Tuyển sinh 2023: Chọn ngành, chọn nghề phải có "chiến thuật"

Tuyển sinh 2023: Chọn ngành, chọn nghề phải có "chiến thuật"

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Thứ 3, 28/02/2023 19:00

Hiện nhiều trường đại học bắt đầu thông báo nhận hồ đăng ký xét tuyển năm 2023 theo các phương thức xét tuyển sớm.

Thí sinh cần tránh chọn ngành theo số đông

Bộ GD&ĐT cho biết kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông (THPT) và tuyển sinh đại học năm 2023 cơ bản giữ ổn định như năm 2022. Dự kiến, kế hoạch tuyển sinh 2023 sẽ được công bố sớm hơn mọi năm để thí sinh có thể kịp bắt đầu năm học từ tháng 9/2023.

PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết để chuẩn bị tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, Bộ GD&ĐT dự kiến sửa đổi, bổ sung một số quy định theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Các quy định về phương thức tổ chức thi, bài thi, ra đề thi, coi thi, chấm thi, cách tính điểm xét tốt nghiệp, phúc khảo... về cơ bản giữ nguyên. Bộ chỉ điều chỉnh một số nội dung mang tính kỹ thuật, nghiệp vụ để tăng cường kỷ cương, nề nếp phòng thi, đáp ứng tốt hơn yêu cầu tổ chức kỳ thi an ninh, an toàn

Trao đổi báo Tiền Phong, PGS. TS Vũ Duy Hải, Phó trưởng phòng Tuyển sinh, Đại học Bách khoa Hà Nội, nhiều ngành học không theo hot trend nhưng vẫn luôn có nhu cầu việc làm lớn.

PGS.TS Vũ Duy Hải cho hay qua thực tiễn tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, hiện tại thí sinh đang quan tâm nhiều tới các ngành học liên quan tới các lĩnh vực ưu tiên trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như Công nghệ thông tin, Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo, IoT, Tự động hóa… vì trong những năm qua, cả thế giới đều đề cập tới nội dung này.

Đặc biệt, một số ngành học truyền thống, cốt lõi của nền công nghiệp, hay Việt Nam có thế mạnh, nhu cầu về nguồn lao động lớn nhưng thí sinh ít quan tâm hơn như nhóm ngành về Vật liệu, Cơ khí, Chế tạo máy, Dệt may, Môi trường, Hóa học, Nhiệt lạnh… Lý do là các ngành này ít được nhắc tới hơn trên các phương tiện truyền thông, thí sinh cho rằng đây không phải là lĩnh vực thuộc top “Hi-Tech”.

Thực tế các lĩnh vực truyền thống sẽ không thể thiếu trong nền công nghiệp, dù ở giai đoạn phát triển nào. Vì vậy, nhu cầu về nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành này rất lớn. Bên cạnh đó, những ngành học mà Việt Nam đang có thế mạnh như May mặc, Da giầy, Bảo quản nông sản… sẽ luôn cần nguồn lao động tốt với mức lương hấp dẫn. Các số liệu thống kê của Đại học Bách khoa Hà nội về việc làm và thu nhập của cựu sinh viên của các ngành học này cũng đã nói lên điều đó.

PGS Vũ Duy Hải khẳng định thí sinh hiện nay rất chủ động trong việc chọn ngành học theo sở thích. Tuy nhiên, nhiều thí sinh chưa thực sự tìm hiểu kỹ về các ngành học truyền thống, các ngành nghề mà Việt Nam đang có thế mạnh. Thí sinh chưa nghiên cứu kỹ lưỡng trong việc chọn ngành học phù hợp nhất với sở trường, thế mạnh của mình để sau khi tốt nghiệp sẽ có được ưu thế trong tìm kiếm việc làm với mức lương hấp dẫn. Do đó, PGS Vũ Duy Hải khuyên bên cạnh sở thích hay niềm đam mê đã dành cho ngành dự định học, thí sinh hãy dành thời gian tìm hiểu thêm, tham khảo ý kiến từ người thân hay từ các thầy cô tư vấn hướng nghiệp để lựa chọn ngành học phù hợp nhất với năng lực của bản thân, phù hợp với điều kiện của gia đình để sau đó có thể phát huy tối đa thế mạnh trong môi trường đại học; tạo nhiều ưu thế cạnh tranh sau khi tốt nghiệp. Thí sinh nên tránh việc chọn ngành học theo xu thế, theo số đông, đánh mất đi sở trường của bản thân.

