Ức chế vì hàng xóm “gánh mẹ” cả Tết chưa xong

Phiền hà vì tiếng ồn là câu chuyện đau đầu ở bất kỳ khu dân cư nào và hát karaoke là cơn ác mộng của không ít người.

Bữa tiệc thịt nướng BBQ trên tầng thượng của gia đình Alex Kim (46 tuổi) sớm trở thành cuộc cãi vã với nhà hàng xóm khi con gái anh và bạn bè chạy nhảy, nô đùa, gây ra âm thanh ồn ào cho gia đình sống bên dưới, tờ Straits Times đưa tin.

Kim tỏ ra khó chịu khi buổi tối thư giãn của anh bị phàn nàn bởi những người hàng xóm ở tầng dưới. Nhưng sau cùng anh vẫn phải nhượng bộ khi người quản lý tòa nhà yêu cầu gia đình anh không được phép sử dụng tầng thượng vì gây ồn.

Tranh cãi giữa những người hàng xóm ở Hàn Quốc về tiếng ồn tầng trên, tầng dưới ngày càng có xu hướng gia tăng trong đại dịch Covid-19 do mọi người ở nhà nhiều hơn.

Số lượng khiếu nại về tiếng ồn từ hàng xóm sống tầng trên tăng 60,9%, chạm mốc 42.250 đơn trong năm 2020, theo dữ liệu của Tổng công ty Môi trường Hàn Quốc công bố đầu tháng 1. Trong đó, tiếng dậm chân mạnh trên sàn nhà là vấn đề lớn nhất (chiếm 61%), theo sau là tiếng ồn xê dịch đồ đạc, tiếng búa, tiếng cửa đóng và mở nhạc lớn.

Trên các mạng xã hội của Hàn Quốc, tình trạng phiền hà vì tiếng ồn trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi. Một người dùng phàn nàn về chuyện lũ trẻ con trên tầng nhà mình nô đùa, thậm chí tập piano vào sáng sớm. Khó chịu vì ồn ào kéo dài, người này ngay lập tức trả đũa bằng cách bật nhạc thật lớn và chĩa lên trần nhà.

Tranh cãi về tiếng ồn mãi không chấm dứt vì người gây tiếng ồn thì cho rằng có quyền tự do làm những điều mình thích, còn những nạn nhân chịu đựng thì yêu cầu người hàng xóm phải tôn trọng không gian chung.

Không ít chuyên gia cảnh báo rằng việc tiếp xúc nhiều lần với những tiếng ồn như vậy có thể dẫn đến trầm cảm và mất ngủ. Thậm chí sự ức chế đôi khi dẫn đến xích mích, cãi vã, bạo lực, thậm chí là giết người.

Vào năm 2016, một người đàn ông 33 tuổi sống ở thành phố Hanam, Hàn Quốc đã đâm một cặp vợ chồng cao tuổi sống ở tầng trên, khiến người phụ nữ tử vong. Người này nhiều lần phàn nàn về tiếng ồn mỗi khi hai vợ chồng già có khách đến chơi hoặc con cháu đến thăm, nhưng tình hình vẫn tiếp diễn.

Trong dịp Tết Nguyên Đán vừa qua, nhiều câu chuyện dở khóc dở cười về tiếng ồn nhà hàng xóm cũng được đăng tải trên các trang mạng xã hội của Việt Nam.

Một trong những câu chuyện thường thấy nhất là chuyện nhà hàng xóm hát karaoke với âm thanh lớn, kéo dài liên tục từ sáng đến đêm. Ngày thường đã phải chịu đựng, thế nhưng ngày Tết tình trạng này còn trở nên khó chịu hơn nữa.

Một tài khoản Facebook hóm hỉnh chia sẻ: “Hàng xóm nhà em gánh mẹ từ 30 Tết đến mùng 3 Tết vẫn chưa gánh xong. Đúng là người con hiếu thảo”. Ấy là do người hàng xóm ngày nào cũng hát liên tục karaoke bài hát “Gánh mẹ” không dứt, vừa ồn mà vừa nhàm chán.

Thậm chí theo một thống kê trên Youtube, các bản karaoke của các ca khúc xưa cũ như “Xuân này con không về”, “Sầu tím thiệp hồng” thậm chí còn lọt vào danh sách được xem nhiều nhất trong tuần qua. Thế mới thấy rằng, người Việt Nam hát karaoke ngày Tết nhiều như thế nào.

Đành rằng hát hò cũng là nhu cầu giải trí vui vẻ, nhưng âm thanh quá lớn của nó lại trở thành nỗi phiền hà. Đôi khi cũng chỉ vì gây ra tiếng ồn mà cuối cùng bi kịch lại xảy ra.

Hôm 18/2, công an Kiên Giang đã tiến hành chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát đề nghị truy tố hai đối tượng Lê Thanh Tuấn và Trần Hoàng Định về tội cố ý gây thương tích. Nạn nhân trong vụ án này là anh V.Q.T. Anh T bị Tuấn và Định dùng dao chém gây thương tật 62%.

Thời điểm xảy ra vụ việc, vợ chồng anh T hát karaoke âm thanh lớn, khi bị chủ nhà trọ nhắc nhở, vợ anh T thậm chí còn thách thức, chửi bới lại. Chứng kiến điều này, Tuấn và Định mang dao sang nhà vợ chồng anh T để “dạy cho một bài học”. Cuối cùng, chỉ vì hát karaoke mà người thì thương tật, kẻ thì tù tội.

Chuyện mâu thuẫn vì hát karaoke hay gây tiếng ồn dẫn đến giết người cũng không phải là hiếm xảy ra. Với quá nhiều bài học như vậy, có lẽ người hát cũng nên vặn nhỏ loa, người nghe cũng kiềm chế cái đầu nóng, cùng tìm ra phương án nhẹ nhàng để giải quyết.

Nhưng chính đáng ra mà nói, hát hò nếu có điều kiện thì nên ra quán, nơi có cách âm tốt, chứ hát karaoke vốn dĩ không phải dành cho môi trường trong nhà, tiếng ồn dễ thoát ra ngoài. Chí ít trước khi hát cũng nên xem giọng hát của mình có gây ảnh hưởng đến tai ai không rồi hãy cất tiếng.

* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.

Hát Karaoke dịp Tết sao cho chuẩn để không bị phạt?

Thứ 7, 13/02/2021 | 09:35
Tết đến là dịp mọi người quây quần bên nhau và một trong những thú vui phổ biến là hát karaoke. Thế nhưng hát karaoke cần thực hiện đúng theo quy định pháp luật.