng tôi cũng quyết định rời khỏi khu vực đó để tiến về cổng chính. Hai bên lối đi có rất nhiều cửa hàng bán sản vật rừng và đồ lưu niệm. Nhưng điều duy nhất khiến tôi đặc biệt chú ý ở đây, ngoài những con chim rừng mà không ai có thể thờ ơ trước vẻ đẹp cũng như giọng hót tuyệt vời của chúng là những loài thú nhỏ vô cùng đáng yêu được nhốt trong những chiếc lồng xinh xắn để chờ người mua. Đó là những chú sóc nâu nhanh nhẹn, không ngừng nhảy nhót trong chiếc lồng sắt chật chội như đang nỗ lực tìm một lối nhỏ để thoát ra. Đó là những con gà rừng vỗ cánh phành phạch như thể đang tức tối trước âm mưu bỏ trốn không thành. Chỉ có những con culi lười biếng là vẫn vô tư ôm khúc củi khô ngủ khì khì như muốn mặc kệ cả thế gian. Ngay cả khi những vị khách nhỏ tuổi thi nhau lấy que chọc ghẹo chúng cũng chẳng thèm động đậy thân mình.

Lạ & Cười - Treo thân trên núi bẫy 'thần điểu' trên đỉnh Trường Sinh (Hình 2).

Đại bàng được bày bán ở khu du lịch suối Cá Thần.

“Bắt giam” cả “chúa tể không trung”...

Trường Sinh đang kêu cứu

Được biết, trước đây, núi Trường Sinh là nơi trú ngụ của rất nhiều đại bàng, các giống chim, thú quý mà hiện nay đã gần như tuyệt chủng. Nhiều người dân quanh vùng xưa nay vẫn quen dựa vào lộc rừng để kiếm sống. Họ khai thác bất cứ thứ gì có thể lấy được từ Trường Sinh Sơn để sử dụng hoặc bán lấy tiền. Nhất là khi suối Cá Thần trở thành khu du lịch, có nhiều khách tham quan, nhu cầu mua bán sản vật rừng càng cao, người dân càng tích cực khai thác tài nguyên có sẵn trong rừng. Các loại thuốc quý, động vật hoang dã sống trên núi bị săn lùng ráo riết để bán với giá rẻ cho các nhà hàng, đặc sản trong và ngoài khu du lịch, một số khác được bán cho thương lái để làm cảnh, phục vụ thú chơi ngông của những người có tiền. Họ có thể ăn ngủ trong rừng, treo mình trên những ngọn núi cheo leo để bắt đại bàng, chim quý, bẫy hươu nai, lợn rừng... Các loài chim, thú quý càng trở nên khan hiếm, giá cả càng được đẩy lên cao, người dân càng quyết chí săn lùng bằng được mà không cần biết đến hậu quả. Cứ đà này, có lẽ núi Trường Sinh sẽ phải đổi tên.      

Dù không thể cưỡng lại ý muốn được sở hữu những con culi vô cùng đáng yêu ấy, tôi vẫn không dám bỏ ra nửa triệu đồng để mua cho mình một con trong số ấy. Bởi vì tôi biết khi đưa nó về thành phố, trong một chiếc lồng chật chội, xa rời môi trường sống tự nhiên, con vật có thể sẽ chết sau đó vài ngày. Tưởng tôi đắn đo vì giá cả, bà chủ đon đả gợi ý: "Hay là em mua luôn một đôi, chị chỉ lấy em 800 nghìn đồng thôi". Tôi tỏ vẻ tần ngần rồi rảo chân sang hàng bên cạnh. 

Ở đó, tôi bất ngờ nhìn thấy một con đại bàng dũng mãnh, loài thiên điểu cao quý nhất, chúa tể của các loài chim đang đứng trên một chiếc lốp xe với chiếc dây xích quấn chặt một bên chân. Trong lúc tôi rảo bước về phía con đại bàng, bà chủ quán cũng kịp bán được một con culi với giá 450 nghìn đồng cho một đôi vợ chồng trẻ sau khi họ tỏ ra bất lực trước màn khóc lóc, năn nỉ của đứa con trai. Tôi không biết đó là một cái giá đắt hay rẻ so với thị trường nhưng so với sự mất mát của rừng xanh, tôi nghĩ 450 nghìn đồng chỉ là một con số vô nghĩa.

Lần đầu tiên đối diện với một con đại bàng, dù chỉ là một con đại bàng mới lớn, tôi vẫn cảm thấy có phần nể sợ trước sự dũng mãnh của loài chim huyền thoại này. Nhìn đôi mắt tinh nhanh, sắc lạnh đầy uy quyền của nó, tôi thầm ngưỡng mộ và tự hiểu tại sao trong tất cả các loài chim, đại bàng lại soán ngôi chúa tể.

