Ukraine đã có trong tay “bộ đôi hủy diệt” do các nước NATO viện trợ?

Nguyễn Thị Minh Đức

Nguyễn Thị Minh Đức

Thứ 7, 16/07/2022 15:18

Nhờ các vũ khí tầm xa phương Tây cung cấp, Ukraine tuyên bố đã tập kích được các mục tiêu của Nga mà trước đây không thể tiếp cận.

Một quan chức Ukraine hôm 15/7 thông báo rằng các hệ thống phóng tên lửa mới, được gửi từ phương Tây, đã đến tay các lực lượng quân sự của nước này. Các vũ khí hạng nặng sẽ tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine trước Nga.

Nếu điều này được xác nhận là đúng, thì lô hàng viện trợ đến tay người Ukraine ngay sau khi một chuyên gia quân sự Nga công khai bày tỏ lo ngại về những loại vũ khí hạng nặng được cung cấp cho Kiev, trang Newsweek cho biết.

Theo Newsweek, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov hôm 15/7 đã đăng trên Twitter rằng, quân đội Ukraine đã nhận được một hệ thống tên lửa phóng loạt (MLRS) M270.

Ông Reznikov cho biết, kho vũ khí tầm xa của quân đội Ukraine “đã được mở rộng” với sự xuất hiện của hệ thống M270 đầu tiên, và cùng với HIMARS, chúng sẽ là “bộ đôi” tuyệt vời trên chiến trường.

Bài đăng của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine không nêu rõ quốc gia nào đã gửi hệ thống vũ khí, nhưng Vương quốc Anh đã thông báo hồi đầu tháng 6 rằng họ đã gửi “một số” hệ thống phóng tên lửa cho Kiev, Newsweek cho biết.

Thế giới - Ukraine đã có trong tay “bộ đôi hủy diệt” do các nước NATO viện trợ?

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov xác nhận rằng quân đội Ukraine đã nhận được một hệ thống tên lửa phóng loạt (MLRS) M270, ngày 15/7/2022. Ảnh: Twitter

M270 là một hệ thống pháo phản lực phóng loạt tự hành. Theo Military.com, các hệ thống này được thiết kế để phóng ra "một khối lượng lớn hỏa lực trong thời gian rất ngắn nhằm chống lại các mục tiêu quan trọng với tính di động cao". Nó có khả năng bắn 12 loạt rocket trong 40 giây và được cho là có tính cơ động cao.

MLRS M270 của Anh thậm chí còn mạnh hơn cả hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) M142 do Mỹ cung cấp, vốn đã được chứng minh là một vũ khí có giá trị đối với Ukraine trong cuộc chiến chống lại các lực lượng Nga, Đài CNN bình luận hôm 14/7.

Ông Igor Korotchenko, một chuyên gia quân sự nổi tiếng của Nga, gần đây đã phát biểu trong một chương trình trên đài truyền hình nhà nước Nga về cách các vũ khí hạng nặng bổ sung từ phương Tây có thể ảnh hưởng đến cuộc chiến ở Ukraine như thế nào.

"Quy mô của các đợt giao vũ khí bổ sung của phương Tây sẽ làm phức tạp nghiêm trọng cách chúng ta tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt", ông Korotchenko nói, theo phụ đề được dịch trong một bài đăng trên Twitter được đăng bởi nhà báo Julia Davis, một chuyên gia phân tích truyền thông Nga.

Ukraine đã liên tục nhận được nhiều loại vũ khí do phương Tây viện trợ kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động tấn công quân sự vào quốc gia Đông Âu này hồi cuối tháng 2.

Trong những tuần gần đây, quân đội của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể dòng chảy vũ khí và trang bị hạng nặng do các nước NATO như Mỹ, Anh và Ba Lan cung cấp.

Trong khi thảo luận về kế hoạch vận chuyển M270 vào tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết, loại vũ khí này sẽ giúp ích rất nhiều cho các lực lượng của ông Zelenskyy.

“Các hệ thống MLRS này sẽ cho phép những người bạn Ukraine của chúng tôi tự bảo vệ mình tốt hơn trước các loại pháo tầm xa mà các lực lượng của ông Putin đang sử dụng”, ông Wallace nói.

Ukraine thành công làm giảm đáng kể tiềm năng tấn công của Nga

Các cuộc tấn công bằng tên lửa của Ukraine đã phá hủy hơn 30 trung tâm hậu cần quân sự của Nga trong những tuần gần đây và làm giảm đáng kể tiềm năng tấn công của phía Nga, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ukraine Oleksandr Motuzianyk cho biết hôm 15/7.

