Tương lai nào cho Singapore sau chiến lược “sống chung với virus”?

Tương lai nào cho Singapore sau chiến lược “sống chung với virus”?

Nguyễn Thị Minh Đức

Nguyễn Thị Minh Đức

Thứ 3, 21/12/2021 15:39

Singapore đang bước sang năm 2022 với nhiều vấn đề, từ sự gia tăng liên tục của lạm phát đến sự chậm lại của quá trình phục hồi kinh tế.

Một năm trước, Singapore chào đón năm 2021 với hy vọng giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch đã qua. Thời điểm đó, Thủ tướng Lee Hsien Loong ví sự kiện đảo quốc này phát động chiến dịch tiêm chủng như là nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm”.

Kể từ đó, các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và làn sóng lây nhiễm Covid-19 tồi tệ nhất ở Singapore đã “vùi dập” kỳ vọng sớm mở cửa trở lại của “đảo quốc sư tử”, cho dù họ tự hào là một trong những quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới.

Giờ đây, khi sắp bước sang năm 2022, việc biến thể mới Omicron đang lan rộng toàn cầu đã làm dấy lên mối lo ngại về những sự kéo lùi và nguy cơ tái phong tỏa, cho dù thực tế là cho đến nay Chính phủ Singapore vẫn đang tiếp tục quá trình mở cửa trở lại.

Những thách thức mới như sự gia tăng liên tục của lạm phát và sự chậm lại của phục hồi kinh tế sẽ khiến mọi ánh mắt tập trung theo dõi cách các nhà hoạch định chính sách phản ứng.

Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi cách các chính sách kinh tế giải quyết những thách thức dài hạn như biến đổi khí hậu và bất bình đẳng thu nhập – yếu tố làm ảnh hưởng đến danh tiếng thân thiện với doanh nghiệp của Singapore.

Đảo quốc sư tử sẽ bước vào năm 2022 với khá nhiều vấn đề cần xử lý.

Trục trặc trong quá trình mở cửa trở lại

Trong quá trình “xoay trục” sang chiến lược “sống chung với virus”, Singapore đã gặp phải nhiều trở ngại. Việc số ca bệnh tăng vọt vào mùa thu năm nay đã khiến các nhà chức trách phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế cục bộ.

Trong những tuần gần đây, sự xuất hiện của biến thể mới Omicron đã làm gián đoạn kế hoạch mở rộng chương trình “Hành lang du lịch cho khách đã tiêm vắc-xin” (VTL) tới các địa điểm khác như Dubai.

Thế giới - Tương lai nào cho Singapore sau chiến lược “sống chung với virus”?

Trong quá trình "xoay trục" sang chiến lược "sống chung với virus", Singapore đã gặp phải nhiều trở ngại. Ảnh: Culture Trip

Thực ra, sự mở cửa được chờ đợi từ lâu của Singapore đã được dự đoán là “đầy chông gai” ngay cả trước khi Omicron xuất hiện.

Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore (SBF) nhận thức được đây là một hành trình đang diễn tiến, đầy thử thách, và “sẽ không suôn sẻ vì chúng ta sẽ cần phải thích ứng không ngừng nhằm đảm bảo sống chung một cách an toàn và có trách nhiệm trong môi trường bệnh đặc hữu".

Sự hoành hành của Omicron "chắc chắn đã gây cản trở cho các kế hoạch mở cửa trở lại và có thể làm trầm trọng thêm nhập khẩu lạm phát, khi các biện pháp kiểm soát biên giới và tăng cường kiểm dịch cũng góp phần gây tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu", Bloomberg dẫn lời Selena Ling, trưởng bộ phận nghiên cứu và chiến lược ngân quỹ tại Oversea-Chinese Banking Corp, cho biết.

Theo Bộ Thương mại Singapore, sự phục hồi kinh tế của đảo quốc này đã được dự đoán sẽ chậm lại, xuống còn 3-5% trong năm tới, từ mức khoảng 7% trong năm nay. Tuy nhiên, hầu hết các nhà kinh tế vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Singapore khi số ca nhiễm bệnh đang giảm dần.

"Chúng tôi thấy có dư địa đáng kể cho các lĩnh vực dễ bị tổn thương như du lịch và hàng không có thể theo kịp sự phục hồi chung, các chuyên gia kinh tế tại Nomura Holdings Inc. cho biết trong một báo cáo tháng 12.

Sản xuất hàng điện tử và dược phẩm, vốn tương đối không bị ảnh hưởng bưởi tốc độ tăng trưởng toàn cầu chậm hơn, có thể tiếp tục nâng cao nền kinh tế của Singapore, họ cho biết.

Sự gia tăng các vị trí tuyển dụng cho thấy triển vọng tìm kiếm việc làm mạnh mẽ, với tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 1,9% trong năm tới, thấp hơn mức trước đại dịch là 2,2%.

Đương đầu với làn sóng lạm phát

Với tư cách là một trung tâm thương mại, so với hầu hết những nơi khác, Singapore có thể nhạy cảm hơn với những nút thắt chặt chẽ hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tình trạng tắc nghẽn của chuỗi cung ứng và cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu khiến giá lương thực và hóa đơn điện trong nước tăng cao.

Mặc dù Singapore không lâm vào tình trạng giá cả leo thang tồi tệ như ở Mỹ hay Brazil, nhưng lạm phát lõi ở nước này đã đạt mức cao nhất trong hơn 2 năm vào tháng 11/2021. Lạm phát toàn phần dự kiến cũng sẽ tiếp tục tăng trong năm tới, trước khi dịu đi.

Thế giới - Tương lai nào cho Singapore sau chiến lược “sống chung với virus”? (Hình 2).