Thấy tôi ngắm nghía một cách say mê, vị chủ nhân của nó tủm tỉm cười hãnh diện, châm đóm, rít một điếu thuốc lào kêu sòng sọc, ngửa mặt thả khói theo một cách vô cùng sảng khoái. Tôi trầm trồ. "Đúng là đại bàng có khác. Không thể chê vào đâu được anh ạ! Chắc phải kỳ công lắm mới bắt được anh nhỉ?". Người đàn ông bán hàng rời ấm trà, lại gần con đại bàng không quên cầm theo một miếng thịt sống để thưởng cho nó.

Trong chớp mắt, mãnh điểu đã dùng cặp mỏ đen bóng như ngọc quắp lấy miếng thịt lớn. Đợi con chim ăn xong miếng mồi, anh mới quay sang tôi trò chuyện. Theo lời giới thiệu, tôi được biết anh tên là Khánh, quên gốc ở Nam Định nhưng theo gia đình đến sống ở Cẩm Thủy từ khi còn nhỏ. Đây là một trong số những con đại bàng được anh mua lại của những thợ săn quanh vùng từ khi chúng còn rất nhỏ, do họ rình bắt trên núi Trường Sinh sau đó thuần dưỡng nuôi trong nhà chờ ngày đem bán.

Tuy ngoan ngoãn đứng trên chiếc lốp xe như bao món hàng khác trước con mắt tò mò và sự ngã giá của du khách lại qua, nhưng thần thái của con đại bàng vẫn tràn trề sức mạnh và uy quyền. Nó xứng đáng là mãnh điểu, loài chim có sức mạnh phi thường luôn khiến các loài vật khác phải khiếp sợ. Từng nét, từng nét một trên cơ thể của con mãnh điểu bị cầm tù vẫn toát lên vẻ đẹp hoang dã của loài chim đã từng và luôn luôn thuộc về tự nhiên, làm chủ bầu trời. Và cái giá phải trả để sở hữu con đại bàng là 5 triệu đồng. Khi tôi hỏi có thể bán với giá 4,5 triệu đồng được không thì anh Khánh lạnh lùng ngoảnh mặt, bỏ vào trong nhà không thèm trả lời một tiếng.

Tôi lấy làm xấu hổ vội thanh minh: "Nói thế thôi chứ em lấy tiền đâu mà chơi đại bàng hả anh. Em có ông bạn đại gia mê mấy món hàng khủng này lắm. Nhưng chơi chim, ông ấy phải chơi cả cặp, tiền bạc không thành vấn đề...". Anh Khánh thay đổi sắc mặt, xin ngay số điện thoại của tôi hẹn khi nào có hàng sẽ a lô.

Phóng sự của Dương Dung

Hút khách du lịch nhờ "cá thần"?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
Người dân bản địa luôn gọi loài cá này là thần gắn liền với những sự tích đượm màu huyền bí tâm linh, khó có thể kiểm chứng. Song, sự kết hợp giữa loài cá thần với danh lam thắng cảnh nơi đây đã đem lại cho xứ Thanh một loại hình du lịch độc nhất vô nhị.

Kỳ bí con suối ngược dòng ở miền gái đẹp

Thứ 7, 15/06/2013 | 10:46
Trong khi các con suối khác đều chảy từ Tây sang Đông, riêng suối Khe Thần “một mình một chợ”, chảy theo hướng từ Đông sang Tây. Suối bắt nguồn từ đỉnh núi cao chót vót chưa ai đặt chân đến nơi.

Bản nuôi cá tiến vua

Thứ 7, 04/05/2013 | 17:16
Dân Mường Mùn (Hòa Bình) nuôi cá trước tiên để 'tiến' gia đình đặng mới nghĩ đến 'tiến' cho thượng khách. Mua một vài yến rầm xanh dân mới bán còn mua 1-2 con ăn cho biết mùi thì xin lỗi, bởi đánh vậy rất hại cá.

Bí ẩn tục thờ thần chuột của người Dao Tiền

Thứ 6, 12/07/2013 | 09:28
Mỗi dân tộc đều có tập tục truyền thống riêng, họ coi đó là lẽ sống, là giá trị tinh thần không thể thiếu trong đời sống tâm linh. Với những người Dao Tiền ở bản Bương, Tân Pheo, Đà Bắc (Hòa Bình), con chuột được coi là thần.