Tự ráp ampli đèn, thú chơi của những người yêu nhạc

Tự ráp ampli đèn, thú chơi của những người yêu nhạc

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
0
Chơi ampli đèn tự ráp (DIY) không còn là thú vui xa lạ đối với những người đam mê thiết bị âm thanh ở Việt Nam. Người chơi ampli DIY (DIYer) ngoài mong ước làm ra một chiếc ampli với chất lượng hoàn hảo còn muốn thông qua nó thể hiện những ý tưởng sáng tạo của mình.

Do vậy, mỗi tác phẩm DIY như một hình mẫu thể hiện tính cách và khát vọng của tác giả. Nói không ngoa khi chỉ cần nhìn và nghe chiếc ampli DIY, người ta có thể đoán ra chủ nhân là người như thế nào.

Trước đây, để ráp được một bộ ampli đèn, việc khó nhất là tìm được linh kiện chất lượng cao như biến áp, tụ, điện trở, đèn điện tử. Cách duy nhất là họ tìm kiếm trong các cửa hàng bán linh kiện điện tử cũ và những nhà bán đồ… đồng nát. Nếu gặp may, họ có thể tìm được một số linh kiện còn khá tốt với giá cả rất phải chăng. Tuy nhiên, linh kiện cũ ngày càng trở nên khan hiếm, kiếm được đủ bộ để lắp một chiếc ampli tốt là điều không dễ thực hiện. Do vậy những chiếc ampli DIY làm từ đồ cũ thường cho chất âm không hay, hoạt động không ổn định, hay hỏng và không có linh kiện thay thế.

Công nghệ - Tự ráp ampli đèn, thú chơi của những người yêu nhạc

Ngày nay, khi thú chơi DIY đã trở nên tương đối phổ biến, việc mua các loại linh kiện mới, chất lượng cao, chủng loại phong phú không còn là công việc khó. Hơn nữa, các DIYer còn có thể sắm cho bộ ampli của mình những loại linh kiện thuộc đẳng cấp Top-End để thỏa mãn ước muốn của mình. Với tụ Black Gate, Jensen, Audio Note, điện trở Riken Ohm, biến áp Hammond, James, Tango, Sowter, chiết áp ALPS, DACT, ELMA, và những bộ bóng đèn cổ quý hiếm, việc tạo ra một chiếc ampli đèn có chất lượng rất cao, âm thanh trung thực hoàn toàn nằm trong tầm tay của các DIYer.

Vấn đề còn lại giờ đây nằm trong ý tưởng thiết kế của người chơi. Tôi hay liên tưởng thú nghe nhạc giống như ta thưởng thức một ly rượu ngon, uống rồi, dư vị của hớp rượu vẫn còn đọng lại trên đầu lưỡi khiến ta cảm thấy khoan khoái, dễ chịu. Trong cái thú uống rượu, có người thích rượu nặng, có người thích rượu nhẹ, có người thích rượu của các hãng như Johnnie Walker, Remy Martin, Hennessy hay Jack Daniels cũng có người lại thích tự mua đồ về pha chế lấy hoặc ngâm rượu uống. Chơi ampli đèn cũng vậy, ta cũng phải xác định được khẩu vị của mình rồi sau đó lựa chọn cho mình một giải pháp thiết kế. Mỗi loại đèn cho một chất âm khác nhau, thậm chí cùng một loại đèn nhưng của các hãng khác nhau sẽ cho âm thanh khác nhau. Để chọn được bộ đèn hợp với mình, cần phải tham khảo thông tin thật kỹ từ tài liệu, từ những người chơi khác và tốt nhất là nghe thử.

Quan niệm người chơi DIY phải là những người có hiểu biết về điện tử, có khả năng tự lắp ráp lấy phần mạch nay đã trở nên lỗi thời. Ngày nay dù bạn là ai, bạn làm nghề gì, bạn cũng có thể trở thành một DIYer thực thụ. Tất nhiên, bạn cũng cần trang bị cho mình một số kiến thức cơ bản về điện tử như thế nào là tụ, thế nào là biến áp, thế nào là điện trở, nguyên lý hoạt động của của một chiếc ampli đèn. Những kiến thức này thực ra chúng ta đều đã được học ở phổ thông nhưng bạn cũng có thể tham khảo thêm tài liệu hoặc hỏi các chuyên gia về ampli đèn.

Mạch hay còn gọi là Schematic của ampli, bạn có thể tìm trên internet hoặc đơn giản là bạn chỉ cần chọn ra kiểu mạch và linh kiện. Những chuyên gia lắp ampli đèn có thể giúp bạn lựa chọn một mạch điện tối ưu phù hợp và đã được kiểm nghiệm thực tế. Như vậy bạn sẽ cần một chuyên gia lắp ampli đèn giàu kinh nghiệm để giúp bạn đi mạch cho chiếc ampli của bạn. Một lời khuyên khi bạn lựa chọn người chuyên gia này là hãy căn cứ trên kinh nghiệm, hiểu biết của họ, nhận xét (feedback) của khách hàng và tốt nhất là nghe thử một vài bộ ampli mà họ đã lắp. Theo ý kiến chủ quan của tôi, trình độ người lắp sẽ chiếm khoảng 20% chất lượng chiếc ampli.

Công nghệ - Tự ráp ampli đèn, thú chơi của những người yêu nhạc (Hình 2).Việc khó khăn nhưng cũng khá thú vị cuối cùng là thiết kế và chế tạo vỏ ampli hay còn gọi là chassis. Vỏ ampli không những đòi hỏi phải đẹp về mặt thẩm mỹ mà còn đảm bảo về mặt kỹ thuật. Các linh kiện cần được bố trí ngăn nắp, có hệ thống, hợp lý, thuận lợi cho việc đi mạch. Công việc này thường tốn nhiều thời gian nhất nhưng chính nó để lại dấu ấn của bạn trên sản phẩm. Bạn có thể chọn các loại chất liệu gỗ, kim loại, thủy tinh, thậm chí đá granít để làm vỏ ampli nhưng cần lưu ý về việc chống can nhiễu và nối đất.

Sau khi chiếc ampli được hoàn thiện, không gì thú bằng tự thưởng cho mình một ly rượu ngon, vừa nhâm nhi vừa thưởng thức âm thanh từ chính chiếc ampli đèn mình thiết kế và tạo ra. Từ nay, bạn có thể tự hào vì đã trở thành một DIYer thực thụ.

Tuấn Linh