Điểm chuẩn nhiều trường "chạm trần"
Tính đến 17h ngày 17/9, các trường đại học trên cả nước hoàn thành công bố điểm chuẩn trúng tuyển. Điểm mới của mùa tuyển sinh năm nay là Bộ GD&ĐT thực hiện lọc ảo chung ở tất cả các phương thức xét tuyển.
Kỳ tuyển sinh đại học 2022, với quy trình lọc ảo chung, điểm chuẩn đại học năm nay có biến động. Nhiều ngành học thu hút lượng lớn thí sinh đăng ký có điểm chuẩn tăng mạnh. Số ngành học có điểm chuẩn từ 27, 28 điểm trở lên xuất hiện rất nhiều. Thậm chí có nhiều ngành có mức điểm trúng tuyển gần tuyệt đối 30/30 điểm.
Sau khi biết điểm chuẩn, với các thí sinh đỗ nguyện vọng 1 là điều niềm vui rất lớn đối vói bản thân, gia đình và cả các thầy cô. Tuy nhiên, cũng có nỗi buồn của nhiều thí sinh vì trượt đại học dù đạt tổng điểm rất cao. Với phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, nhiều ý kiến lo ngại, liệu có bỏ sót người tài.
Theo đó, để tránh điểm chuẩn cao ngất ngưởng, trong danh sách công bố điểm chuẩn, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có 5 chương trình chỉ tuyển theo điểm đánh giá tư duy, không sử dụng phương thức dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022. Những chương trình này đều thuộc nhóm ngành có điểm chuẩn đánh giá tư duy cao nhất.
Năm nay một số ngành tuy điểm chuẩn phương thức đánh giá tư duy không cao nhưng điểm chuẩn phương thức dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT khá cao, như Hệ thống thông tin quản lý có điểm chuẩn là 26,54 điểm, Toán tin là 26,45 điểm, Kỹ thuật ô tô là 26,41 điểm, Kỹ thuật cơ điện tử là 26,33 điểm.
PGS. TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, 5 chương trình này có tính cạnh tranh cao nhất, nếu sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022 thì điểm chuẩn những chương trình này có thể “chạm trần”.
Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, việc phải đặt ra điểm chuẩn quá cao là bất đắc dĩ. Điều đó thể hiện một môi trường tuyển sinh không thực sự lành mạnh, bởi có nguy cơ đánh trượt nguyện vọng 1 cả những thí sinh xuất sắc, vì sơ suất nhỏ khi làm bài mà điểm các em không đủ cao.
Sau khi công bố điểm chuẩn, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) là một trong những đơn vị khiến dư luận xã hội lên “cơn sốt” bởi một loạt ngành khối C của trường này có mức điểm chuẩn suýt “chạm trần” với mức 29,95.
Giải thích về hiện tượng này, GS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường, đưa trường hợp ngành báo chí như một điển hình. Theo GS Tuấn, năm 2022 trường dự kiến tuyển 55 chỉ tiêu ngành báo chí, trong đó 25 chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, 30 chỉ tiêu dành cho 4 phương thức khác. Với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, trường lại xét tuyển 6 tổ hợp (A01, C00, D01, D04, D78, D83), thành ra trung bình mỗi một tổ hợp chưa tới 5 chỉ tiêu trúng tuyển. Riêng tổ hợp C00, trường nhận được tổng cộng 2.544 nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Như vậy, có thể thấy tỷ lệ chọi vào ngành báo chí năm nay rất cao ở khối C00, khoảng 1 chọi hơn 500 thí sinh.
Khó đoán định chất lượng đầu vào
Do quá nhiều yếu tố ảnh hưởng tới mức điểm chuẩn, nên nhìn vào điểm chuẩn, dư luận khó đoán định chất lượng đầu vào của các trường năm nay.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề tuyển sinh đại học năm 20022, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho rằng, việc điểm chuẩn đại học cao không nói lên được chất lượng thí sinh vì hiện nay Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã có sự điều chỉnh về đề thi với mục tiêu cao nhất là xét tốt nghiệp THPT.
Phân tích bức tranh điểm chuẩn trúng tuyển đại học chính quy năm học 2022-2023 vừa được các cơ sở đào tạo công bố, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, ông không bất ngờ khi điểm chuẩn của một số ngành/chương trình vẫn rất cao trong khi điểm chuẩn của một số ngành kỹ thuật lại “hạ nhiệt”.
Nhìn lại phổ điểm kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022, nếu như năm 2021 số điểm 7 trở lên của môn Ngữ văn chiếm 41,7 % thì năm 2022 là 42 %; Điểm môn Lịch sử năm 2021 có 5,44% bài thi đạt 8 điểm trở lên thì năm 2022 tăng đột biến lên 18,1%; Môn Địa lý số bài thi đạt điểm 8 cũng tăng vọt… Điều này khiến cho điểm chuẩn các ngành/chương trình đào tạo tuyển sinh bằng tổ hợp C00 đều rất cao, thậm chí một số ngành của Trường đại học Khoa học-Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) tăng tối thiểu 2 điểm.