Ông Motuzianyk đã nêu bật vai trò quan trọng của các hệ thống HIMARS, do Mỹ sản xuất và cung cấp cho Ukraine, trong các cuộc tấn công tên lửa gây thiệt hại cho đối phương.

Nếu điều này được xác nhận là đúng, thì rõ ràng vũ khí phương Tây đang thực sự phát huy ảnh hưởng của mình trên chiến trường và có thể mang lại sự thay đổi cho động lực của cuộc chiến sau gần 5 tháng.

Thế giới - Ukraine đã có trong tay “bộ đôi hủy diệt” do các nước NATO viện trợ? (Hình 2).

Một tên lửa thực hành tầm bắn giảm (RRPR) được phóng từ một hệ thống HIMARS. Ảnh: Eurasia Review

Kể từ khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2, Nga đã chiếm được một phần lãnh thổ ở miền Nam Ukraine và sử dụng ưu thế pháo binh của mình ở miền Đông để từng bước đánh bật các lực lượng Ukraine ra khỏi các vùng ở Donbass, và cuối cùng đã giành toàn quyền kiểm soát khu vực Luhansk.

Một tướng hàng đầu của quân đội Ukraine hôm 14/7 cho biết, Nga đã không thể giành được lấy "một mét" đất nào trong tuần trước, và các cuộc tấn công của Ukraine đang làm gián đoạn các tuyến tiếp tế của Nga, buộc Moscow phải đặt các kho đạn của mình xa chiến tuyến hơn.

Reuters cho biết họ không thể xác nhận ngay lập tức các báo cáo trên chiến trường.

HIMARS có tầm bắn xa hơn và chính xác hơn so với các hệ thống pháo từ thời Liên Xô của Ukraine, cho phép các lực lượng Ukraine tấn công các mục tiêu của Nga mà trước đây không thể tiếp cận.

Bộ Ngoại giao Nga hôm 14/7 đã chỉ trích Mỹ và Anh vì đã giúp huấn luyện các lực lượng vũ trang của Ukraine và cáo buộc Washington đã bí mật gửi kỹ thuật viên tới chiến trường để giúp các lực lượng Ukraine sử dụng HIMARS hiệu quả hơn.

Tuần này, Kiev cho biết, các lực lượng của họ đã tiến hành các cuộc không kích vào cơ sở hạ tầng quân sự của Nga tại một thành phố nằm sâu trong lãnh thổ do Nga kiểm soát ở Kherson, miền Nam Ukraine.

Thế giới - Ukraine đã có trong tay “bộ đôi hủy diệt” do các nước NATO viện trợ? (Hình 3).

Quang cảnh vụ nổ kho đạn của Nga ở thị trấn Nova Kakhovka, vùng Kherson, miền Nam Ukraine, với việc Ukraine tuyên bố thực hiện cuộc tấn công bằng tên lửa HIMARS do Mỹ viện trợ, ngày 12/7/2022. Ảnh: Daily Mail

Ông Motuzianyk cũng cho rằng chỉ 30% các cuộc không kích của Nga là nhằm vào các mục tiêu quân sự, phần còn lại là các mục tiêu dân sự.

Reuters không thể xác minh tuyên bố này một cách độc lập.

Nga phủ nhận việc cố tình nhắm vào dân thường trong khi thực hiện "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine.

Nga nhắm mục tiêu vào quân đội Ukraine ở thành phố Vinnytsia

Nga hôm 15/7 tuyên bố đã nhắm mục tiêu một tòa nhà nơi diễn ra một cuộc họp của chỉ huy lực lượng không quân Ukraine và đại diện các nhà cung cấp vũ khí phương Tây, không phải dân thường, tại thành phố Vinnytsia của Ukraine.

Trước đó, hôm 14/7, các lực lượng của Moscow đã tấn công thành phố miền Trung Ukraine cách tiền tuyến hàng trăm km bằng tên lửa hành trình Kalibr có độ chính xác cao.

Moscow khẳng định họ nhắm mục tiêu vào quân đội Ukraine.

“Vào thời điểm xảy ra cuộc tấn công, một cuộc họp giữa tư lệnh Không quân Ukraine với đại diện của các nhà cung cấp vũ khí nước ngoài đã được tổ chức”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Cuộc họp tập trung vào việc cung cấp máy bay phản lực và vũ khí cũng như sửa chữa máy bay của Ukraine, Bộ này cho biết trong một tuyên bố hôm 15/7.

