Tưởng Giới Thạch, người mê mệt thuật phong thủy

Tưởng Giới Thạch, người mê mệt thuật phong thủy

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:04
0
Mê phong thủy là một “cố tật” của người Trung Quốc, dù là dân thường hay vua chúa. Thế nhưng ít người biết một nhà quân phiệt được đào tạo theo kiểu phương Tây từ nhỏ như Tưởng Giới Thạch mê phong thủy đến như vậy.

Tưởng Giới Thạch là con trai của Tưởng Triệu Thông với bà vợ thứ 3 là Vương Thái Ngọc. Tưởng Triệu Thông vốn là ông chủ cửa hàng muối Ngọc Thái ở thị trấn Khê Khẩu, Phục Hóa, tỉnh Triết Giang. Sau khi vợ cả của Tưởng Triệu Thông bị bệnh qua đời, ông lấy một người vợ kế họ Tôn. Tuy nhiên, không bao lâu sau thì người vợ này cũng bạo bệnh mà chết. Chính vì vậy, Tưởng Triệu Thông mới lấy Vương Thái Ngọc về làm vợ kế, tới ngày 30/10/1887 thì bà sinh ra Tưởng Giới Thạch.

Năm Tưởng Giới Thạch lên 8 tuổi thì Tưởng Triệu Thông mắc bệnh qua đời. Sau khi Tưởng Triệu Thông qua đời ít lâu, người anh cùng cha khác mẹ của Tưởng Giới Thạch là Tưởng Châu Khang đòi phân nhà. Vương Thái Ngọc cùng Tưởng Giới Thạch và cô em gái là Tưởng Thụy Liên được phân ba gian nhà cũ và hơn ba mươi mẫu ruộng ở núi Trúc Sơn.

Bắt đầu từ năm 16 tuổi, Tưởng Giới Thạch rời nhà lên huyện học tại trường Phong Lộc theo kiểu giáo dục mới. Cũng bắt đầu từ đây, Tưởng Giới Thạch bắt đầu bị cuốn vào vòng xoáy của những cuộc đấu tranh chính trị, phải xa mẹ xa quê trong suốt một thời gian dài.

Năm 1920, mặc dù tuổi còn rất trẻ song Tưởng Giới Thạch đã được Tôn Trung Sơn ủy nhiệm làm Tổng Tham mưu trưởng. Tuy nhiên, cũng vì Tưởng Giới Thạch còn quá trẻ nên nhiều vị tướng lĩnh cao cấp trong quân đội không chịu nghe theo lệnh của Tưởng. Chán nản, Tưởng Giới Thạch rời bỏ quân đội, trở về quê phụng dưỡng mẹ già.

Tuy nhiên, thời gian Tưởng Giới Thạch hiếu thuận với mẹ già chưa được bao lâu thì Vương Thái Ngọc lâm bệnh qua đời. Trong thời gian Vương Thái Ngọc lâm bệnh, tự biết mình khó qua khỏi, bà đã bàn với Tưởng Giới Thạch chuyện hậu sự của mình, nói: “Thụy Nguyên (tên ban đầu của Tưởng Giới Thạch), sau khi ta chết, con tuyệt đối không được chôn ta chung với cha con”.

Vì sao Vương Thái Ngọc lại không muốn chôn chung với chồng? Nguyên do là vì Tưởng Triệu Thông sau khi chết được chôn ở dãy núi Đào Khanh, cách thị trấn Khê Khẩu 1 dặm về phía Bắc. Hai người vợ trước của Tưởng Triệu Thông đều được chôn chung cùng ông. Mẹ của Tưởng Giới Thạch nếu chôn cùng ở đây thì sẽ phải chôn phía dưới của hai người vợ đầu.

Chính vì vậy, Vương Thái Ngọc mới không chịu. Vốn là một đứa con có hiếu, từ nhỏ tới lớn chỉ nhận được sự quan tâm chăm sóc của mẹ nên Tưởng Giới Thạch rất nghe lời mẹ. Thế nên, sau khi mẹ mình chết, vì chưa tìm được chỗ thích hợp để chôn cất, Tưởng Giới Thạch đã không cho phép mọi người làm lễ mai táng mẹ mình.

