Quy trình tổ chức xét tuyển
Quy trình tổ chức xét tuyển, xử lý nguyện vọng xét tuyển đại học trên hệ thống diễn ra như sau:
Từ 7h ngày 4/9 đến 17h ngày 9/9: các trường tải cơ sở dữ liệu trên hệ thống và tổ chức xét tuyển.
Từ 7h đến 11h ngày 10/9: tải kết quả xét tuyển lần 1 (tất cả các phương thức tuyển sinh) của các trường lên hệ thống.
14h ngày 10/9: Bộ GD&ĐT trả kết quả xử lý nguyện vọng lần 1; các trường tải về kết quả xử lý nguyện vọng lần 1.
Từ ngày 11/9 đến ngày 15/9: sẽ có thêm 5 lần xử lý nguyện vọng tương tự với quy trình mỗi ngày giống như lần 1.
Trước 17h ngày 17/9: các trường nhập mức điểm trúng tuyển và kết quả xét tuyển lên hệ thống; rà soát và công bố kết quả trúng tuyển đợt 1.
Trước 17h ngày 30/9: các thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống.
Từ tháng 10 đến tháng 12: các cơ sở đào tạo có thể tổ chức tuyển sinh các đợt bổ sung. Thí sinh có nhu cầu xét tuyển các đợt bổ sung sẽ thực hiện theo đề án tuyển sinh được đăng tải trên trang thông tin tuyển sinh của các cơ sở đào tạo.
Theo các mốc thời gian Bộ GD&ĐT đã công bố, các trường tải dữ liệu, thông tin xét tuyển trên hệ thống, tổ chức xét tuyển, xử lý nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống để xác định nguyện vọng cao nhất trong số nguyện vọng mà thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển.
Cũng theo Bộ GDĐT, hệ thống đã được nâng cấp để đáp ứng được các thay đổi của quy chế và các văn bản quy định về tuyển sinh, qua đó thuận tiện cho thí sinh đăng ký, kiểm tra, nộp lệ phí xét tuyển.
Hệ thống hỗ trợ các trường dữ liệu tuyển sinh để xét tuyển và xử lý nguyện vọng đăng ký xét tuyển với tất cả các phương thức xét tuyển trên hệ thống; đồng thời cung cấp thông tin về thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học vào các trường.
Theo quy chế, hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung tiến hành xử lý nguyện vọng xét tuyển, chỉ làm nhiệm vụ lọc bỏ những thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng cao hơn vào trường khác ra khỏi danh sách trúng tuyển dự kiến mà các trường gửi lên hệ thống.
Bộ cũng yêu cầu các trường phải triệt để tuân thủ: danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức vào trường là danh sách thí sinh được hệ thống xử lý nguyện vọng xét tuyển gửi lại trường lần cuối (trên cơ sở danh sách thí sinh dự kiến trúng tuyển do trường tải lên hệ thống), không được điều chỉnh danh sách trúng tuyển chính thức này.
Theo quy định, đối với thí sinh đã đáp ứng đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm, các trường không được xét lại mà phải tải danh sách lên hệ thống để xử lý nguyện vọng cùng với các đối tượng xét tuyển khác.
Điểm mới của Quy chế tuyển sinh đại học 2022
Bộ GD&ĐT quy định các thí sinh phải đăng ký nguyện vọng tất cả các phương thức xét tuyển lên Hệ thống tuyển sinh chung (trừ phương thức tuyển thẳng theo quy chế) để lọc ảo. Nhưng đây cũng khiến các trường gặp khó khăn khi xác định điểm chuẩn cũng như xử lý dữ liệu.
PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải cho hay trường đã nhận được cơ sở dữ liệu, về cơ bản thực hiện theo quy định. Từ 10/9 mới bắt đầu chạy phần mềm, cơ bản nhiều phương thức xét tuyển nên các trường cũng gặp khó. Một số thí sinh chưa nắm bắt được điểm mới của năm nay nên có thí sinh không trúng tuyển học bạ, nhưng vẫn đăng ký. Trường hợp các phương thức xét tuyển sớm nhưng có thí sinh đăng ký và trúng tuyển nhiều trường nhưng chưa chắc đăng ký nhập học vì có thể đi học nước ngoài hoặc không có nhu cầu nhập học.
Theo quy định, thời gian lọc ảo từ 10 – 15/9. Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức lọc ảo 6 lần. Sau đó, các trường ĐH sẽ công bố điểm chuẩn cho thí sinh trước 17h00 ngày 17/9.
Trong kỳ tuyển sinh này nhiều thí sinh cho hay, trước đây Bộ GD&ĐT quy định từ ngày 21/8 đến 17h00 ngày 28/8, thí sinh cả nước nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến trên hệ thống. Nhưng sau đó, do không nắm được thông tin Bộ GD&ĐT điều chỉnh thời gian và quy định mỗi thí sinh chỉ có ba ngày để thực hiện thanh toán trực tuyến nên lỡ mất thời hạn. Năm nay là năm đầu tiên ngành giáo dục yêu cầu thí sinh xét tuyển đại học phải thanh toán trực tuyến lệ phí xét tuyển. Thời gian thanh toán được điều chỉnh từ ngày 24/8 đến 17h00 ngày 31/8, trên 15 kênh thanh toán trực tuyến.
Trước đó, nhiều chuyên gia đã cảnh báo với việc Bộ GD&ĐT quy định nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến hoàn toàn, rồi lại liên tục thay đổi thời gian khiến thí sinh và phụ huynh sẽ không nắm bắt được.
Sau khi nhận được thông tin từ các trường cũng như từ dư luận, mới đây, Bộ GD&ĐT đã khẳng định do năm đầu tiên thí sinh còn có bỡ ngỡ với phương thức thanh toán trực tuyến, nên các thí sinh chưa nộp lệ phí xét tuyển, Bộ sẽ có phương án để tạo điều kiện cho thí sinh tiếp tục hoàn thành trách nhiệm về lệ phí tuyển sinh theo quy định, không để thí sinh mất cơ hội xét tuyển.
Trúc Chi (t/h theo Tiền Phong, Lao Động)