Triệt phá đường dây vay trực tuyến lãi suất “cắt cổ”: Rủi ro bất ổn xã hội cần xử lý tận gốc

HÀ NHÂN

Một vụ án lớn về cho vay trực tuyến vừa được khởi tố tại TP.HCM, thể hiện sự vào cuộc mạnh mẽ của lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh trấn áp tội phạm. Song, phối hợp thêm nhiều biện pháp để giải quyết hiệu quả trước thủ đoạn ngày càng tinh vi của các đối tượng xấu là điều cần thiết.

Lãi mẹ đẻ lãi con bằng cách khủng bố

Phòng Cảnh sát hình sự (PC02), Công an TP.HCM vừa triệt phá thành công một đường dây cho vay nặng lãi thông qua các ứng dụng cho vay tiền nhanh, đã có 5 đối tượng quốc tịch Trung Quốc bị khởi tố, bắt tạm giam.

Qua điều tra, lực lượng trinh sát PC02 phát hiện nhóm người này “núp bóng” phía sau một số công ty như V.F, B.M.V và Đ.P rồi thực hiện cung cấp các dịch vụ tài chính cho vay tiền thông qua các ứng dụng trên điện thoại như “Vaytocdo”, “Moreloan”, “VD online” với lãi suất cao.

Cụ thể, các đối tượng thuê hai căn nhà ở đường 28 và đường 30 tại phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP.HCM cho nhân viên (khoảng 40 người) làm ở bộ phận duyệt hồ sơ vay tiền và thu hồi nợ. Sau đó, các đối tượng chủ chốt sẽ tạo các ứng dụng cho vay trên điện thoại, quảng cáo trên mạng xã hội, internet để người vay tự liên lạc.

Người có nhu cầu vay sẽ phải tạo tài khoản bằng cách cung cấp thông tin cá nhân (hình ảnh, CMND, số tài khoản ngân hàng) và phải đồng ý theo 7 điều khoản, trong đó buộc người vay đồng ý cho ứng dụng truy cập danh bạ trên điện thoại. Vì thế, kẻ cho vay nắm được hết các số điện thoại của người thân, bạn bè, đồng nghiệp của người vay để sau này nhân viên gọi đòi nợ.

Sau khi người vay hoàn tất việc tạo tài khoản, ứng dụng sẽ tự động báo về hệ thống và có nhân viên của bộ phận cho vay tiếp nhận, liên lạc điện thoại với người vay để thu thập thêm thông tin, kiểm tra lại thông tin đã đăng ký trên ứng dụng. Nếu người vay thỏa mãn điều kiện vay tiền, người cho vay và người vay không cần gặp mặt mà chỉ cần vài phút đồng hồ, hệ thống tài khoản của công ty cho vay sẽ tự động chuyển tiền vay cho khách hàng bằng số tài khoản ngân hàng đã kê khai trước đó.

Công an TP.HCM bất ngờ ập vào công ty cho vay trực tuyến để khám xét, bắt tạm giam các đối tượng xấu.

Tuy nhiên, khách hàng vay tiền qua ứng dụng “Vaytocdo” thì lần đầu được duyệt vay tối đa 1,7 triệu đồng. Khách nhận được 1,42 triệu đồng, còn lại 272.000 đồng là phí dịch vụ. Trong vòng 8 ngày, “con nợ” sẽ phải trả cả gốc lẫn lãi với số tiền 2,04 triệu đồng. Nếu khách hàng trả chậm sẽ bị phạt 102.000 đồng/ngày.

Còn với khách hàng vay qua ứng dụng “Moreloan” và “VD online” thì người vay lần đầu được duyệt vay số tiền 1,5 triệu đồng nhưng nhận 900 ngàn đồng, còn lại 600 ngàn đồng là phí dịch vụ, tiền lãi trong 7 ngày. Sau 7 ngày thì người vay phải trả gốc vay là 1,5 triệu đồng. Nếu khách vay trả chậm sẽ bị phạt từ 2-5% lãi suất/ngày.

Tính ra, người vay phải trả lãi suất lên đến 3%/ngày, tương đương 21%/tuần, 90%/tháng và 1.095%/năm. Những khách trả tiền đúng hạn, lần sau chúng sẽ cho nâng cấp để vay được nhiều tiền hơn với các cấp độ từ 1 đến 7. Cấp độ cao nhất sẽ được duyệt vay tối đa 2,75 triệu đồng.

Khi đến gần thời hạn trả nợ, nhân viên bộ phận thu hồi nợ của công ty cho vay sẽ điện thoại nhắc nhở người vay phải trả nợ đúng hạn. Nếu đến hạn trả nợ mà người vay chậm trả, thì nhân viên thu hồi nợ sẽ liên tục điện thoại cho người vay để đòi nợ.

Nếu sau vài ngày, người vay vẫn không trả được số tiền nợ và không đạt được thỏa thuận trả lãi với bên cho vay, các nhân viên thu hồi nợ sẽ điện thoại “khủng bố” cho tất cả những người trong danh bạ điện thoại của người vay (gồm gia đình, bạn bè, đồng nghiệp...) nhằm đe dọa, chửi bới và yêu cầu những người quen biết với người vay tiền phải tác động đến người vay tiền phải chuyển tiền trả nợ cho chúng.

