Nga “mời gọi” Mỹ?
Ngoại trưởng Sergey Lavrov hôm 17/6 cho biết, Nga sẽ hoan nghênh mọi nỗ lực của Mỹ trong việc sử dụng ảnh hưởng đối với Thổ Nhĩ Kỳ để giúp cho cuộc xung đột Libya giảm nhiệt. Hiện Ankara và Moscow đang đứng ở hai bên bờ chiến tuyến và dường như đang sẵn sàng củng cố thêm sức mạnh quân sự tại quốc gia Bắc Phi.
Thổ Nhĩ Kỳ tuần trước đã từ chối một lệnh ngừng bắn do Ai Cập hậu thuẫn được đưa ra thay mặt cho tướng Khalifa Haftar. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố, vị tướng này chỉ muốn một thỏa thuận ngừng bắn vì giờ ông đã thua trên chiến trường.
Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do tướng Haftar lãnh đạo hồi tháng trước đã phải rút lui sau 14 tháng mở chiến dịch tấn công Tripoli, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bước vào làm thay đổi cán cân cuộc chơi, giúp Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) lật ngược thế cờ.
Trong động thái mới nhất, Ngoại trưởng Lavrov đã hủy bỏ chuyến thăm dự kiến tới Thổ Nhĩ Kỳ khi lệnh ngừng bắn không thành. Với tuyên bố "mời gọi" Mỹ bước vào "vòng đấu mới", giới phân tích đánh giá Moscow đang thể hiện sự khó chịu khi tướng Haftar đánh rơi chiến thắng. Trước đó, Ngoại trưởng Nga từng chỉ trích bất kỳ sự can thiệp nào của phương Tây vào Libya.
GNA hiện đang đe dọa phản công vào phần lãnh thổ của tướng Haftar, nhằm vào các khu vực quan trọng như thành phố ven biển Sirte, thành trì của LNA.
Hiện tại, giới phân tích vẫn còn mơ hồ về “lằn ranh đỏ” của Nga – một sự vi phạm sẽ khiến Nga tăng cường quân đội và lính đánh thuê đến đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya.
“Ranh giới nào sẽ khiến Moscow không thể dung thứ cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu vượt qua? Có phải là Sirte? Điều đó không rõ ràng”, Serge Sukhankin, một nhà phân tích tại Jamestown Foundation nói với VOA.
'Xung đột băng giá'
Theo chuyên gia Sukhankin, “Nga không quan tâm đến chiến thắng cuối cùng của một trong hai phe ở Libya, bao gồm cả chiến thắng cho tướng Haftar. Bởi nếu một trong hai bên xung đột giành được một chiến thắng quân sự ở Libya, Nga có thể bị gạt ra ngoài lề”.
Chính vì vậy, điều Moscow muốn hướng tới là "đóng băng cuộc xung đột ", điều này sẽ cho phép Nga vẫn là một thế lực có tiếng nói quan trọng tại một Libya bị chia cắt.
Nhưng phía Chính phủ GNA dường như muốn tận dụng lợi thế quân sự của mình để phản công và giành lại quyền kiểm soát từ tay lực lượng LNA của tướng Haftar thay vì giữ nguyên hiện trạng.
“Ngửi thấy cơ hội chiến thắng, GNA có thể không thể cưỡng lại sự cám dỗ để đi xa hơn về phía Đông”, Jalel Harchaoui, nhà phân tích tại Viện Clingendael, đánh giá. “Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy họ có động lực để làm điều đó”.
Giới quan sát nhận định, một động thái như vậy có nguy cơ làm mối quan hệ Moscow và Ankara tan vỡ. Trong quá khứ, cả hai đã rất cẩn trọng để ngăn chặn sự xung đột ở Libya và Syria.
“Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là hai quốc gia đóng vai trò đối thủ ở nhiều không gian khác nhau, nhưng họ quá thực tế để nhận ra sự liên kết rất dễ tổn thương. Họ tránh sự thù hằn toàn diện, có sự phối hợp rõ ràng để tránh sự cố và tai nạn”, Harchaoui nói thêm.
Thời đại mới của Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ?
Lời kêu gọi của Ngoại trưởng Lavrov gửi tới Washington để được hỗ trợ đàm phán ngừng bắn tại Libya diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hai bên đã đồng ý về một số vấn đề liên quan đến tình hình Libya. “Một kỷ nguyên mới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ có thể bắt đầu sau cuộc điện đàm”, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nói trong một cuộc phỏng vấn với kênh TRT.
Theo các nhà ngoại giao, nguy cơ leo thang khi các giao tranh dữ dội xung quanh khu vực Sirte đang gia tăng, đặc biệt là nếu GNA tìm cách chiếm các mỏ dầu ở phía Đông Sirte hoặc cố chiếm căn cứ không quân tại Jufra.
Khi xung đột Libya nổ ra, nhiều thế lực nước ngoài đã bị lôi kéo vào cuộc chiến giữa Chính phủ GNA được quốc tế công nhận và lực lượng trung thành với tướng Haftar, người có sự hậu thuẫn của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Saudi Arabia và Ai Cập.
Tờ Jerusalem Post nhận định, Washington cần thay đổi thái độ ôn hòa đối với sự hiếu chiến của Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya. Nếu không có thái độ phê phán hơn của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở nên hung hăng hơn đối với các đồng minh của nước này ở Đông Địa Trung Hải.