"Kết quả của cuộc tấn công, những người tham gia cuộc họp đã bị tiêu diệt", tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Ukraine bác bỏ rằng không có mục tiêu quân sự nào bị tấn công, cho biết 23 người, bao gồm cả trẻ em, đã thiệt mạng trong vụ tấn công, và một trung tâm văn hóa được sử dụng bởi các cựu chiến binh đã nghỉ hưu đã bị đánh trúng.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết tổn thất về người ở Vinnytsia có thể sẽ tăng lên. Hàng chục người vẫn mất tích và nhiều người phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Thế giới - Ukraine đã có trong tay “bộ đôi hủy diệt” do các nước NATO viện trợ? (Hình 4).

Người dân phân loại đồ đạc còn sót lại tại địa điểm xảy ra vụ pháo kích ở thành phố Vinnytsia, miên Trung Tây Ukraine, ngày 14/7/2022. Ảnh: Al Jazeera

Trong một diễn biến khác hôm 15/7, Thống đốc vùng Dnipropetrovsk, Valentyn Reznichenko, thông tin ít nhất 3 người thiệt mạng và 15 người bị thương sau một cuộc tấn công bằng tên lửa được cho là do Nga thực hiện vào thành phố Dnipro, miền Trung Ukraine.

Ông Reznichenko cho biết trên trang Facebook của mình: “Các tên lửa đã bắn trúng một nhà máy công nghiệp và một con phố đông đúc bên cạnh đó. Chúng tôi đang xác định mức độ thiệt hại”.

Cơ quan vũ trụ Liên bang Nga Roscosmos có lãnh đạo mới

Tổng thống Vladimir Putin hôm 15/7 đã cơ cấu lại lãnh đạo Cơ quan vũ trụ Liên bang Nga Roscosmos, với việc bổ nhiệm ông Yuri Borisov, cựu Phó thủ tướng kiêm Thứ trưởng Quốc phòng, thay thế ông Dmitry Rogozin làm người đứng đầu cơ quan này.

Sự thay đổi này được công bố ngay trước khi Roscosmos cho biết họ đã ký một thỏa thuận mang tính bước ngoặt với NASA liên quan đến các chuyến bay và phi hành đoàn tích hợp trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) - một ví dụ hiếm hoi về sự hợp tác giữa Nga và Mỹ vào thời điểm song phương đang căng thẳng gay gắt về cuộc xung đột ở Ukraine.

Điện Kremlin không bình luận về lý do thay đổi vị trí lãnh đạo Roscosmos. Nhưng theo trang Washington Examiner, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã nói với hãng thông tấn Nga TASS rằng việc ông Rogozin bị điều chuyển không liên quan đến bất kỳ phàn nàn nào về hiệu quả công việc của ông này.

Có khả năng ông Rogozin sẽ đảm nhận vị trí quản lý các khu vực Nga mới giành quyền kiểm soát ở Ukraine, trang Washington Examiner dẫn một số báo cáo cho biết.

Thế giới - Ukraine đã có trong tay “bộ đôi hủy diệt” do các nước NATO viện trợ? (Hình 5).

Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) và Giám đốc Cơ quan vũ trụ Liên bang Nga Roscosmos Dmitry Rogozin (phải) thăm trung tâm triển lãm VDNKh ở Moscow, tháng 4/2022. Ảnh: Space News

Ông Rogozin đã đưa ra lập trường đối đầu kể từ khi Roscosmos bị giáng đòn trừng phạt vì vai trò của họ trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Ông Rogozin là người đã đe dọa để ISS “rơi tự do”, nói rằng hợp tác với phương Tây là "bất khả thi" và khoe tiềm năng hạt nhân của Nga.

Trong một video được đăng trên kênh Telegram của mình, Roscosmos đã ca ngợi những tiến bộ mà cơ quan này đạt được dưới quyền của ông Rogozin, người được bổ nhiệm vào năm 2018.

Người thay thế ông Rogozin là ông Yuri Borisov, 65 tuổi, tham gia vào ngành công nghiệp quốc phòng Nga từ cuối những năm 1990.

Trước khi được điều chuyển, ông Borisov giữ chức Phó Thủ tướng phụ trách các vấn đề quân sự và không gian, bao gồm sản xuất vũ khí và thiết bị.

Minh Đức (Theo Newsweek, Reuters, NDTV, TRT World)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.