Bước đầu, PC02 xác định nhóm này hoạt động từ khoảng tháng 4/2019 tới nay với số tiền cho vay khoảng 100 tỷ đồng, đã có hơn 60.000 người vay ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Hiện, vụ án đang được Công an TP.HCM điều tra mở rộng theo sự chỉ đạo của cục Cảnh sát hình sự (bộ Công an). Lực lượng chức năng nhận định, đây là thủ đoạn hoàn toàn mới, là biến tướng của loại tội phạm cho vay “tín dụng đen”, cần được tập trung ngăn chặn trong thời gian tới.

Cần hành lang pháp lý cụ thể

Theo các chuyên gia tài chính, phương thức phạm tội mới này chính là hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending), nhằm kết nối người vay vốn trực tiếp với người cho vay thông qua nền tảng internet. Mô hình hoạt động đó đang phát triển nhanh chóng tại một số quốc gia nhưng vẫn chưa được pháp lý Việt Nam thừa nhận, chưa được Ngân hàng Nhà nước cấp phép.

Đánh giá về vấn đề, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, có rất nhiều kẽ hở trong giao dịch vay tiền qua app hiện nay mà rủi ro về phía người vay, mập mờ nhất là chưa rõ lãi suất thực tế là bao nhiêu.

“Ngoài tình huống người vay không trả được nợ do lãi suất quá cao, thông tin cá nhân, danh bạ điện thoại người vay có thể bị sử dụng tùy tiện. Đã có không ít trường hợp người dùng khiếu nại họ không đi vay nợ nhưng liên tục bị gọi điện thoại, nhắn tin để quấy rối, đe dọa, ép buộc trả nợ. Có trường hợp không vay nợ nhưng vẫn bị sử dụng hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội với lời lẽ khiếm nhã gây áp lực trả nợ”, vị tiến sĩ cho hay.

Còn tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cũng cho biết: “Nhìn chung thị trường cho vay ngang hàng tại Việt Nam được dư luận đánh giá không tích cực. Bên cạnh những công ty tuân thủ pháp luật và có đạo đức kinh doanh thì vẫn có những công ty biến tướng thuộc loại “tín dụng đen”. Dưới danh hiệu là P2P Lending nhưng thực chất là huy động vốn hay cho vay với lãi suất cắt cổ mang tính lừa đảo. Nhiều công ty loại này tìm cách thu hồi nợ với những hành động của xã hội đen, tác hại đến an ninh trật tự và đưa nhiều người vào đường cùng để chiếm đoạt tài sản”.

Hoạt động cho vay trực tuyến chưa được pháp luật Việt Nam thừa nhận.

Ở khía cạnh của người cho vay, tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận, trường đại học Tài chính – Marketing nhận xét, cho vay qua sàn ẩn chứa rủi ro rất lớn. Như người cho vay có thể mất hết vốn hoặc một phần nếu người vay không trả được nợ vì những lý do khách quan hoặc cố tình vay để lừa đảo.

Trong khi chủ sàn không có trách nhiệm hoàn trả tiền mà chỉ có nhiệm vụ thu hồi, đòi nợ thay cho người cho vay nhưng nếu chủ sàn không đòi được, người cho vay sẽ mất cả “chì lẫn chài”. Dù trên thực tế, một số chủ sàn có hợp tác với các công ty bảo hiểm cho khoản vay hoặc tạo lập một quỹ đề phòng bất trắc nhưng không có gì bảo đảm người cho vay sẽ được hoàn trả tiền khi người vay không trả được nợ.

“Một rủi ro khác đặt ra là chủ sàn P2P Lending có thể mập mờ trong vai trò trung gian, hoạt động như một tổ chức huy động vốn rồi cho vay, thông đồng với người vay lập hồ sơ giả để mời gọi khách hàng bằng những thông tin thổi phồng. Sau đó, các đối tượng xấu có thể sử dụng tiền của người cho vay vào các mục đích khác, ngầm bắt tay với các kênh tín dụng chính thức để đầu tư vào cho vay ngang hàng nhằm hưởng chênh lệch... Tất cả những khả năng này đều có thể xảy ra, nhất là trong bối cảnh hành lang pháp lý P2P Lending chưa rõ ràng, hiểu biết của người cho vay còn hạn chế”, ông Thuận nêu quan điểm.

Đại diện viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) khuyến cáo, người dân cần tìm hiểu rõ hoạt động của sàn cho vay ngang hàng, cũng như các điều khoản sử dụng, hợp đồng trước và trong quá trình vay tiền.

Trong đó, đối với người vay cần đọc kỹ hợp đồng, nhất là yếu tố lãi suất, cách tính lãi, phí ngoài, phí trả trước hạn, gia hạn. Đối với nhà đầu tư, không gửi vốn vào các công ty cho vay ngang hàng dưới dạng gọi vốn cộng đồng vì đây là hành vi trái luật nên có thể bị mất tiền và không được bảo vệ.

H.N