Từ cậu bé “cà lăm” trở thành MC nổi tiếng

Từ cậu bé “cà lăm” trở thành MC nổi tiếng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Ăn mặc lòe loẹt và có phần hơi dị, cùng tài hoạt náo của mình, MC Thanh Bạch luôn trở thành trung tâm, gây sự chú ý trong các chương trình ca nhạc, gameshow truyền hình. Anh như một món ăn lạ, không phải ai cũng thích nhưng đã thích rồi thì không thể dứt ra.

Con đường nghệ thuật của cậu bé cà lăm

Thanh Bạch sinh ngày 1/12/1959, là con trai cả trong một gia đình sống tại xã An Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Sau anh là ba cô em gái Thúy Phượng và cặp sinh đôi Hoàng Oanh, Hoàng Yến.

Xã hội - Từ cậu bé “cà lăm” trở thành MC nổi tiếng

Lý giải cho cái tên có phần lạ của mình, Thanh Bạch cười cho biết: “Lúc mới sinh tôi trắng như bông bưởi nên ông nội đặt tên là Thanh Bạch. Sau này má tôi hay cho tôi mặc bộ bà ba trắng, ôm con chim bồ câu trắng mà nằm trong nôi trước cửa nhà. Dường như ba má muốn tâm hồn tôi luôn luôn thanh khiết…”. Được biết, ba của Bạch là người có máu nghệ thuật, thường hát và diễn kịch cho đội văn nghệ của địa phương, đặc biệt ông chơi đàn măng-đô-lin rất giỏi. Nói về chuyện tình của ba mẹ, nghệ sĩ Thanh bạch cho hay: “Theo lời ba kể, cũng nhờ vào tài chơi đàn măng-đô-lin nên ba tôi đã quen được má tôi bằng cách... chỉ cho má tôi đánh đàn. Và có lẽ, tôi đã thừa hưởng gien yêu nghệ thuật di truyền từ ba”.

Hồi nhỏ, Thanh Bạch là một đứa bé nhút nhát, ngại giao tiếp với mọi người xung quanh vì anh không thể nói hết một câu tròn vành rõ chữ. Anh công nhận: “Lúc ấy tôi bị cà lăm (nói lắp). Tôi còn nhớ lúc đó ba tôi làm nghề sửa xe gắn máy, bên cạnh có một tủ để đồ phụ tùng, dưới tủ là một ổ gà ác. Tôi hay lén ba chui vào ổ gà ác lấy trứng đưa má tôi chiên, mà mỗi lần muốn thể hiện “ý đồ” này tôi phải mất gần 5 phút: “Má... má... ơi..., con... con... muốn... ăn... ăn... trứng...!”. Dĩ nhiên má tôi không hài lòng chút nào vì tật nói lắp ấy. Má bảo: “Con cứ nói từ từ, từng chữ một, khi nào nói hết câu mà không bị “cà lăm” thì má mới chiên trứng cho con ăn…”. Vì đói bụng, lại thèm ăn trứng chiên nhất nên tôi phải gồng mình “nhả” ra từng chữ một. Ngày qua ngày, tôi hết bị cà lăm lúc nào không biết”.

Vào những năm 1960, Thanh Bạch bắt đầu mê nghe đài, anh mê luôn giọng nói của các cô chú xướng ngôn viên vì giọng của họ tròn vành rõ chữ và truyền cảm. “Vừa nghe tôi vừa bắt chước giọng của các cô chú ấy. Nhiều khi tôi đứng giữa nhà và cất giọng: “Xin kính chào quý vị. Mời quý vị nghe bản tin...” rồi tự cười một mình. Cứ như vậy tôi cảm nhận hình như mình thích nói cho mọi người nghe. Sau đó, tôi học cách bắt đầu mày mò để bắt chước làm theo đài, tự thu âm giọng nói, tự sắp xếp bài hát rồi thu vào băng catsette thành “tuyển tập riêng” – Thanh Bạch tâm sự.

Năm 1977, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Thanh Bạch đã chọn con đường nghệ thuật khi quyết định theo học Khoa Đạo diễn Kịch nói của trường Nghệ thuật Sân khấu 2. Đến năm thứ hai, anh chuyển sang trường dự bị Đại học Ngoại ngữ để học tiếng Nga sau khi trúng tuyển khóa đào tạo đạo diễn tại trường Đại học Sân khấu Lunatsaxki - GHITIS (Matxcơva) do Việt Nam và Liên Xô (Nga) hợp tác tổ chức.