Lúc bấy giờ có một thầy phong thủy nổi tiếng tên là Tiêu Huyên. Tưởng Giới Thạch nghe tiếng nên đã nhờ người giới thiệu tìm đến gặp họ Tiêu, nhờ ông ta tìm cho mẹ mình một nơi an táng hợp phong thủy.

Tiêu Huyên nhìn tướng mạo của Tưởng Giới Thạch biết rằng người này sau này sẽ có sự nghiệp lẫy lừng, song lúc này vận mạng chưa tới mà thôi. Chính vì vậy, Tiêu Huyên ngay lập tức đã đồng ý giúp, theo Tưởng Giới Thạch về Khê Khẩu để tìm nơi có thể chôn mẹ ông ta.

Thị trấn Khê Khẩu vốn có một tấm “lá chắn” là ngọn núi Vũ Lĩnh. Ngọn núi này tiếp giáp với đồng bằng, sau đó lại là những dãy núi cao, địa thế giống như một con rồng đang uống nước, chính vì thế người dân nơi đây thường gọi vùng đất này là “đầu rồng”. Những người cầm quyền ở Khê Khẩu, trước sau đều cấm người dân nơi đây đào bới, khai quật ở vùng đất này, nói sợ sẽ phá hỏng địa thế phong thủy của Khê Khẩu.

Trên đỉnh ngọn núi này có xây một tòa các gọi là Văn Xương các. Tòa các này lâu ngày không được sửa chữa nên đã xiêu vẹo đổ nát. Ở hai bên của tòa các là các bậc đá được xây làm đường đi. Phía Tây là một cây cổ thụ lớn, hướng Nam có một cây cầu bắc qua con suối, gọi là cầu Bích Đàm. Từ thời tổ tiên của Tưởng Giới Thạch đã rất coi trọng địa thế phong thủy nơi đây.

Sau khi được Tưởng Giới Thạch dẫn đi khắp Khê Khẩu xem địa thế, Tiêu Huyên nói với Tưởng: “Địa thế phong thủy nơi đây rất tốt, tuy nhiên đất này không thể xây mộ được. Nếu như xây mộ thì phải đào đất, mà đào đất ắt sẽ đụng tới long mạch.

Người xưa không cho đào bới chỗ này có lẽ cũng là vì đã mời qua thầy phong thủy cao tay xem qua địa thế vùng đất này”. Nói xong, Tiêu Huyên chỉ ngôi các đang xiêu vẹo nói: “Tòa Văn Xương các này cũng không thể đổ, nếu không, thế phong thủy của vùng này cũng bị phá”.

Suy đi tính lại, cuối cùng Tiêu Huyên chọn thung lũng Ngư Lân, gần núi Bạch Nham nằm cách Khê Khẩu 3 dặm về phía Bắc. Toàn bộ địa hình nơi này trông giống như một tượng phật Di Lặc. Địa điểm Tiêu Huyên lựa chọn xây mộ cho mẹ Tưởng Giới Thạch chính là phần rốn trên bụng tượng.

Phía dưới núi có một ngôi miếu gọi là Bạch Nham, Tiêu Huyên nói với Tưởng, nơi đây phong thủy cực kỳ tốt, có thể nói là long mạch. Phong thủy rất trọng long, phàm là thế “rồng cuộn hổ ngồi”, thì tất xuất hiện người tài.

Tuy nhiên, khi xây mộ tuyệt đối không được sử dụng đá và bùn để tránh việc long huyệt bị đè nén quá nặng. Nói xong, Tiêu Huyên ngửa mặt lên trời than: “Nay ta đã tiết lộ cơ trời, ắt sẽ tuyệt tử tuyệt tôn”. Tưởng Giới Thạch nghe theo lời của Tiêu Huyên, khi xây mộ phần cho mẹ, chỉ xây một ngôi mộ rất bình thường bằng đất. Đồng thời, Tưởng cũng bỏ tiền ra cho người xây lại Văn Xương các, đổi tên thành “Lạc Đình”.

Mẹ chết từ tháng 6 nhưng mãi tới tháng 11, sau khi đã tìm được địa điểm chôn cất thích hợp, Tưởng Giới Thạch mới làm lễ mai táng cho mẹ. Tôn Trung Sơn biết tin đã phái Hứa Sùng Trí tới viếng đồng thời mang theo dòng chữ “Tưởng mẫu chi mộ” (Mộ của mẹ Tưởng Giới Thạch) do tự tay ông viết. Những lãnh đạo cấp cao của Quốc dân Đảng như Hồ Hán Dân, Uông Tinh Vệ,… đều gửi câu đối, gọi điện chia buồn với Tưởng Giới Thạch.