Giáo dục - Tuyển sinh 2023: Chọn ngành, chọn nghề phải có 'chiến thuật'

Ảnh minh họa.

Mơ hồ và chưa hiểu rõ về nghề

PGS, TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ với Dân Sinh: Kết quả khảo sát 1.400 học sinh năm 2020 của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Giáo dục cho thấy, 40% học sinh đã xác định hướng nghề lựa chọn nhưng vẫn mơ hồ và chưa hiểu rõ về nghề; 25% học sinh không thống nhất được với cha mẹ về nghề đã chọn; 30% học sinh còn băn khoăn hoặc chưa chọn được nghề; 5% học sinh đã định hướng được nghề nhưng không phù hợp bản thân.

Nhấn mạnh về vấn đề này, PGS, TS Trần Thành Nam chỉ ra 8 sai lầm của cha mẹ khi định hướng nghề nghiệp cho con như: Thiếu tôn trọng mong muốn của con; áp đặt với suy nghĩ “còn nhỏ chưa biết gì”; coi trọng hình thức nghề hơn giá trị nghề; bỏ mặc, không quan tâm định hướng nghề; sắp đặt toàn bộ lộ trình cho con; chọn nghề, hướng nghiệp không căn cứ vào khả năng của con; sử dụng tài chính để giúp con có việc làm; chú ý cơ hội xin việc hơn là cơ hội phát huy sở trường.

Về phía học sinh, có 6 sai lầm khi chọn ngành nghề gồm: Dựa hoàn toàn vào năng lực học tập; chọn nghề theo trào lưu; chọn nghề vì lý do kinh tế; chọn nghề được xã hội trọng vọng; dành quá ít thời gian để tìm hiểu nghề nghiệp; tư tưởng học gì cũng được miễn là đại học. Ông Nam đưa ra lời khuyên, học sinh hãy dành thời gian để khám phá bản thân, tìm lĩnh vực mình yêu thích; xác định môi trường học mà mình mong muốn, tham khảo cơ sở vật chất, chương trình học, tình hình kinh tế gia đình… từ đó đưa ra quyết định cuối cùng.

“Khi chọn trường, thí sinh nên hướng tới thị trường lao động 5 - 7 năm sau. Nhiều nghề có thể mất đi, bị thay thế bởi robot và không ít ngành nghề mới sẽ xuất hiện. Đặc biệt, không có ngành học nào “hot” với tất cả thí sinh. Điều quan trọng là xác định nhóm ngành nghề phù hợp năng lực sở trường bản thân, nhu cầu của thị trường lao động”, PGS, TS Trần Thành Nam chia sẻ.

Cần có chiến thuật chọn nguyện vọng

Thông tin trên báo Tuổi Trẻ, một phụ huynh ở Hải Phong đặt câu hỏi: "Các thầy có thể chia sẻ chiến thuật sắp xếp các nguyện vọng để dung hòa giữa sở trường bản thân và nhu cầu của xã hội?". PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường đại học Ngoại Thương, đánh giá câu hỏi của phụ huynh rất hay.

"Chúng ta lựa chọn trường trước hay ngành trước? Chiến thuật, chiến lược là chúng ta chọn ngành trước và chọn trường sau. Chúng ta phải xác định một danh mục các ngành thật ngắn gọn, không thể chọn ngành quá đa dạng được, điều này sẽ dẫn tới ảnh hưởng công việc sau này", cô Hiền nói.

Ngoài ra, cô Hiền tư vấn "bí kíp" chọn ba nhóm ngành xét tuyển. Nhóm thứ nhất là nhóm ngành ước mơ, kỳ vọng. Đây là những ngành các em yêu thích nhất. Nhóm hai là nhóm vừa sức gồm các ngành các em mong muốn học và có nhiều cơ hội đỗ, vừa sức so với năng lực, sở trường của các em. Nhóm ba là nhóm tránh rủi ro, giúp các thí sinh không bị "trắng tay".

Trúc Chi (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.