Một năm sau, Thanh Bạch tiếp tục theo học tiếng Nga tại Nhạc viện Traicopxki. Năm 1979, sau khi đã hoàn thành xong khóa học ngoại ngữ của mình, anh mới chính thức là sinh viên của trường Đại học Sân khấu Lunatsaxki. Tuy nhiên, khi đang học khoa đạo diễn, Thanh Bạch đã làm đơn xin chuyển sang học tại khoa Tạp kĩ Sân khấu cũng của trường. Tại đây, anh được đào tạo bài bản về lịch sử nghệ thuật, lịch sử âm nhạc, kĩ thuật biểu diễn, tiếng nói sân khấu, dẫn chương trình cho đến biên kịch, múa ba lê…

Gây náo loạn vì tưởng cháy

Năm 1985, sau khi tốt nghiệp đại học tại Liên Xô, Thanh Bạch trở về Việt Nam và được bổ nhiệm vào vị trí “trợ giảng” bộ môn Kỹ thuật biểu diễn của lớp Diễn viên Kịch nói - trường Nghệ thuật Sân khấu 2. Trong số những sinh viên của lớp có nhiều người đã thành danh sau này như Huỳnh Phúc Điền, Phước San... Sau đó, còn anh tham gia nhóm "Tuổi Trẻ Cười Sống" do báo Tuổi Trẻ Cười thành lập. Thanh bạch vào vai Tám Cù Móc trong tiệm tạp hóa Hai Cù Nèo, đây cũng là nhân vật dẫn chương trình xuyên suốt các tiểu phẩm của nhóm.

Xã hội - Từ cậu bé “cà lăm” trở thành MC nổi tiếng (Hình 2).

Thanh Bạch và Xuân Hương

Cùng với các diễn viên như Tất My Loan, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Xuân Hương, Bích Thủy, Quang Minh, Đoàn Khoa, và sau này có thêm Thành Lộc, Hữu Châu,... “Nhóm tuổi Trẻ Cười Sống” thường xuyên biểu diễn những tiểu phẩm hài nhằm phản ánh dưới góc nhìn châm biếm và hài hước, phản ánh nhiều vấn đề thời sự, Thanh Bạch cho hay.

Anh và Xuân Hương - người bạn học cùng tại Đại học Sân khấu Lunatsaxki là hai thành viên duy nhất đại diện cho Việt Nam tham dự "Liên hoan các trường nghệ thuật sân khấu thế giới" được tổ chức tại Tiệp Khắc (nước thuộc khối Đông Âu cũ). Trong tiết mục dự thi của đoàn, Thanh Bạch và Xuân Hương biểu diễn trích đoạn chèo vở Quan Âm Thị Kính. Anh là nam diễn viên đóng vai Thị Kính giả trai còn Xuân Hương thủ vai Thị Mầu, tiết mục này sau đó được tặng bằng khen của ban tổ chức. Về phần mình (solo), Thanh Bạch hóa trang thành nhân vật Khuất Nguyên để biểu diễn bài độc thoại về nhân vật này. Tiết mục của thanh Bạch sau đó đã đoạt Giải Đặc biệt dành cho bộ môn độc thoại” của Hội đồng Tổ chức giải.

“Đó là kỷ niệm tôi nhớ nhất. Khi đó, tôi xuất hiện trên sân khấu với nắm hương (nhang) to đùng, khi đốt lửa tạo thành một làn khói nghi ngút, khán giả vỗ tay ầm ầm… Ai dè, chuông báo cháy hú vang inh ỏi… Ngay lập tức, họ cắt điện tối om, còi xe của “dân” PCCC vang lên xung quanh hội diễn. Sau một thời gian tìm nguyên nhân gây báo hỏa hoạn, họ phát hiện, chính nắm hương tôi đang cầm trên tay là nguyên nhân gây báo động. Tiết mục của tôi phải ngưng tới nửa tiếng đồng hồ. Sau đó, Ban tổ chức thông cảm và cho tôi diễn tiếp. Chắc cũng vì hành động ấn tướng đó mà Ban giám khảo chấm cho tôi giải Đặc biệt dành cho bộ môn độc thoại”, nghệ sĩ Thanh Bạch kể lại.

Ít lâu sau, Thanh Bạch đảm nhiệm vai trò ca sĩ chuyên hát tiếng Nga với nghệ danh Lê Bắc trong đoàn văn nghệ Hương Miền Nam, một trong số những đoàn ca kịch, tạp kỹ hoạt động sôi nổi nhất thời bấy giờ. Làm ca sĩ được một thời gian, anh được nhạc sĩ Dương Thụ mời về làm người dẫn chương trình cho phòng trà Cửu Long (nay là khách sạn Majestic, Q.1).

Tháng 6/1989, qua sự giới thiệu của soạn giả Lê Duy Hạnh, Thanh Bạch đảm nhiệm vị trí người dẫn chương trình trong cuộc thi Hoa hậu Việt Nam đầu tiên do Thành đoàn TP.Hồ Chí Minh tổ chức. Được đào tạo khá bài bản về Tạp kỹ sân khấu nên Thanh Bạch nhanh chóng gây được chú ý với hình tượng một người dẫn chương trình vui tính, hoạt bát và có khả năng ứng biến tình huống linh hoạt. Sau thành công của loạt chương trình Tuổi thần tiên, Thanh Bạch dần khẳng định được tài năng của mình với việc tham gia hàng hoạt chương trình sân khấu lớn trong cả nước như cuộc thi Hoa hậu báo Tiền Phong, Duyên dáng Việt Nam, Một thoáng Sài Gòn...

Đăng Văn - Hà Hưng