Tử hình bằng thuốc độc ở Việt Nam và trên thế giới

Tử hình bằng thuốc độc ở Việt Nam và trên thế giới

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
0
Chiều 17/6/2010, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội nhất trí thông qua Luật thi hành án hình sự với những quy định lần đầu tiên xuất hiện trong quá trình thi hành án hình sự tại Việt Nam.

Tử tội được ghi âm lời nói trước khi ra trường bắn

Luật nêu rõ, quy trình thực hiện việc tiêm thuốc độc sẽ do Chính phủ quy định. Trước khi bị đưa ra thi hành án tử hình, người chấp hành án được ăn, uống, viết thư, ghi âm lời nói gửi lại thân nhân.

Việc mai táng và quản lý mộ của người đã bị thi hành án do cơ quan thi hành án hình sự công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu cùng chính quyền xã nơi thi hành án có trách nhiệm thực hiện.

Luật quy định, nếu thân nhân hoặc đại diện của tử tù có nhu cầu nhận tử thi về an táng thì phải làm đơn gửi chánh án tòa án đã xét xử sơ thẩm. Trong đơn cam kết bảo đảm yêu cầu về an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường và tự chịu chi phí...

Trên cơ sở xem xét, chánh án sẽ thông báo bằng văn bản đồng ý hoặc không khi có căn cứ cho rằng việc nhận này ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường. Việc giao nhận tử thi sẽ được thực hiện trong 24 giờ kể từ khi thông báo; hết thời hạn này mà người có đơn đề nghị không đến nhận thì cơ quan thi hành án hình sự có trách nhiệm an táng.

Về việc tiêm thuốc độc tử tù, ủy ban Thường vụ đánh giá trong các hình thức được áp dụng hiện nay thì nó ít gây đau đớn cho người bị thi hành án. Tiêm thuốc độc đảm bảo tử thi còn nguyên vẹn, ít tốn kém và giảm áp lực tâm lý cho người trực tiếp thi hành án. Kinh nghiệm các nước đã áp dụng hình thức này cho thấy, công nghệ sử dụng việc tiêm thuốc độc cũng đơn giản, dễ thực hiện. Do vậy, đa số đại biểu đã tán thành việc thay thế xử bắn tử tù bằng tiêm thuốc độc.

Hơn 30/80 nước trên thế giới đã áp dụng

Trong số gần 80 nước đang áp dụng án tử hình hiện nay thì có hơn 30 nước áp dụng hình thức tiêm thuốc độc. Theo thống kê của Tổ chức ân xá thế giới, năm 2009 có ít nhất 2.500 tử tội trên thế giới bị tiêm thuốc độc ở 22 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Con số này năm 2008 là 2.148. ở Trung Quốc, Bộ luật tố tụng hình sự quy định 2 biện pháp thi hành hình phạt tử hình đối với tử tội là xử bắn và tiêm thuốc độc. Hình thức xử bắn được áp dụng đối với các vụ tội phạm đặc biệt nguy hiểm, cần răn đe phòng ngừa mạnh mẽ. Các trường hợp khác áp dụng hình phạt tiêm thuốc độc.

Còn tại Hoa Kỳ áp dụng khá nhiều biện pháp tùy theo các tiểu bang như xử bắn, phòng hơi ngạt, ghế điện, tiêm thuốc độc, treo cổ. Cho đến nay đã có 38/51 tiểu bang của Hoa Kỳ đã áp dụng tiêm thuốc độc để thi hành án tử hình thay cho các biện pháp ghế điện, phòng hơi ngạt và một số biện pháp khác. Một số quốc gia và vùng lãnh thổ cũng áp dụng biện pháp tiêm thuốc độc như Guatemala năm 1998, Philippines năm 1999 (tuy nhiên gần đây Philippines đã bãi bỏ án tử hình nên dĩ nhiên biện pháp này cũng bị hủy bỏ), Thái Lan năm 2003, Đài Loan năm 2005.

Trên thế giới, có rất nhiều định nghĩa khác nhau, nhưng có thể hiểu bản chất của biện pháp thi hành hình phạt tử hình này là tiêm vào người tử tội một liều thuốc độc (thường gồm 3 loại: Một để gây mê, một để cơ bắp thịt và thần kinh ngưng hoạt động và một để làm cho tim ngừng đập) để kết thúc sự sống của tử tội. Về cơ chế chết trong phương thức thi hành hình phạt tử tội này là: Làm cho tử tội ngủ, sau đó làm ngừng thở và làm tim ngừng đập. Thường các tử tội chết trong vòng từ 10 đến 15 phút sau khi bị tiêm thuốc độc.

Các chuyên gia y học thế giới thường nhận xét về biện pháp tử hình này là cách "chết nhẹ nhàng", "chết không đau đớn". Một số chuyên gia y học còn so sánh cách thi hành hình phạt tử tội này giống như người tự sát, uống thuốc ngủ hoặc uống thuốc độc chết.

Để thi hành hình phạt tử hình theo biện pháp này, trước hết cần phải lựa chọn các loại thuốc độc để tiêm cho tử tội. Phần lớn các nước trên thế giới đều sử dụng 3 loại thuốc chính: Trước hết là thuốc Sodium thiopental (tên thương mại ở Hoa Kỳ là Sodium Pentothal) với liều lượng từ 2-5 grams. Thuốc này sau khi tiêm một vài giây sẽ làm cho phạm nhân mê man, bất tỉnh, ngủ từ từ.

Tiếp đó là thuốc Pancuronium bromide (tên thương mại ở Hoa Kỳ là Pavulon) với liều lượng 100 milligrams, với tác dụng làm ngừng hoạt động cơ bắp và thần kinh ngừng hoạt động. Liều thuốc thứ ba là Potassium chloride với liều lượng 100 mEq (milliequivalents), có tác dụng làm tim ngừng đập.

Để thực hiện biện pháp này, trước hết tại các Trại giam hoặc các Tòa án phải xây dựng các Phòng tiêm thuốc độc. Đây là một căn phòng được thiết kế gồm 3 phần: Một phần dành cho các cán bộ tư pháp như Thẩm phán, cán bộ trại giam, kiểm sát viên, ủy viên Hội đồng thi hành án, bác sĩ pháp y, v.v.... ngồi theo dõi việc tiêm thuốc độc; một phần để dành cho các bác sĩ chuẩn bị thuốc và các công việc cần thiết để thi hành án; phần chính để một giường dạng ghế nằm.

Đây là một giường đặc biệt. Tử tội được đặt nằm trên một giường nằm có các hệ thống dây chằng buộc chặt thân và cánh tay, chân tử tội với giường. Các bác sĩ sẽ tiến hành tiêm thuốc độc trực tiếp cho tử tội vào cánh tay.

Lý - Quỳnh (Tổng hợp)