Truyền nhân trị rắn độc cắn

Truyền nhân trị rắn độc cắn

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:06
0
Nói đến Hoàng Văn Châu, ở xã Hồng Sơn, huyện Đô Lương, người dân Nghệ An hầu như ai cũng biết. Đó là người có biệt tài chữa rắn độc cắn, người đời gọi anh là thần y.

Hơn 20 năm nay anh Châu đã cứu chữa cho hàng trăm người bị rắn độc cắn thoát khỏi miệng tử thần.

Anh Nguyễn Văn Châu đang điều chế thuốc chữa rắn độc cắn

Người giữ phương thuốc chữa rắn cắn

Trên tay cầm một nắm lá cây rừng, anh Châu bảo: "Phải đi lấy thuốc buổi sáng mới hiệu nghiệm, những lá thuốc ni tui phải vào tận sâu trong rừng mới hái được. Mình phải hái trước, dự phòng có ai bị rắn cắn tìm đến là có ngay chứ lúc đó mới chạy đi tìm thuốc thì chậm mất".

Anh kể: "Ngày xưa trên đồi này có rất nhiều loài rắn, chúng thường bò xuống quấy nhiễu dân làng, nhiều người và súc vật đã bị rắn cắn chết. Cụ tổ nhà tui một hôm trên đường về nhà, thấy một bà lão rách rưới đang nằm thoi thóp bên đường, cụ đã bế bà về nhà, lấy lửa sưởi ấm và nấu cháo cho bà lão ăn. Khi tỉnh dậy bà biết dân làng đang gặp nạn nên bà bà đã truyền lại phương thuốc đó cho cụ tổ. Phương thuốc đó truyền từ đời này qua đời khác. Và nay đến lượt tui".

5 tuổi, Hoàng Văn Châu đã theo cha là ông Hoàng Văn Nhung vào rừng hái thuốc để cứu người. Đến năm 18 tuổi, Châu đã được người cha trước lúc qua đời truyền lại toàn bộ phương thuốc bí truyền chữa rắn cắn .

Anh chia sẻ, trước đây cha tui ghi 4 - 5 quyển sổ về những người được cụ chữa khỏi, nhưng bỏ trong tủ bị mối ăn hết rồi. Còn tui, nỏ ghi mà cũng nỏ nhớ hết, nhưng hơn 20 năm nay tui cứu chữa khỏi cho nhiều người!.

Đến nay những người chứng kiến pha cứu chị Dương Thị Sâm ở xã Công Thành- huyện Yên Thành mới thấy được sự thần kì của phương thuốc bí truyền này. Trước đó chị Sâm ban đêm ra ao tắm bị con rắn cạp nia mổ trúng ngực. Người nhà đưa chị lên chỗ anh Châu trong tình trạng thập tử nhất sinh, toàn thân bất động phải trợ giúp của bình ô xi.

Anh Châu nói: Chị ấy thở ô xi, tui nghĩ khó lòng cứu, nhưng còn nước, còn tát. Miệng chị ấy cứng đờ không thể đổ thuốc, tui phải dùng ống nhựa thổi thuốc vào. Gần một tiếng sau, chị Sâm tỉnh lại.

Anh Thành chồng chị Sâm tâm sự: Vợ tui bị rắn cắn nhưng chủ quan tưởng là rắn nước. Khi hôn mê mới hốt hoảng đưa đi viện. Một số người có kinh nghiệm bảo, để lâu quá, khó lòng cứu được nữa. Chuyển đi viện xa, e không kịp. Chi bằng tức tốc đưa lên anh Châu may ra cứu được. Nhờ anh Châu nên tui không mất vợ, 3 đứa con không phải cảnh mồ côi. Gia đình tui mang ơn anh Châu nhiều lắm.

Ông Hoàng Công Du trưởng ban văn hóa xã Hồng Sơn tâm sự: Vùng rừng núi này nhiều rắn độc lắm. Nếu như không có bố con anh Châu thì nhiều người mất mạng. Tui mới đây đi bắt cá bị con rắn cạp nia mổ vào tay, lật đật chạy về đến nhà thì bị ngột thở, choáng đầu hoa mắt, tay chân cứng đơ, mắt, mũi bị kéo tịt lại. Tui được thằng em chở đến nhà anh Châu, anh ấy cho uống bát thuốc lá cây giã nhỏ. Gần tiếng đồng hồ sau là người trở lại bình thường .

Ông Du nói tiếp: "Bố con anh Châu mấy chục năm nay chữa cho hàng trăm người khỏi bị rắn cắn nên chúng tôi tin tưởng. Còn đi viện thì không thể được. Rắn cạp nia độc tố mạnh hơn cả rắn hổ chúa, đi viện xa, chưa xuống đến nơi đã chết rồi".

Từ đầu năm 2010 đến nay anh Châu đã cứu sống 31 trường hợp bị rắn độc cắn trong tình trạng thập tử nhất sinh. Cứu người, nhưng từ trước đến nay anh Châu không hề lấy của ai một đồng. Anh bảo: Cứu được người là vui rồi. Tôi chẳng bao giờ lấy tiền. Bao đời nay chúng tôi đều làm vậy.

Hỏi Châu, phương thuốc của anh chữa khỏi khoảng bao nhiêu phần trăm? Anh điềm đạm trả lời: Nếu bệnh nhân uống rượu thì khó chữa, vì rượu sẽ làm cho độc tố phát tán nhanh, và rượu nó xung khắc với thuốc. Còn lại 100% bệnh nhân tui đều cứu sống được, miễn là còn uống được thuốc.

Phương thuốc bí truyền trước nguy cơ thất truyền

Anh Châu cho biết: Phương thuốc bí truyền chữa độc tố của rắn là một số loại rễ, lá, thân cây thuốc Nam mọc trên đồi và xung quanh làng mạc. Những vị thuốc này không gây độc cho cơ thể người.

Ông Nguyễn Công Du nạn nhân bị rắn cạp nia cắn được anh Châu chữa khỏi

Thậm chí, những phụ nữ mang thai mà bị rắn cắn dùng thuốc này vẫn không ảnh hưởng gì đến thai nhi. Theo anh Châu thì hiện nay vẫn chưa tìm được người để truyền lại phương thuốc bí truyền này. Người được truyền phải có đức tính cẩn thận, kiên trì, nhanh nhạy và bình tĩnh trong xử lý mọi tình huống; không được nhầm lẫn. Nếu nhầm lẫn hái hoặc điều chế sai thuốc thì mạng người sẽ đi đứt. Và điều quan trọng là có tâm. Không có tâm thì không thể học được phương thuốc này. Tôi sẽ truyền cho bất kì ai, miễn người đó hội tụ được đầy đủ những yếu tố trên - anh Châu tâm sự.

Một điều làm anh Châu rất day dứt là hiện nay, do biến đổi khí hậu nên một số cây thuốc Nam để chữa trị rắn độc cắn đã bị cạn kiệt. Những vị thuốc đó trước đây rất nhiều nhưng nay anh phải đi tìm mãi trên đồi cao và ở rừng sâu mới có. Theo dự đoán của anh thì chỉ ít năm nữa là những cây thuốc đó sẽ rất khan hiếm. Điều đó đồng nghĩa với việc phương thuốc bí truyền chữa rắn độc cắn sẽ có nguy cơ thất truyền.

Anh Châu chia sẻ: Tui rất muốn các nhà y học, dược học nghiên cứu về bài thuốc gia truyền này để điều chế ra bài thuốc trị rắn cắn phổ biến rộng rãi cho nhân dân. Mong muốn của tui là cứu được nhiều người.

Thạch Tùng