Nhiều nhà quan sát tin rằng, trong cuộc chiến dầu mỏ giữa Nga và Saudi Arabia vừa bùng nổ trong tuần này, quốc gia Ả Rập với tiềm lực mạnh mẽ hơn sẽ giành chiến thắng, tuy nhiên cây bút Eric Reguly của tờ The Globe And Mail lại thể hiện quan điểm ngược lại.
Vì sao cán cân đang nghiêng về Nga?
Hôm thứ 9/3, giá dầu đã giảm gần 1/3, mức giảm lớn nhất kể từ cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991. Sang ngày hôm sau, giá dầu đã tăng khoảng 6%, lên 36 USD/ thùng, nhưng vẫn ở mức thê thảm so với thời điểm tháng 1 khi giá dầu ở ngưỡng 68USD/thùng.
Cũng trong ngày hôm đó Saudi phát đi tín hiệu rằng họ sẽ đổ thêm 2,3 triệu thùng mỗi ngày vào thị trường toàn cầu, đưa tổng nguồn cung lên mức đáng kinh ngạc -12,3 triệu thùng.
So sánh về tiềm lực dầu mỏ và khả năng thao túng thị trường, các quan điểm đều đặt cược vào Saudi sẽ có khả năng đi xa trong cuộc chiến, trong khi Nga sẽ ngã gục trước. Điều này xuất phát từ ba yếu tố.
Thứ nhất, trong số các nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới hiện nay, chỉ có một mình Saudi có khả năng tăng sản lượng vượt bậc để bảo đảm không bị thất thu do giá dầu giảm. Nếu giá giảm ở mức 15%, nhưng số thùng được bán tăng lên với một lượng tương tự, dòng doanh thu của quốc gia Ả Rập sẽ ở mức gần như tương đương.
Thứ hai là Saudi có dự trữ ngoại hối hơn 500 tỷ USD, giúp nước này có sự bảo đảm về nguồn tài chính dồi dào. Tỷ lệ nợ của Saudi tính trên GDP cũng chỉ là mức 25%, không phải thuộc nhóm nợ nguy hiểm nên có khả năng vay thêm được ở nhiều nơi khác.
Thứ ba là Thái tử Mohammad Bin Salman, nhà lãnh đạo trẻ được đánh giá là có lòng tự tôn cao, chắc chắn sẽ không muốn thua trong một cuộc cạnh tranh với Nga.
Tuy nhiên, cây bút Eric Reguly lại đưa ra quan điểm ngược lại, cho rằng Nga mới là bên nắm trong tay nhiều tiềm lực hơn.
Trên thực tế, nếu so về tài chính thì Nga cũng có nguồn lực tài chính dồi dào. Dự trữ ngoại hối của Nga lớn hơn 80 tỷ USD so với Saudi Arabia và nợ của nước này trên GDP cũng chỉ ở mức 15%.
Ngoài ra, khả năng cân bằng ngân sách của Nga khi giá dầu thấp cũng “dễ thở” hơn đáng kể so với Saudi. Chris Weafer, chiến lược gia đầu tư và là CEO của công ty tư vấn Moscow’s Macro-Advisory nói rằng, Nga chỉ cần mức giá 38 USD/thùng để đảm bảo ngân sách không bị tổn hại trong khi Saudi cần ít nhất gấp đôi giá đó.
Với 15.000 thành viên trong hoàng gia, cây bút Eric Reguly cho rằng đây cũng là một gánh nặng ngân sách của Saudi khi đưa lên bàn cân so sánh với Nga.
Về phần “tướng tài”, Igor Sechin, ông chủ của Rosneft, công ty dầu mỏ lớn nhất của Nga, cũng được đánh giá là một trong những nhà điều hành tài ba, người sẽ không bao giờ né tránh một cuộc chiến với bất kỳ đối thủ nào.
Nga nhắm tới Mỹ
Đối với Nga, cuộc chiến dầu mỏ hiện tại không chỉ với riêng Saudi và công ty dầu lửa Aramco hùng mạnh của vương quốc này; đó còn là cuộc chiến với người Mỹ, đặc biệt là với các nhà sản xuất dầu đá phiến đã giúp nước Mỹ trở thành “ông vua năng lượng” toàn cầu trong những năm gần đây.
Mục tiêu của Nga là sử dụng giá dầu thấp để đẩy các nhà sản xuất yếu nhất ra khỏi cuộc chơi cũng như cắt giảm thị phần của các công ty dầu đá phiến.
Động lực của Moscow càng được củng cố gấp đôi khi Tổng thống Donald Trump đã sử dụng các biện pháp trừng phạt để ngăn chặn việc hoàn thành đường ống Nord Stream 2 cung cấp khí đốt Siberia cho Đức và gây thiệt hại cho các hoạt động hợp tác với Venezuela của Rosneft.
Tuy nhiên, cây bút Eric Reguly đánh giá, cả Nga và Saudi đang tham gia vào canh bạc lớn sẽ làm tổn thương cả hai trước khi một người chiến thắng cuối cùng lộ diện.
Cần phải nhớ rằng, Mỹ không phải là một đối thủ dễ dàng, cũng như ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ không đơn giản chỉ là kẻ nghiệp dư. Năm 2014, Tổ chức các nước sản xuất dầu mỏ (OPEC) do Saudi dẫn đầu đã phát động một cuộc chiến giá cả để cố gắng vùi dập các công ty dầu đá phiến của Mỹ.
Chiến lược này đã không hoạt động hiệu quả. Các doanh nghiệp dầu đá phiến Mỹ đã nhanh chóng vượt qua khó khăn và trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Việc Nga tiếp tục sử dụng cách thức cũ của Saudi để thử sức và thắng Mỹ được hay không vẫn còn là câu hỏi ngỏ.
Tuy nhiên, Nga dường như có nhiều sức mạnh tài chính hơn Saudi trong cuộc chiến tranh dầu mỏ này khi khẳng định rằng họ có thể xoay sở được ở mức giá dầu 30 USD thùng - hoặc ít hơn - trong vài năm tới.
Đó được coi là cơ hội để Nga tiến lên, nhưng không loại trừ khả năng Nga sẽ khó thành công trong cuộc chiến thách thức với kẻ đứng đầu thị trường năng lượng toàn cầu và là một siêu cường như Mỹ.