Trong khi đó, theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, một số ngành/chương trình đào tạo khối kỹ thuật của Đại học Quốc gia Hà Nội điểm chuẩn có “hạ nhiệt” hơn so với năm 2021. Điều này một phần do kết quả thi tốt nghiệp THPT của môn Toán thấp hơn năm 2022. Cụ thể nếu như năm 2021 có 25,8% bài thi môn Toán đạt điểm 8 trở lên thì năm 2022 chỉ có 21,8%; tỉ lệ điểm giỏi môn tiếng Anh năm 2022 cũng giảm đột biến so với năm 2021. Điều này khiến cho phổ điểm tổ hợp xét tuyển Toán-Lý-Anh giảm và kéo theo đó điểm chuẩn xét tuyển tổ hợp này thấp hơn năm 2021.
“Đặc biệt đối với Đại học Quốc gia Hà Nội để xét tuyển vào các ngành/chương trình đào tạo, thí sinh phải có điểm thi môn tiếng Anh từ 6 điểm trở lên. Thực tế thí sinh vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa có thể điểm thi môn Toán cao nhưng điểm tiếng Anh lại không đạt yêu cầu. Điều này cũng khiến cho điểm chuẩn bị kéo tụt xuống ở một số ngành”, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nói.
Ông Đức còn nhấn mạnh, việc một số ngành/chương trình đào tạo khối khoa học kỹ thuật của ĐHQG Hà Nội “hạ nhiệt” trong khi điểm chuẩn tổ hợp C00 tăng lên không chỉ là bức tranh tuyển sinh của ĐHQG Hà Nội mà cũng là bức tranh chung công tác tuyển sinh của tất cả các ngành/chương trình đào tạo trong cả nước. Việc điểm chuẩn cao cũng không nói lên được chất lượng thí sinh tăng lên vì hiện nay kỳ thi tốt nghiệp THPT đã có sự điều chỉnh về đề thi. Mục tiêu xét tốt nghiệp THPT đạt được kết quả rất tốt nhưng để làm căn cứ tuyển sinh vào đại học thì còn nhiều vấn đề đặt ra.
Đánh giá về công tác xét tuyển chung năm 2022, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho rằng, năm 2022 là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT thực hiện xét tuyển chung tất cả các phương thức xét tuyển trên cùng một hệ thống. Điều này tạo sự công khai, minh bạch và cơ hội bình đẳng cho thí sinh.
Tuy nhiên, ông Đức cho rằng hệ thống, quy trình cũng bộc lộ những trục trặc trong quá trình đăng ký, nộp lệ phí và xét tuyển. Điều này đòi hỏi Bộ GD&ĐT có những đánh giá cụ thể, khách quan, thẳng thắn tất cả những mặt được cũng như những tồn tại, hạn chế để làm tốt hơn trong những năm tới.
Làm thế nào để kìm hãm “phi mã” điểm chuẩn?
Một số trường đại học mọi năm vẫn được dư luận chú ý bởi điểm chuẩn thường xuyên đứng hàng top thì năm nay điểm chuẩn lại có xu hướng giảm.
Đầu bảng điểm chuẩn phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội năm nay là mã ngành kỹ thuật máy tính, 28,29 điểm. Đây cũng là mã ngành duy nhất trong số 60 mã ngành của trường có mức điểm chuẩn trên 28. Tuy nhiên, điều đáng nói là năm nay mã ngành khoa học máy tính không có điểm chuẩn phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, cùng với 4 mã ngành khác.
Trao đổi với báo chí, PGS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, giải thích đây là 5 mã ngành có tính cạnh tranh cao nhất, nếu sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT thì sẽ đẩy điểm chuẩn những mã ngành này lên “đụng trần”. Trong khi đó, nhà trường quan niệm việc phải đặt ra điểm chuẩn quá cao là bất đắc dĩ, nó thể hiện một môi trường tuyển sinh không thực sự lành mạnh, bởi có nguy cơ đánh trượt nguyện vọng 1 cả những TS xuất sắc nhưng vì sơ suất nhỏ khi làm bài mà điểm không đủ cao.