Lạm phát lõi ở Singapore đã đạt mức cao nhất trong hơn 2 năm vào tháng 11/2021. Ảnh: The Edge Markets

Hầu hết các nhà quan sát kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Singapore (MAS) sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ một lần nữa vào tháng 4/2022.

Mức độ quyết liệt của MAS trong điều hành chính sách tiền tệ vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Ngân hàng đã gây ngạc nhiên cho thị trường vào tháng 10 khi thắt chặt chính sách và tuyên bố đã “sẵn sàng hành động” để chống lại rủi ro lạm phát hơn nữa.

Faiz Nagutha, nhà kinh tế ASEAN tại Bank of America Securities, kỳ vọng MAS sẽ tăng độ dốc của biên độ tiền tệ lên 1% mỗi năm, từ mức 0,5% hiện tại. Trong trường hợp lạm phát tăng nhanh hơn nữa, con số này có thể lên tới 1,5%, theo kịch bản cơ sở của Goldman Sachs Group Inc., Nagutha cho biết thêm.

Điều tiết thị trường bất động sản

Việc thị trường bất động sản hoạt động mạnh mẽ trong năm nay từ lâu đã trở thành chủ đề được người dân Singapore quan tâm và khiến Chính phủ nước này phải đưa ra các biện pháp điều tiết từ giữa tháng 12. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2018 các biện pháp như vậy được áp dụng.

Có những dấu hiệu cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể đẩy nhanh việc tăng lãi suất trong năm tới. Điều này có thể khiến lãi suất trên toàn cầu tăng cao, làm dấy lên lo ngại rằng người đi vay ở Singapore có thể dễ bị tổn thương.

Các biện pháp mới như áp dụng thuế tem bổ sung đối với ngôi nhà thứ hai được cho là nhắm vào những người đi vay để mua bất động sản tư nhân, Christine Sun, phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu và phân tích tại OrangeTee & Tie Pte Singapore, cho biết.

Các nhà quan sát thị trường đang bất đồng quan điểm về tác động làm giảm động lực thị trường mà các chính sách mới có thể mang lại. Theo dự đoán của Sun, giá nhà riêng sẽ tăng “với tốc độ chậm hơn nhiều” vào năm 2022, trong khoảng 0-3%.

Alan Cheong, giám đốc điều hành phụ trách nghiên cứu tại Savills Plc, cho biết các biện pháp mới có thể hạn chế người nước ngoài mua bất động sản nhà ở tư nhân ở Singapore, nhưng “không gây ra bất kỳ tác động đáng kể nào" đến nhu cầu trong nước.

Cheong vẫn kỳ vọng giá nhà ở tư nhân tại Singapore sẽ tăng 7% trong năm tới, vì “niềm tin rằng bất động sản là hàng rào chống lạm phát” có nghĩa là lạm phát tăng có thể là động lực thúc đẩy nhu cầu trên thị trường bất động sản. Ông không cho rằng Chính phủ sẽ thực hiện bất kỳ sự can thiệp đáng kể nào vào thị trường bất động sản trong năm tới.

Chính sách thuế cho phục hồi hậu Covid-19

Người dân Singapore có thể chia sẻ quan điểm và đóng góp đề xuất về Ngân sách 2022, bắt đầu từ ngày 7/12 đến ngày 17/1 năm sau.

Các đề xuất sẽ được xem xét dựa trên 3 chủ đề: Giúp Singapore phát triển mạnh mẽ trong một thế giới hậu Covid-19; củng cố tổ chức xã hội của Singapore để xây dựng một quốc gia hòa nhập hơn; và chuẩn bị một tương lai xanh hơn và bền vững hơn cho Singapore.

Theo đó, công chúng sẽ đặc biệt chú ý xem liệu có bất kỳ động thái nào nhắm vào giới nhà giàu và liệu thuế có bị tăng để bù đắp thâm hụt ngân sách sau 2 năm đất nước đương đầu với đại dịch.

Thế giới - Tương lai nào cho Singapore sau chiến lược “sống chung với virus”? (Hình 3).

Người dân Singapore có thể đưa ra quan điểm của họ về những thách thức và cơ hội đối với các gia đình, hộ gia đình, người lao động và doanh nghiệp trong thế giới hậu Covid-19. Ảnh: Straits Times

"Chính sách tài khóa cụ thể sẽ ưu tiên hoàn vốn cho cân đối ngân sách, điều này có thể có nghĩa là một loạt các đợt tăng thuế", các chuyên gia kinh tế của Citigroup Inc. cho biết.

Giới chức Singapore đang tham vấn giới tinh hoa doanh nghiệp về các thay đổi trong chính sách thuể, theo Bloomberg. Nhưng Thủ tướng Lee Hsien Loong hồi tháng 11 cho biết rằng, việc tìm ra cách hiệu quả để đánh thuế tài sản là “không dễ dàng”.

Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong cho biết thuế carbon sẽ tăng vào năm 2024 trong bối cảnh đảo quốc này đang thực hiện các bước bổ sung nhằm chống lại biến đổi khí hậu.

Các chuyên gia kinh tế của Citigroup cho biết, việc tăng thuế hàng hóa và dịch vụ có thể sẽ được thực hiện vào tháng 7 tới, thay vì vào năm 2025 như Chính phủ đã thông báo.

Trinh Nguyen, chuyên gia kinh tế cấp cao về Châu Á mới nổi tại Natixis SA, cho rằng Chính phủ Singapore sẽ “hành động khá thận trọng” về thuế trong khi thúc đẩy sự phục hồi.

Minh Đức (Theo Bloomberg, Business Times Singapore, Straits Times)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.