Chẳng biết có phải trùng hợp hay không nhưng kể từ năm 1921, sau khi chôn cất mẹ theo hướng dẫn của Tiêu Huyên, con đường binh nghiệp của Tưởng Giới Thạch lên như diều gặp gió. Đến năm 1926, khi mới 39 tuổi, Tưởng Giới Thạch đã được phong làm Tổng Tư lệnh quân Bắc phạt.

Đặc biệt là tới năm 1930, sau cuộc chiến giữa Tưởng và Diêm Tích Sơn, Phùng Ngọc Tường kết thúc thì Tưởng đã nắm toàn bộ quyền lực của quân đội Trung Hoa dân quốc. Chính vì thế, bản thân Tưởng cho rằng, sự nghiệp mà mình có được chính là nhờ địa thế phong thủy ngôi mộ của mẹ mình.

Vì vậy, Tưởng rất lấy làm cảm kích và khâm phục đối với Tiêu Huyên. Để trả ơn cho thầy phong thủy mang lại may mắn cho mình, Tưởng đã bổ nhiệm Tiêu Huyên trở thành Tỉnh trưởng Hà Bắc.

Tuy nhiên, vì Tiêu Huyên nghiện thuốc phiện nặng đã nhiều năm nên không thể nào cáng đáng nổi công việc của một Tỉnh trưởng nên sau đó Tưởng lại bổ nhiệm Tiêu Huyên làm Ủy viên Viện Giám sát, một chức quan chỉ ngồi hưởng lộc chứ không phải làm việc. Ngoài ra, Tưởng Giới Thạch luôn sẵn lòng giúp đỡ Tiêu Huyên bất cứ lúc nào đồng thời nghe theo lời của Tiêu Huyên, tiếp tục sửa sang địa thế phong thủy cho phần mộ của mẹ mình.

Lần sửa sang thứ 2, Tưởng phá bỏ ngôi miếu xây dựng năm 1923, xây hẳn một khu mộ khang trang ở gần mộ mẹ đặt tên là Từ Am. Đây là ngôi miếu được Tưởng bỏ rất nhiều tiền xây theo kiểu Đông Tây kết hợp. Bên trong ngôi miêu chủ yếu thờ phụng tổ tiên nhà họ Tưởng. Lúc này, Tưởng Giới Thạch cũng đem bài vị của cha và mẹ mình đặt cạnh nhau trong miếu, ý rằng, dù không chôn cạnh nhau nhưng linh hồn hai người sẽ ở bên nhau.

Tưởng Giới Thạch

Thời điểm Tưởng Giới Thạch sửa sang mộ lần thứ 2, cũng là lúc Tưởng đang lúc đắc ý trong sự nghiệp. Rất nhiều những người bợ đỡ Tưởng gửi câu đối, bia khắc tới tặng cho Tưởng. Cũng thời điểm này, Tưởng nghe theo lời của Tiêu Huyên, xây dựng một “cung điện” nhỏ ở vị trí của Văn Xương các ở núi Vũ Lĩnh.

Tòa lâu đài của Tưởng một mặt nhìn ra đường lớn, hai mặt giáp với suối, phía sau có núi Vũ Lĩnh che chắn, lại được xây dựng từ trên cao nhìn xuống toàn bộ thị trấn Khê Khẩu. Các căn phòng được xây dựng với hành lang rất rộng. Tiêu Huyên nói rằng, xây dựng như vậy có thể trấn được “đầu rồng”, giúp rồng vĩnh viễn lưu lại tại Khê Khẩu, có thể giúp Tưởng Giới Thạch để lại tên tuổi cả ngàn năm.

Sau này trong thời kỳ chiến tranh với Nhật Bản, tòa nhà đã bị quân Nhật thiêu rụi. Nhiều năm sau, khi đã thất bại phải chạy ra Đài Loan, Tưởng vẫn than thở rằng, chính vì quân Nhật đã hủy hoại tòa nhà trấn “đầu rồng” của mình nên mới dẫn tới sự thất bại của “vương triều” họ Tưởng ở Trung Quốc đại lục.

Hải Phong