Chia sẻ liên quan vấn đề này, PGS Huỳnh Văn Chương, Chủ tịch Hội đồng Đại học của Đại học Huế, cho biết qua quan sát tuyển sinh theo xu hướng tự chủ hiện nay, mỗi ngành có nhiều phương thức xét tuyển, trong khi đó chuẩn đầu vào các phương thức xét tuyển chưa được đánh giá và có phương pháp đối sánh chất lượng với nhau. Vì thế, nhiều ngành dành chỉ tiêu thấp cho phương thức xét tuyển theo kết quả thi THPT, vì vậy nhiều trường đẩy điểm chuẩn theo phương thức kết quả THPT lên rất cao, nhằm tạo thương hiệu nhưng thực chất số lượng tuyển rất ít. Điều này đặt ra bài toán sự đồng đều chất lượng đầu vào của các phương thức xét tuyển, sự công bằng và đảm bảo chất lượng cho quá trình đào tạo.
"Bình đẳng nhưng chưa công bằng"
Trước những trường điểm điểm chuẩn tăng mạnh, GS.TS Nguyễn Minh Hà, hiệu trưởng Trường Đại học Mở Tp.HCM cho biết: Chưa bình đẳng giữa các phương thức.
Theo GS.TS Hà tuyển sinh là việc tuyển chọn, trong đó điểm số là tiêu chí cơ bản nhất nên việc các trường xác định điểm chuẩn cao chót vót là điều bình thường. Trường xác định điểm chuẩn dựa trên chỉ tiêu còn lại của phương thức, tổ hợp xét tuyển. Điểm chuẩn phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó quan trọng là chỉ tiêu, nên khi các trường đa dạng phương thức tuyển sinh, họ buộc phải phân chia chỉ tiêu cho từng phương thức và tổ hợp. Điều này khiến cho chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT còn rất ít. Đó là lý do khiến điểm chuẩn cao.
Tuy nhiên, việc phân chia tỉ lệ các phương thức, lựa chọn phương thức tuyển sinh cũng chưa công bằng với tất cả thí sinh và ngay cả giữa các phương thức với nhau. Mỗi phương thức có chỉ tiêu, trọng số tính điểm khác nhau đó là chưa công bằng giữa các phương thức.
Một vài phương thức, không phải tất cả thí sinh đều biết hoặc biết nhưng không có điều kiện tham gia. Điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp không cùng thang đánh giá nhưng vẫn là căn cứ để xét tuyển vào đại học như nhau. Như vậy, cơ hội vào đại học không công bằng giữa các thí sinh tham gia xét tuyển các phương thức khác nhau.
Đồng quan điểm, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Tp.HCM nói: Chưa công bằng với tất cả thí sinh.
Điểm đầu vào đại học của nhiều ngành có điểm chuẩn rất cao, thí sinh đạt trên 9 điểm mỗi môn vẫn rớt là điều bình thường trong tuyển sinh. Năm nay đề sử dễ nên điểm thi tăng rất mạnh, điểm 9, 10 nhiều do đó điểm chuẩn tổ hợp văn - sử - địa ở nhiều trường tăng, điểm chuẩn gần kịch trần. Nhiều năm trước hầu như không có mức điểm chuẩn "khủng" như những năm gần đây.
Ngoài yếu tố đề thi hằng năm khác nhau, một yếu tố khác đẩy điểm chuẩn phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT tăng đó là vài năm gần đây các trường tuyển sinh rất nhiều phương thức nên chỉ tiêu còn lại cho phương thức xét điểm tốt nghiệp không nhiều. Đề dễ, điểm thí sinh cao, chỉ tiêu ít khiến cho điểm chuẩn phương thức xét điểm thi tốt nghiệp bị đẩy lên gần như tuyệt đối. Đó là việc bình thường trong tuyển sinh.
Dù các trường tự chủ tuyển sinh, tự chọn các phương thức và phân bổ chỉ tiêu cho từng phương thức, tổ hợp nhưng cũng cần xét đến mặt bằng chung để cơ hội vào đại học bình đẳng với mọi thí sinh. Thí sinh ở vùng sâu vùng xa sẽ khó cạnh tranh lại thí sinh ở thành phố trong các phương thức xét kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, thi đánh giá năng lực. Các em chỉ còn dựa vào xét điểm thi tốt nghiệp và vì chỉ tiêu còn ít nên cơ hội vào đại học của các bạn cũng rất mong manh, do điểm chuẩn sẽ bị đẩy lên cao.
Bộ GD&ĐT lưu ý, từ ngày 16/9 đến trước 17h ngày 30/9, tất cả thí sinh phải xác nhận nhập học trực tuyến trên Hệ thống.
Cơ sở đào tạo không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học hoặc nhập học trước ngày 16/9 và không được kết thúc xác nhận nhập học hoặc kết thúc nhập học trước 17h ngày 30/9.
Các cơ sở đào tạo, nhóm cơ sở đào tạo lưu ý bảo mật thông tin trong quá trình xét tuyển, xử lý nguyện vọng.
Trúc Chi (t/h theo VOV, Đại Đoàn Kết, Thanh Niên, Tuổi Trẻ)