Tục kết chạ giữa các làng cổ ở Bắc Giang

Tục kết chạ giữa các làng cổ ở Bắc Giang

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:43
0
Tục kết chạ ở Bắc Giang đã có ở khá nhiều nơi. Có thể là kết nghĩa giữa 2 làng với nhau hoặc có khi một làng kết nghĩa với nhiều làng.

Đặc thù của các làng kết chạ là hai bên đều tự nhận mình là em, tôn bên kia là anh. Đó là cách gọi xưng hô khiêm nhường, tôn kính nhau. Từ cách xưng hô đến cử chỉ họ đều trân trọng nhau, chan hòa cởi mở như người trong một nhà. Họ còn quan niệm dân làng hai bên đều là "dân xã cả, anh em một nhà". Họ cùng quy ước với nhau: Trai gái hai làng không được lấy nhau, không gây bất hòa, đối xử với nhau thân tình, giúp đỡ nhau trong sản xuất, lao động, cuộc sống. Hai bên còn cam kết đi lại thăm hỏi nhau vào dịp lễ hội, tết, hiếu…

Tuy tách ra nhưng cả hai đều không quên gốc rễ ruột rà của mình. Nhưng theo lưu truyền trong dân gian, cũng có khi tục kết chạ bắt nguồn từ thời con người còn thưa thớt, sống heo hút hoang vắng giữa bao la núi rừng và thú dữ, dân hai làng cận kề nhau đã xích lại gần, kết nghĩa anh em để cùng giúp đỡ nhau trong sản xuất, lao động, chống lại thiên tai địch họa, thú dữ và chia vui sẻ buồn trong cuộc sống.

Ngày hội của những làng kết nghĩa bao giờ cũng là ngày đông vui nhất vì có cả làng anh sang chung vui. Trong ngày này, những người con xa quê bao giờ cũng nhớ tìm về hội làng. Trước ngày hội, người người, nhà nhà đều náo nức chuẩn bị. Gói bánh trái, sắm lễ vật lên đình chùa và quần áo là lượt đi đón làng anh. Đặc điểm nổi bật vào ngày hội giữa hai làng kết chạ là cùng tổ chức đoàn đón rước nhau.

Đúng giờ quy ước, cả hai làng với đầy đủ thành phần cùng xuất hành từ làng mình tiến sang làng bên. Đến giữa đường gặp nhau, làng anh làng em cung kính vái chào. Rồi anh trước em sau, cả hai làng cùng tiến vào đình, chùa làng có hội làm lễ. Họ cùng cầu chúc cho nhau một năm mưa thuận gió hòa, làm ăn tấn tới, tình anh em gắn kết bền chặt. Những lời ca, tiếng hát, những trò vui của ngày hội được làng anh và làng em trổ sức đua tài đến thâu đêm. Tan hội ra về, bao giờ làng em cũng có đoàn tiễn làng anh đúng đến điểm gặp lần trước, cung kính vái chào nhau hẹn gặp lại mùa sau.

Ngày nay, những nghi lễ này tuy không được duy trì thường xuyên nhưng hàng năm vào ngày hội làng bao giờ làng anh, làng em cũng gặp nhau. Nhưng đẹp hơn cả sự mời chào, đón rước ấy chính là tình đoàn kết giúp đỡ nhau trong sản xuất, xây dựng và bảo vệ xóm làng trong cuộc sống thường nhật. Điển hình như hai làng kết chạ Phúc Linh và Hương Câu, xã Hương Lâm huyện Hiệp Hòa. Năm 1895, thiên tai khắc nghiệt xảy ra, dân làng Hương Câu gặp khó khăn về kinh tế. Lúc ấy, dân Phúc Linh đã cùng gánh vác chia sẻ khó khăn với dân anh. Cuối thế kỷ XVIII, khi dân Phúc Linh dựng đình lại được dân Hương Câu đến khiêng đá, kéo gỗ giúp không kể ngày đêm.

Vào năm 1987, dân Hương Câu xây dựng phân hiệu II, trường phổ thông cấp II, dân anh Phúc Linh không quản đường xa đến thồ thóc, gánh ngói giúp dân em xây dựng trường. Cứ thế làng anh có việc gì lớn làng em lại sang giúp. Mối quan hệ giữa hai làng vẫn được duy trì bền chặt đến ngày nay. Làng Hà Hạ (xã Việt Tiến) và làng Xuân Lạn (xã Hương Mai) huyện Việt Yên cũng là một trong những làng kết chạ có mối quan hệ mật thiết.

Năm 2006, hai làng đã cùng nhau tổ chức lại lễ hội rước thành hoàng của hai làng. Ông Ngô Văn Tín, xã Hương Mai cho biết: "Sau nhiều năm nay, hai làng chúng tôi đã bàn bạc quyết định mở lại lễ hội rước thành hoàng để cho con cháu hiểu về truyền thống, ý nghĩa tục kết chạ". Ngày nay, các làng kết chạ đã dần bỏ đi được những tập tục cũ lạc hậu như cỗ bàn linh đình, kéo dài nhiều ngày cũng như những rườm rà trong giao tiếp mà dần lưu giữ những nét đẹp vốn có của những làng quê”.

Tục kết chạ vẫn là một phong tục đẹp, riêng biệt của Bắc Giang, góp phần thắt chặt tình nghĩa xóm làng vốn có ở các làng quê.

P.V