Trường Quốc tế Singapore áp đặt học phí mùa dịch, phụ huynh yêu cầu đối thoại bất thành

Cẩm Mịch

Những ngày qua, hàng trăm phụ huynh tại Hà Nội đang tỏ ra vô cùng bức xúc khi trường Quốc tế Singapore thu học phí online bất hợp lý, không tương xứng chất lượng. Đặc biệt, khi phụ huynh yêu cầu đối thoại, trường liên tục né tránh.

Chất lượng không “quốc tế”

Ngày 13/5, nhóm phụ huynh đại diện cho gần 200 phụ huynh có băn khoăn về học phí đã có mặt tại cổng trường Quốc tế Singapore cơ sở Vạn Phúc (Ba Đình) và cơ sở Gamuda Gardens (Hoàng Mai), cầm biển kêu cứu, phản đối việc thu học phí bất hợp lý của trường.

Chị N.M.N.T. - Phụ huynh có con học hệ Song ngữ tại trường Quốc tế Singapore - cho biết: Việc học online của học sinh không đạt hiệu quả vì cách tổ chức giờ học của trường: “Ngay từ đầu, chúng tôi không nhận được kế hoạch học tập, trường không gửi thời khóa biểu, trường cũng không thống nhất phần mềm học online... Phụ huynh chúng tôi có nhiều thắc mắc như vậy nhưng trường không trả lời”.

Chị P.T.M.T., một phụ huynh khác, cũng cho rằng: “Trường đã né tránh việc tính tiền học phí trong những ngày học sinh nghỉ tránh dịch, cũng như việc học sinh học online tại nhà, việc học sinh đi học bù trở lại là cách mà trường bổ sung cho các tiết học của học phần 3 còn thiếu. Chúng tôi bức xúc vì trước đó, trường không hề có sự trao đổi, thống nhất với phụ huynh…”.

Vị phụ huynh này cũng nhấn mạnh, theo quy định, việc học online này sẽ chỉ được thu phí và triển khai khi có sự đồng thuận của phụ huynh với nhà trường bằng văn bản trước khi việc học online được tiến hành. “Tuy nhiên, trước đó chúng tôi không hề nhận được bất cứ một văn bản nào khác, vậy thì vì lý do gì mà nhà trường lại thu của phụ huynh từ 80-100% học phí trong thời gian học sinh nghỉ dịch như vậy. Thậm chí, có hôm con học 30 phút thì cô mới gửi phiếu bài tập, không bám sát chương trình, sách giáo khoa. Các con học bị động, thời lượng giảng dạy không đảm bảo, có hôm 2 tiết chỉ học 1,5 tiết đã xong rồi. Bài tập môn tiếng Anh con tôi gửi nhiều lần cô giáo không chấm trong khi nhà trường vẫn thu 80% học phí…”, chị P.T.M.T. dẫn chứng.

Được biết, hầu hết phụ huynh đang bức xúc đều cho con học hệ Song ngữ, với mức học phí hiện tại là hơn 220 triệu đồng (nếu thanh toán theo năm học, thanh toán trước 30 ngày). Trong trường hợp cha mẹ học sinh thanh toán theo học phần (mỗi năm học gồm 4 học phần) thì số tiền lên tới 240 triệu đồng. Bên cạnh đó, nếu tính thêm cả chi phí đi lại, ăn uống, tiền học phẩm và xây dựng nhà trường thì số tiền mà các phụ huynh phải nộp cho con trong năm học 2019-2020 lên toies 283 triệu đồng.

Hotline “lạnh ngắt”, trường “né” trách nhiệm

Theo nhóm phụ huynh này, trong cuộc trao đổi từ 9-11h sáng 11/5, Hiệu trưởng, Hiệu phó và quản lý của trường chỉ lắng nghe, không có một câu trả lời thích đáng nào. Phụ huynh yêu cầu có một cuộc đối thoại để làm rõ những thắc mắc, nhưng tính đến thời điểm này, vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi. Một vị phụ huynh còn phàn nàn: “Đại diện trường trao đổi rằng phụ huynh có thể gọi vào hotline của nhà trường để thắc mắc, nhưng sau ngày 11/5, chúng tôi gọi vào hotline lại không liên lạc được”.

Trưa 13/5, khi phụ huynh tiếp tục yêu cầu được đối thoại với Giám đốc vận hành Ngô Thị Chi, phía nhà trường tiếp tục né tránh, với lý do “phải xếp lịch hẹn”. Có mặt tại cổng trường Quốc tế Singapore cơ sở Gamuda Garderns, nhiều phụ huynh một lần nữa phải thất vọng, khi không gặp được bà Ngô Thị Chi, còn Hiệu trưởng Lorraine Els không đủ thẩm quyền để giải quyết, chỉ hứa hẹn “sẽ nỗ lực hết sức”, vì “bà Ngô Thị Chi không có ở đây”.

Chiều cùng ngày, trao đổi với PV ĐS&PL, ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình - cho biết: Ngay sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh về vấn đề này, phòng GD&ĐT đã yêu cầu phía trường Quốc tế Singapore báo cáo đầy đủ về nội dung sự việc. “Đồng thời, phòng GD&ĐT quận Ba Đình cũng đã trực tiếp xuống làm việc với nhà trường để chỉ đạo, phối hợp giải quyết những bức xúc, phản ánh của phụ huynh học sinh. Phòng cũng đã báo cáo với UBND quận Ba Đình và sở GD&ĐT Hà Nội, xin ý kiến chỉ đạo…”, ông Lê Đức Thuận cho hay.

Ông Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình cũng thông tin thêm: “Quan điểm chỉ đạo của chúng tôi là phải sớm xử lý, giải quyết triệt để những khúc mắc giữa nhà trường và phía phụ huynh để không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh”.

Theo luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc công ty Luật INTECO, quan hệ giữa phụ huynh và nhà trường là quan hệ dân sự, nghĩa là quan hệ thuận mua vừa bán, nên bất kỳ nội dung nào đều phải căn cứ vào hợp đồng mà các bên đa xác lập. “Khi có sự thay đổi, điều chỉnh nội dung đã thảo thuận thì cần có sự đồng ý của cả hai bên trước khi thực hiện sự thay đổi trên thực tế. Nếu giữa các bên chưa có sự thỏa thuận cụ thể về việc thu học phí mà nhà trường cố tình thực hiện thì có thể bị coi là vi phạm hợp đồng và cam kết giữa hai bên, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình học sinh. Phụ huynh không đồng ý với nhà trường thì có thể và nên thực hiện việc khởi kiện ra tòa để yêu cầu phân xử”, luật sư Hà Huy Phong cho biết.

Đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, Thứ trưởng bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu: Nếu tổ chức học trực tuyến, các cơ sở căn cứ vào tình hình thựuc tế triển khai, các khoản chi phí phát sinh cần thiết để triển khai các hoạt động tổ chức dạy, thời gian thực tế học trực tuyến, các nội dung truyền tải qua dạy học trực tuyến, tỉ lệ hoàn thành chương trình học... Theo đó, để xác định mức thu hợp lý trên nguyên tắc chia sẻ khó khăn chung giữa cơ sở giáo dục và phụ huynh học sinh nhưng không được vượt quá mức thu, tổng thu cả năm học đã được cam kết, công khai từ đầu năm học.

C.M